Thứ 4, 24/04/2024, 15:08[GMT+7]

Hai anh em đam mê nghiên cứu khoa học

Thứ 4, 06/11/2019 | 09:02:21
2,921 lượt xem
Sinh ra trong một nhà, cùng dạy một trường và cùng đam mê nghiên cứu khoa học, hai anh em Vũ Thanh Hải, Vũ Quang Hòa, giảng viên Trường Đại học Thái Bình đã thực hiện thành công nhiều đề tài khoa học. Các đề tài nghiên cứu của cả hai không chỉ ứng dụng hiệu quả vào đời sống xã hội mà nhiều năm liền còn đạt giải cao tại hội thi sáng tạo khoa học - công nghệ và kỹ thuật tỉnh.

Mô hình máy sấy lạnh thông minh của hai anh em Vũ Thanh Hải và Vũ Quang Hòa.

Vũ Thanh Hải sinh năm 1975, hiện đang phụ trách Khoa Công nghệ, Trường Đại học Thái Bình, rất đam mê nghiên cứu khoa học. Từ khi còn là sinh viên, anh đã nghiên cứu, chế tạo ra máy biến áp, động cơ để bàn. Tuy nhiên, đến năm 1996, khi trở thành giảng viên Trường Đại học Thái Bình anh mới có điều kiện để thể hiện nhiều hơn niềm đam mê nghiên cứu của mình. Hải chia sẻ: Trong quá trình lên lớp, tôi thấy thiếu thiết bị phục vụ giảng dạy. Học các môn về kỹ thuật, công nghệ nếu chỉ nói mà không có mô hình trực quan, sinh viên rất khó hiểu. Bởi vậy, tôi bắt đầu nghiên cứu vừa phục vụ việc giảng dạy vừa nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho bản thân.

Bên cạnh việc nghiên cứu, sáng tạo ra nhiều mô hình dạy cho sinh viên, Vũ Thanh Hải còn tìm hiểu, chế tạo một số hệ thống điều khiển tự động bán cho doanh nghiệp. Với mong muốn sinh viên có việc làm sau khi ra trường, anh đã nghiên cứu và đưa ra giải pháp đào tạo gắn với doanh nghiệp. Khi triển khai thực hiện, đề tài đã mang lại nhiều lợi ích cho sinh viên, giúp các em được đến doanh nghiệp thực hành, hỗ trợ lương khi thực tập và nhận vào làm sau khi ra trường. Bên cạnh đó, trong những học phần chuyên môn, nhà trường đã mời được doanh nghiệp về giảng dạy, chia sẻ kiến thức thực tế. Nhờ đó, nhiều sinh viên Đại học Thái Bình sau khi ra trường đã có công việc ổn định tại một số công ty trong và ngoài tỉnh.

Nghiên cứu khoa học sau anh trai nhưng có chung mục đích nghiên cứu nhằm phục vụ việc giảng dạy và ứng dụng vào thực tiễn đời sống, giảm sức lao động cho người dân, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, Vũ Quang Hòa, sinh năm 1983, giảng viên Khoa Điện, điện tử đã bắt tay vào nghiên cứu từ năm 2009. Đề tài đầu tiên của anh là thiết kế, chế tạo mô hình thực hành PLC S7-200 (bộ thiết kế lập trình). Năm 2015, anh cải tiến, nâng cấp bộ thiết kế lập trình tham gia hội thi sáng tạo khoa học - công nghệ và kỹ thuật tỉnh và đạt giải nhì. Từ năm 2015 đến nay, hội thi lần nào anh cũng tham gia và đạt giải. Một số đề tài anh tự nghiên cứu như: thiết kế một số mô hình thực hành tự động hóa, giảng dạy tại Trường Đại học Thái Bình và thiết kế, chế tạo máy dập số sản phẩm tự động.

Ngoài các đề tài thực hiện riêng, hai anh em đã phối hợp cùng đồng nghiệp thực hiện chung các đề tài: điều khiển phòng học thông minh, hệ thống tưới nước tự động, cải tiến nhà cũ thành nhà thông minh, hệ thống phân loại sản phẩm theo kích thước... Trong các đề tài trên, nhiều đề tài đã đạt giải cao tại hội thi sáng tạo khoa học - công nghệ và kỹ thuật tỉnh. Có những đề tài đã được chuyển giao, ứng dụng vào thực tiễn tại một số cơ sở sản xuất và phục vụ tưới, tiêu trong nông nghiệp, tiêu biểu như đề tài: Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống máy sấy lạnh thông minh dùng trong chế biến, bảo quản các loại nông sản. Mục đích nghiên cứu đề tài xuất phát từ thực tế Thái Bình là tỉnh nông nghiệp, hàng năm sản lượng nông sản lớn. Các phương pháp chế biến, bảo quản của người dân còn thủ công, ảnh hưởng đến chất lượng, thời gian sử dụng, gây tổn thất cho bà con. Ưu điểm của giải pháp là có thể sấy và chế biến nhiều loại nông sản, dược liệu. Sản phẩm sau khi sấy và chế biến vẫn bảo đảm được chất lượng, thời gian bảo quản lâu hơn, vì thế giá trị của nông sản cũng cao hơn. Với những hiệu quả ưu việt, đề tài của hai anh em Vũ Thanh Hải và Vũ Quang Hòa đã nhận được sự quan tâm của một số cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hiện mô hình máy sấy lạnh thông minh đã được áp dụng để sấy bánh đa và hương nén.

Thích khám phá, mày mò và nghiên cứu nên niềm đam mê sáng tạo khoa học của hai anh em vẫn chưa có điểm dừng. Từ thực tiễn cuộc sống, cả hai vẫn còn nhiều đề tài ấp ủ. Song để các đề tài có thể ứng dụng vào thực tiễn nhanh chóng, hai anh em chọn hướng đi tìm các cơ sở, doanh nghiệp có nhu cầu chuyển giao đề tài vào sản xuất để nghiên cứu, cho ra đời các sản phẩm, giải pháp mà họ cần. Phương châm của cả hai là tạo ra các sản phẩm khác biệt, ưu việt và có giá rẻ hơn so với những sản phẩm thị trường đã có.

Hoàng Lanh 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày