27 năm “tiếp lửa” cho trẻ khuyết tật
Lớp học đặc biệt
“Các em đều là những học sinh khuyết tật, bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/Điôxin, có hoàn cảnh khó khăn. Có những em chúng tôi phải đến tận nhà để đón đi học ...” - cô giáo Vũ Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Trung mở đầu câu chuyện như thế về lớp học tình thương do cô và nhiều thầy cô giáo khác trong trường tiếp lửa suốt nhiều năm.
Được thành lập từ năm học 1992 - 1993 với 28 em học sinh khuyết tật, bị nhiễm chất độc da cam/Điôxin, mồ côi cha mẹ đang ở độ tuổi đến trường, lớp học tình thương đã thực sự trở thành ngôi nhà thứ hai giúp các em học tập, vui chơi, hòa nhập cộng đồng. Mặc dù không có giáo viên dạy kỹ năng chuyên biệt cho trẻ khuyết tật thế nhưng bằng tình yêu thương và trách nhiệm, nhà trường vẫn quyết tâm mở lớp học đặc biệt này. Vừa dạy, vừa rút kinh nghiệm, các thầy cô giáo đã truyền cho các em những kỹ năng cơ bản, những kiến thức cần thiết để các em có thể hòa nhập xã hội. Các em được các thầy cô giáo dạy đọc, dạy viết chữ và làm toán tùy theo nhận thức của từng em. Ngoài được học những kiến thức, các em còn được dạy hát cùng các kỹ năng sống.
Thành tích đáng chú ý nhất của lớp học tình thương này đó là năm học 1998 - 1999, đội văn nghệ của lớp đã vinh dự giành huy chương bạc liên hoan nghệ thuật người khuyết tật tỉnh lần thứ nhất do Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh tổ chức. Nhiều thành viên của lớp đã tiếp tục thực hiện ước mơ của mình ở những bậc học cao hơn, tham gia phát triển kinh tế tại địa phương.
Chúng tôi tìm đến nhà em Đặng Văn Dũng, thôn Trà Đông, một trong những cựu học sinh của lớp học tình thương. Sau khi học hết bậc tiểu học tại lớp học tình thương Trường Tiểu học Quang Trung, Dũng theo bố học nghề sửa xe đạp tại nhà. Do ảnh hưởng bởi chất độc da cam/Điôxin từ bố nên trí nhớ và khả năng giao tiếp của Dũng rất kém. Tuy nhiên, sau khi học xong lớp học tình thương, Dũng đã có thể cộng trừ được những phép tính đơn giản, biết giao tiếp với mọi người. Sau khi bố mất, em đã tự lao động kiếm sống cho gia đình bằng nghề sửa xe đạp.
Bà Nguyễn Thị Hường, mẹ của Dũng cho biết: Dũng tự mình làm nghề đến nay đã được 4 năm. Trước kia, nếu hỏi về giá trị của mỗi đồng tiền, cháu chỉ biết được đồng nào to, đồng nào bé. Bây giờ cháu có thể phân biệt được chính xác giá trị của mỗi đồng tiền, hòa đồng hơn với mọi người xung quanh.
Cũng là học sinh cũ của lớp học tình thương, em Bùi Văn Tư lại bị khuyết tật vận động đặc biệt nặng. Đôi tay của Tư bị khèo, chân bị liệt cho nên em rất khó vận động, phải di chuyển bằng đầu gối. Sau khi tốt nghiệp tiểu học, vì hoàn cảnh khó khăn Tư không thể tiếp tục theo học những cấp học tiếp theo. Thế nhưng, Tư vẫn thường xuyên điều khiển đôi bàn tay bị khèo của mình để viết chữ. Bằng nghị lực của mình và “lửa ấm” từ những trái tim nhân hậu của thầy cô, giờ đây Tư có thể đọc sách, báo, học các kỹ năng liên quan đến máy vi tính để mưu sinh giúp đỡ gia đình.
Khó khăn chưa hết...
Chứng kiến các em học sinh lớn lên từng ngày, cô giáo Vũ Thị Hằng, Hiệu trưởng nhà trường không giấu được niềm xúc động. Từng 7 năm là giáo viên chủ nhiệm, hơn 10 năm đồng hành cùng các em học sinh tại lớp học tình thương cho nên hơn ai hết, cô hiểu được sự thiệt thòi của các em học sinh khuyết tật. Nếu hỏi đến bất cứ một em học sinh nào cô cũng đều nhớ mặt, nhớ tên và đặc điểm của từng người. Từ một giáo viên trẻ, đến nay tóc đã điểm bạc nhưng cô vẫn kiên trì đồng hành cùng các em học sinh. Người giáo viên già ấy vẫn trăn trở, đau đáu một nỗi niềm là làm sao để các em học sinh nghèo khuyết tật có một môi trường đào tạo thuận lợi, biết đọc, biết viết một cách thuần thục, thoải mái vui chơi như các bạn đồng trang lứa.
Cô giáo Hằng chia sẻ: Từ năm 2017 đến nay, 10 phòng học của nhà trường buộc phải đóng cửa do cơ sở vật chất đã xuống cấp nên không có lớp dành riêng cho các em học sinh khuyết tật như trước. Các em bắt buộc phải học hòa nhập với các em học sinh bình thường nên rất khó khăn cho việc dạy của các thầy cô giáo.
Khó khăn là vậy, nhưng vượt lên tất cả, các thầy cô giáo tại Trường Tiểu học Quang Trung vẫn kiên trì đồng hành cùng các em học sinh khuyết tật. Tuy không phải là giáo viên dạy kỹ năng chuyên biệt cho các em học sinh khuyết tật nhưng các thầy cô giáo vẫn đón nhận các em như đón những đứa con của mình bằng tất cả tình yêu thương, cưu mang, đùm bọc.
Mỗi năm, trung bình nhà trường đón từ 20 - 25 em học sinh khuyết tật theo học. Các em đến học tại trường đủ mọi lứa tuổi từ lớp 1 đến lớp 5. Có em câm điếc bẩm sinh, có em thiểu năng trí tuệ, có em lại mắc chứng bệnh đao... Các em chủ yếu là con em các gia đình nghèo, bố hay mẹ mất sớm, hoàn cảnh rất khó khăn. Có những em dạy phải kèm với dỗ dành cho kẹo. Có những em đang học trong lớp, vệ sinh cá nhân không tự chủ được, các cô lại tắm giặt cho các em như những người mẹ hiền chăm lo cho đàn con nhỏ. Không một ngày kể công, không một đồng thù lao, các cô giáo tại đây vẫn miệt mài, hàng ngày, hàng giờ chăm sóc và mang những con chữ đến với học sinh khuyết tật.
Năm nay là năm học thứ hai cô giáo Nguyễn Thị Liễu dạy lớp hòa nhập có học sinh khuyết tật. Cô hiện đang là giáo viên chủ nhiệm lớp 1B với 26 học sinh trong đó có 2 học sinh khuyết tật, thiểu năng trí tuệ.
Cô Liễu cho biết: Cái khó khi các em khuyết tật học hòa nhập đó là nhận thức của nhiều em không theo kịp các bạn bình thường. Một số em do ảnh hưởng của bệnh tật nên lúc học không tập trung, quấy phá các bạn trong lớp. Với những em học sinh như vậy tôi sẽ dành nhiều thời gian hơn để dỗ dành, hướng dẫn các em và khuyến khích những em học sinh bình thường khác trong lớp tạo không khí vui tươi, hòa đồng để giúp các em học sinh khuyết tật yên tâm học tập, tránh bị áp lực, mặc cảm. Bên cạnh đó, để có phương pháp truyền tải kiến thức dành cho những em khuyết tật đặc biệt như vậy, hàng ngày ngoài giờ lên lớp, tôi vào mạng internet, đọc sách, báo để có những phương pháp và kiến thức phù hợp nhất đối với các em.
Khi đến học, các em học sinh khuyết tật đều được hỗ trợ toàn bộ học phí và đều được các thầy cô giáo trong trường nhận đỡ đầu.
Cũng theo cô giáo Nguyễn Thị Liễu, làm giáo viên của trẻ khuyết tật phải có một tấm lòng tha thiết yêu thương con trẻ chứ không thể vì lợi ích kinh tế bởi lẽ dạy trẻ khuyết tật các thầy cô cũng không được thêm đồng thù lao nào cả. Nhiều lúc còn phải đưa các em đi, đón các em về. Các em đều là những trẻ khuyết tật, chậm hiểu nên mình phải giảng từ từ, kiên nhẫn và gần gũi với các em học sinh.
Cô giáo Vũ Thị Hằng, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ thêm: Chúng tôi mong muốn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ hơn nữa từ các cấp, các ngành, đơn vị, nhà hảo tâm để cho các em học sinh Trường Tiểu học Quang Trung nói chung, học sinh khuyết tật nói riêng có được môi trường học tập tốt hơn. Nếu có đủ điều kiện, nhà trường sẽ tiếp tục duy trì lại lớp học tình thương cho các em học sinh khuyết tật trong thời gian tới.
Một năm học mới lại bắt đầu tại Trường Tiểu học Quang Trung. Năm học này, nhà trường đón nhận 19 học sinh khuyết tật từ lớp 1 đến lớp 4. Tuy không bảo đảm sẽ thay đổi cuộc đời các em nhưng những thầy cô giáo nơi đây đã làm những công việc đáng trân trọng. Họ là những người sẵn sàng “tiếp lửa” trong suốt cuộc hành trình đưa các em học sinh khuyết tật tiếp cận với từng con chữ, để tuổi thơ của các em tròn trịa hơn, tương lai tươi đẹp hơn.
Thu Hoài
Tin cùng chuyên mục
- Ông Chọn say mê làm việc thiện 15.05.2024 | 08:42 AM
- Nghị lực vươn lên của cô gái một chân 24.08.2023 | 09:38 AM
- Người thương binh hơn 30 năm canh giấc ngủ cho đồng đội 20.07.2023 | 09:14 AM
- Những người “làm dâu trăm họ” ngành y 30.06.2023 | 10:09 AM
- Người truyền lửa đam mê phong trào bóng bàn 05.06.2023 | 10:52 AM
- Hai thầy giáo trao trả hơn 10 triệu đồng và 5.000 yên Nhật cho người đánh rơi 08.11.2022 | 02:28 AM
- Nỗ lực vì sức khỏe người dân 25.04.2022 | 15:01 PM
- Thành viên tổ công tác liên ngành chốt kiểm soát dịch Covid-19 nhặt được của rơi trả lại người mất 15.09.2021 | 23:48 PM
- Biến ruộng thành ao, thu tiền tỷ 13.09.2021 | 08:29 AM
- Vươn lên từ vùng đất trũng 19.07.2021 | 09:46 AM
Xem tin theo ngày
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh
- Nhân lên truyền thống “tôn sư, trọng đạo”
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ làm công tác mặt trận nhân ngày truyền thống MTTQ Việt Nam