Cựu chiến binh Phạm Văn Được: Gương mẫu trong các hoạt động
Mặc dù mang trên mình thương tật của chiến tranh, song ông Phạm Văn Được, Chi hội Cựu chiến binh (CCB) thôn An Cố Bắc, xã Thụy An (Thái Thụy) luôn nêu cao bản lĩnh, nghị lực của người lính Cụ Hồ, nhiệt tình, gương mẫu xây dựng gia đình, quê hương giàu mạnh.
Hàng chục năm nay, người dân xã Thụy An quen với hình ảnh một CCB hàng ngày cần mẫn, tỉ mỉ với công việc trông coi, làm đẹp ngôi đền An Cố - di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đó là CCB Phạm Văn Được. Như bao lớp thanh niên thời chiến, tròn 18 tuổi, thanh niên Phạm Văn Được xung phong lên đường nhập ngũ. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông cùng đồng đội tham gia nhiều trận đánh ác liệt với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Trận đánh tại Bà Rịa - Vũng Tàu, đơn vị của ông bị trúng pháo binh địch, rất nhiều đồng đội đã anh dũng hy sinh. Bản thân ông Được bị thương, phải lùi lại phía sau điều trị. Hòa bình lập lại, ông Được trở về quê hương mang trên mình thương tật của chiến tranh. Bản chất truyền thống anh Bộ đội Cụ Hồ luôn thôi thúc ông phải làm việc gì đó có ích cho quê hương và cũng là thực hiện lời Bác Hồ dặn: “Thương binh tàn nhưng không phế”. Nhận thấy ngôi đền An Cố - nơi thờ đức Thánh Nam Hải Đại Vương và các bậc thủy tổ của dòng họ Phạm tỉnh Thái Bình, trải qua thiên tai, địch họa đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Với tấm lòng của người lính trở về sau chiến tranh, ông Được tình nguyện nhận trông coi ngôi đền từ năm 1989 cho đến nay. Với ước nguyện khôi phục, tôn tạo lại di tích lịch sử văn hóa quốc gia, được sự cho phép của cấp có thẩm quyền, ông Được và con cháu trong gia đình đã dành dụm, bỏ ra hàng trăm triệu đồng, cùng nhiều ngày công lao động, bắt đầu từ những công trình nhỏ nhất như: lối ra vào, sân, cổng đền... Ngoài ra, với vai trò Trưởng ban Quản lý di tích, ông Được chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền xã Thụy An, vận động nhân dân phát tâm công đức xây dựng ngôi đền ngày một khang trang, bề thế.
Ông Được chia sẻ: Bắt đầu về đây thì ngôi đền dáng vóc vẫn cổ kính nhưng xung quanh hoang vu lắm. Nhà tôi lúc đó cũng khó khăn lắm nhưng với mong muốn được góp phần giữ gìn giá trị lịch sử văn hóa thiêng liêng của làng quê, tôi quyết định bán một số vật dụng của gia đình để có điều kiện thực hiện ý nguyện của mình, đồng thời vận động thêm con cháu có điều kiện thì ủng hộ. Tất cả việc làm đều xin ý kiến cấp có thẩm quyền để nâng cấp, từ con đường cho đến tu sửa ngôi đền khang trang. Lắm lúc cũng ốm đau nhưng tôi luôn cố gắng làm tròn nhiệm vụ, làm sao phát huy bản lĩnh của anh Bộ đội Cụ Hồ, theo gương Bác Hồ vĩ đại.
Với nghị lực của người lính từng được tôi luyện trong chiến tranh, ngần ấy năm qua, cả khi thời tiết nắng nóng hay giá rét, ông Được duy trì thói quen thức dậy từ 4 - 5 giờ sáng để quét dọn khuôn viên di tích rộng hơn 2ha, rồi lau bàn thờ, chuẩn bị đón tiếp du khách về dâng hương lễ Thánh. Theo ông, đây còn là cách để giáo dục, nhắc nhở thế hệ hôm nay biết trân quý thành quả cách mạng, tri ân công lao to lớn của các bậc tiền nhân. Trong gia đình, ông Được là người ông, người chồng, người cha mẫu mực, dạy bảo các con chăm ngoan, hòa thuận. Không cam chịu cảnh đói nghèo, vợ chồng ông còn tích cực tăng gia lao động sản xuất. Hàng năm, 7 sào thuốc lào cũng mang lại cho gia đình nguồn thu trên dưới 100 triệu đồng.
Ông Lê Ánh Hồng, Chủ tịch Hội CCB xã Thụy An nhận xét về hội viên Phạm Văn Được với niềm trân trọng: Lúc đồng chí Được tuổi còn trẻ thì hăng say lao động sản xuất và được mọi người tin yêu. Gia đình đồng chí rất hòa thuận và là gia đình tiêu biểu của Hội CCB xã Thụy An. Đặc biệt trong xây dựng nông thôn mới, đồng chí đã ủng hộ thôn, xã kinh phí, rồi động viên con cháu tích cực tham gia. Đồng chí và gia đình có những đóng góp không nhỏ, cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thụy An tôn tạo ngôi đền An Cố.
Còn sức khỏe thì còn đóng góp xây dựng quê hương kể cả là những việc làm nhỏ nhất, bằng suy nghĩ và việc làm bình dị nhưng có ý nghĩa lớn lao, CCB Phạm Văn Được xứng đáng là điển hình tiêu biểu thực trong hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Lê Lan
(Đài TTTH Thái Thụy)
Tin cùng chuyên mục
- Ông Chọn say mê làm việc thiện 15.05.2024 | 08:42 AM
- Nghị lực vươn lên của cô gái một chân 24.08.2023 | 09:38 AM
- Người thương binh hơn 30 năm canh giấc ngủ cho đồng đội 20.07.2023 | 09:14 AM
- Những người “làm dâu trăm họ” ngành y 30.06.2023 | 10:09 AM
- Người truyền lửa đam mê phong trào bóng bàn 05.06.2023 | 10:52 AM
- Hai thầy giáo trao trả hơn 10 triệu đồng và 5.000 yên Nhật cho người đánh rơi 08.11.2022 | 02:28 AM
- Nỗ lực vì sức khỏe người dân 25.04.2022 | 15:01 PM
- Thành viên tổ công tác liên ngành chốt kiểm soát dịch Covid-19 nhặt được của rơi trả lại người mất 15.09.2021 | 23:48 PM
- Biến ruộng thành ao, thu tiền tỷ 13.09.2021 | 08:29 AM
- Vươn lên từ vùng đất trũng 19.07.2021 | 09:46 AM
Xem tin theo ngày
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh
- Nhân lên truyền thống “tôn sư, trọng đạo”
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ làm công tác mặt trận nhân ngày truyền thống MTTQ Việt Nam