Thứ 6, 22/11/2024, 02:25[GMT+7]

Thương binh tàn nhưng không phế

Thứ 4, 31/07/2019 | 08:25:37
3,042 lượt xem
Chiến tranh đã lùi xa, những thương binh, bệnh binh trở về lại nỗ lực vươn mình trong cuộc chiến thời bình là xóa nghèo, làm giàu cho bản thân, góp ích cho xã hội. Thương binh Nguyễn Đức Thưởng, xã Tiến Đức (Hưng Hà) là một trong những người như thế.

Cơ sở may gia công túi bạt của gia đình ông Nguyễn Đức Thưởng.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Thưởng cho biết: Năm 1969, tôi nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện, tôi theo đơn vị chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ. Năm 1971, tôi bị thương, được xuất ngũ với thương tật hạng 4/4 vào năm 1977. Những năm tháng chiến đấu ở chiến trường không chỉ khiến tôi bỏ lại một phần máu thịt mà tôi còn bị nhiễm chất độc da cam/Điôxin. Mỗi khi trái gió trở trời, vết thương lại đau nhức, sức khỏe bị giảm sút. Tuy nhiên, là một người lính Cụ Hồ, tôi không cho phép mình lùi bước trước khó khăn. Sau nhiều năm lăn lộn với cuộc sống, năm 2008 tôi và gia đình quyết tâm mở cơ sở may gia công túi bạt cho một công ty của Bộ Quốc phòng. Với vốn đầu tư khoảng 2 tỷ đồng, tôi xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy may để sản xuất. Ban đầu, chúng tôi phải vừa làm vừa học hỏi, rút kinh nghiệm, công nhân cũng phải dạy nghề cho họ. Sau 1 năm, cơ sở đi vào hoạt động ổn định với sản lượng 20.000 sản phẩm/tháng. Ngoài ra, chúng tôi còn xây dựng các cơ sở vệ tinh nhằm bảo đảm duy trì hoạt động  sản xuất. Với nỗ lực của bản thân và gia đình, hiện nay, cơ sở may của gia đình có 20 máy may cùng 2 cơ sở vệ tinh, tạo việc làm cho gần 100 lao động với thu nhập bình quân 4,5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu một năm đạt hơn 2 tỷ đồng, trừ chi phí lợi nhuận đạt từ 200 - 300 triệu đồng. 

Chị Nguyễn Thị Nhung, xã Tiến Đức chia sẻ: Cơ sở may gia công của ông Thưởng có công việc ổn đình và phù hợp với phụ nữ chúng tôi, nhờ đó đã giúp chúng tôi không chỉ có thêm việc làm mà còn có thêm nguồn thu nhập cho gia đình.

Nhạy bén với thị trường, năm 2018, ông Thưởng cùng gia đình tiếp tục đầu tư hơn 5 tỷ đồng mở xưởng sản xuất máy tự động công nghệ cao như máy cắt sắt thép, máy phun sơn tự động... Dù mới hoạt động được hơn 1 năm song xưởng dự kiến sẽ phát triển mạnh. 

Công nhân Nguyễn Văn Trai đến từ tỉnh Hưng Yên cho biết: Năm 2018, tôi xuất ngũ trở về địa phương. Nhờ có sự giới thiệu tôi đã đến xưởng sản xuất máy tự động công nghệ cao của ông Thưởng xin việc và được nhận vào làm. Ngoài được hỗ trợ về ăn, ngủ, tôi còn được học nâng cao tay nghề để đáp ứng công việc nên tôi yên tâm làm việc tại đây.

Nhận xét về thương binh Nguyễn Đức Thưởng, ông Đỗ Xuân Dự, Chủ tịch Hội CCB xã Tiến Đức cho biết: Là thương binh hạng 4/4 và bị nhiễm chất độc da cam/Điôxin song ông Thưởng luôn nỗ lực vượt khó, vươn lên sống có ích, làm giàu cho gia đình, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Bản thân ông và gia đình luôn chấp hành tốt các quy định của Nhà nước, địa phương, tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, thực sự là tấm gương tiêu biểu thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Thương binh tàn nhưng không phế”.


Mai Thư

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày