Chủ nhật, 24/11/2024, 17:03[GMT+7]

Vượt lên nỗi đau

Thứ 5, 08/08/2019 | 09:54:11
3,366 lượt xem
Rời quân ngũ năm 1979, mang trong mình chất độc da cam/Điôxin, cựu chiến binh Phạm Quý Hải ở thôn Hoành Mỹ, xã Thống Nhất (Hưng Hà) đã vượt lên nỗi đau để gây dựng cuộc sống.

Mô hình chuyển đổi của cựu chiến binh Phạm Quý Hải.

Vượt lên nỗi đau da cam

Năm 1973, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Hải tình nguyện lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ. Có nhiều kỷ niệm trong chiến đấu nhưng ông nhớ nhất trận đánh ông cùng đồng đội cứu 5 xe vận tải của ta. Sau trận đánh đó, ông cùng đồng đội tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. 7 năm trong quân ngũ có 4 lần ông được khen thưởng chiến sĩ thi đua. Rời quân ngũ, trở về cuộc sống đời thường, bỏ lại sau lưng sự khốc liệt của chiến tranh, những trận đánh ác liệt, những ngày tháng băng rừng vượt suối những tưởng sẽ bình yên nhưng nỗi đau chiến tranh trong ông và người bạn đời vẫn cứ giằng xé tâm can. Chất độc da cam/Điôxin đã lần lượt cướp đi 2 người con của ông, nhiều căn bệnh biến chứng đang ngày càng ăn mòn cơ thể. Nỗi đau bệnh tật, vết thương lòng vẫn hằn sâu trong ánh mắt người cựu chiến binh. Nhưng phát huy bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ cùng với niềm tin, nghị lực và quyết tâm cao, ông đã vượt qua nỗi đau da cam, chiến thắng bệnh tật, tích cực lao động sản xuất, làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Lạc vào khu sinh thái

Chúng tôi đến thăm mô hình chuyển đổi cây trồng của ông Phạm Quý Hải mà như lạc vào một khu sinh thái. Với gần 1,5 mẫu đất cấy lúa kém hiệu quả, ông Hải chuyển đổi sang trồng cây ăn quả được bố trí khoa học. Ông thuê nhân công đào 6 sào ao nuôi cá trắm, cá chép. Xung quanh ao ông trồng dừa xiêm, 80 cây nhãn T6, 120 cây ổi, 70 cây mít Thái. Ngoài ra ông còn trồng táo đại, đinh lăng, tận dụng hệ thống rào bảo vệ trồng bí đao, dưa hấu... Mùa nào thức ấy, 4 năm nay, từ khi ra khu chuyển đổi ngày nào ông cũng có nguồn thu nhập. Ông khoe, dừa xiêm năm nay bói quả, mít được mùa. Mít Thái sớm ông vừa thu lãi trên 10 triệu đồng. Ông cũng lý giải luôn về lý do mà ông trồng nhiều loại cây khác nhau là vì thực tế hiện nay tình trạng người nông dân đang phải đối mặt là được mùa mất giá. Do vậy, ông đi theo phương thức đa cây, đa canh để mùa nào thức ấy cho thu hoạch quanh năm. Đơn cử như giống ổi lai lê, ngày thường ông bán 300.000 - 400.000 đồng, có ngày ông thu nhập cả triệu đồng.

Năm nay, trong khi các chủ vườn địa phương phiền lòng vì nhãn mất mùa thì vườn cây nhà ông cây nào cũng sai trĩu quả, hứa hẹn một vụ nhãn bội thu. Khi hỏi về kinh nghiệm để nhãn ra quả, ông Hải chia sẻ: Tháng 11 hàng năm phải làm vệ sinh, cắt tỉa cành cho nhãn. Dùng dao khoanh vỏ cây đồng thời bón phân NPK để cây phát triển và ra hoa đúng vụ. Điều đặc biệt đối với vườn cây của ông Hải là khi bước vào vườn cảm giác thư thái, bình yên. Mặc dù cỏ rất nhiều nhưng ông cho biết từ ngày chuyển đổi cây trồng đến nay ông chưa hề biết đến thuốc trừ cỏ, cây ăn quả ông cũng hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để cung cấp sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Ông dùng máy cắt cỏ và tận dụng nguyên liệu nuôi cá, vì vậy vừa giảm chi phí đầu vào mà vẫn cho thu nhập cao. Trung bình mỗi năm ông thu lãi gần 200 triệu đồng.


Cơ duyên đến với cây ăn quả

Khi được hỏi cơ duyên nào đưa ông đến với việc trồng cây ăn quả theo hướng đa cây, đa canh, ông Hải chia sẻ: Trong những ngày tháng chiến đấu ở chiến trường Đông Nam Bộ và thời gian rong ruổi khắp các vùng đất trong nước để học hỏi kinh nghiệm các mô hình kinh tế, tôi có đi qua vùng đất Ninh Thuận bạt ngàn cây trái nên đã nung nấu ước mơ có một mảnh vườn để trồng cây. Cũng nhờ chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nên năm 2015, sau dồn điền đổi thửa, tôi đã chuyển đổi toàn bộ diện tích cấy lúa của gia đình sang trồng cây ăn quả. Hoàn cảnh gia đình khó khăn song bằng ý chí và tinh thầm tự học hỏi nên sau 4 năm cải tạo đất, đến nay vườn cây đã cho thu nhập.

Có kinh nghiệm, ông Hải luôn sẵn sàng truyền đạt cho nhân dân trong vùng để giúp bà con cùng phát triển kinh tế, làm giàu. Kinh tế vững, ông Hải tích cực tham gia các phong trào ở địa phương, đóng góp tiền xây dựng nông thôn mới đồng thời trích một phần kinh phí để ủng hộ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong thôn, trong xã.

Trúc Lành
(Đài TTTH Hưng Hà)

(Tác phẩm dự thi viết về đề tài người Thái Bình - đất Thái Bình)


  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày