Thứ 6, 29/03/2024, 13:39[GMT+7]

Khát vọng làm giàu

Chủ nhật, 03/02/2019 | 17:14:37
2,270 lượt xem
Mỗi người chọn cho mình một cách làm kinh tế và những người nông dân “một nắng, hai sương” vẫn cần mẫn nuôi khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương mình.

Tết đến gia đình thêm vui

Đó là tâm sự của anh Nguyễn Trung Bằng, thôn Nam Hưng, xã Vũ Lạc, thành phố Thái Bình bởi mỗi khi tết đến xuân về gia đình anh lại bước vào “mùa” làm ăn. Khởi nghiệp trên chính mảnh đất quê hương từ năm 2004 với hơn 1 sào ruộng, anh mạnh dạn đấu thầu thêm 4 sào ruộng kế bên xây dựng trang trại, phát triển kinh tế. Anh Bằng chia sẻ: Ngày đầu gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn về vốn, giống sản xuất, kỹ năng chăn nuôi lại chưa có, vì thế chỉ dám đào ao thả cá, lợi nhuận đem lại không nhiều. Cuộc sống của gia đình dần khấm khá hơn khi hai vợ chồng quyết định chuyển đổi từ chăn nuôi sang trồng cây cảnh, cây bóng mát. Nhận thấy thị trường cây cảnh, cây bóng mát, đặc biệt là đào, quất bonsai lên ngôi, anh Bằng quyết tâm bỏ vốn liếng để đầu tư hơn 1.000 gốc đào, quất cảnh. Theo anh Bằng, chăm đào, quất, đặc biệt là quất bonsai đòi hỏi người trồng phải uốn nắn các cành cây từ khi còn non để làm sao tạo ra được những cây có thế lạ, dáng đẹp, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.

Với đôi bàn tay khéo léo cùng sự chăm chỉ của bản thân, mô hình trồng cây cảnh của gia đình anh Nguyễn Trung Bằng dần được nhiều người chơi cây cảnh trong và ngoài tỉnh biết đến, bán được cây nên cuộc sống gia đình anh dần khấm khá hơn. Từ đầu năm đến nay, gia đình anh đã thu về hơn 600 triệu đồng từ tiền bán cây. Vào dịp tết năm nay càng được mùa khi ngay từ cuối tháng 12 dương lịch đã có rất nhiều khách đến hỏi thuê cây cảnh chơi tết. Trừ chi phí đầu tư, công trả cho 60 lao động mùa vụ, năm nay gia đình anh Bằng thu về hơn 900 triệu đồng.

Chị Duyên chăn nuôi giỏi

Đến xã Vũ Sơn, huyện Kiến Xương hỏi thăm chị Lê Thị Duyên, thôn Trung Bắc ai cũng biết bởi gia đình chị là một trong những hộ sản xuất, chăn nuôi giỏi của địa phương. Năm 2008, chị Duyên mạnh dạn vay vốn từ Hội Nông dân xã, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã cùng số vốn hơn 200 triệu đồng tích góp được đào ao thả cá và chăn nuôi gà thịt, gà đẻ. Chị chia sẻ: Nhận thấy giống gà Ai Cập trắng có khả năng kháng chịu bệnh tốt, lại là loại gà siêu trứng, sức đề kháng tốt nên gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư xây dựng hơn 700m2 chuồng trại, đấu thầu hơn 2,2 mẫu trồng các loại cây ăn quả. Năm 2018, gia đình tôi nuôi hơn 7.000 con gà Ai Cập trắng, bình quân xuất bán được hơn 140 vạn trứng, ao cá thu về hơn 5 tấn cá thương phẩm, trừ chi phí đầu tư chăn nuôi và tiền công trả cho 8 lao động gia đình tôi thu về 1 tỷ đồng.

Chia sẻ về những dự định trong tương lai, chị Duyên cho biết: Hiện nay, cuộc sống của gia đình tôi đã ổn định. Thời gian tới, tôi sẽ đầu tư máy móc, thiết bị và vệ sinh chuồng trại chăn nuôi theo hướng sản xuất thực phẩm sạch nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân.

Ông Hảo thu nhập 8 tỷ đồng/năm

Năm 2006, ông Nguyễn Văn Hảo, thôn Phương Tảo 2, xã Xuân Hòa, huyện Vũ Thư vay gần 2 tỷ đồng để đầu tư hơn 1.600m2 nhà xưởng, mua sắm máy móc phục vụ sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ. Ông Hảo chia sẻ: Phát huy bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ không khuất phục trước khó khăn, tôi đã chủ động đi tìm thị trường, mở rộng quan hệ với bạn hàng, bên cạnh đó thuê thêm lao động, mua sắm máy móc để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của gia đình đang tạo việc làm cho 18 lao động trong và ngoài xã với mức thu nhập bình quân từ 5 - 10 triệu đồng/người/tháng. Để có được thành công như hôm nay, theo ông Hảo, phải giữ được niềm tin với nghề của mình, đề cao chữ tín và đạo đức trong sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, ông luôn dặn dò công nhân phải tẩm, sấy gỗ theo đúng quy trình, thời gian quy định để sản phẩm không bị mối mọt và cong vênh. Máy móc có thể xẻ, bào nhưng việc đục đẽo, chạm khắc vẫn phải làm bằng tay, có như vậy mới cho ra những sản phẩm tinh xảo, chất lượng.

Trời không phụ lòng người, vào những năm cao điểm, cơ sở sản xuất của gia đình ông Hảo xuất bán hơn 200 bộ bàn ghế, hàng sản xuất ra đến đâu bán hết đến đó. Ông Hảo cho biết: Thời gian tới tôi sẽ đầu tư thêm máy xẻ, máy đục vi tính, thuê thêm lao động để phục vụ sản xuất, nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo thêm việc làm cho người lao động.

Những hội viên nông dân kể trên tuy mỗi người một lĩnh vực khác nhau nhưng đều là những tấm gương nông dân tiêu biểu, mạnh dạn phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu cho gia đình và quê hương.

Tiến Đạt

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày