Thứ 7, 20/04/2024, 03:14[GMT+7]

Gương mẫu phát triển kinh tế

Thứ 6, 15/11/2019 | 09:00:44
1,804 lượt xem
Cựu chiến binh (CCB) Phạm Văn Chiến, thôn Kỳ Nha, xã Thái Phúc (Thái Thụy) là điển hình học tập và làm theo gương Bác, tích cực phát triển kinh tế, tạo việc làm cho hàng trăm lao động.

Cơ sở sản xuất mây tre đan của CCB Phạm Văn Chiến tạo việc làm cho hơn 600 lao động.

Năm 2002, CCB Phạm Văn Chiến đầu tư phát triển kinh tế gia đình từ nghề làm mây tre đan. Ông chia sẻ: Thời gian đầu, gia đình tôi nhận nguyên liệu về để sơ chế thô rồi đem bán cho các doanh nghiệp khác để họ hoàn thiện sản phẩm, tuy nhiên, làm như vậy lợi nhuận không cao. Với mong muốn làm giàu từ nghề, tôi tích cực học hỏi kinh nghiệm từ các cơ sở sản xuất mây tre đan, chủ động sản xuất ra các mẫu hàng, sau đó mang sản phẩm đi giới thiệu ở các tỉnh và tham gia gian hàng trưng bày sản phẩm ở các hội chợ. Dần dần, tôi đã nhận được những đơn hàng đầu tiên, bắt đầu mở rộng quy mô sản xuất. Tuy nhiên, thời gian đầu tôi gặp không ít khó khăn do thiếu vốn, thiếu lao động. Vì vậy, tôi đã đến từng hộ dân vận động những lao động nhàn rỗi sản xuất các mặt hàng mây tre đan cho mình, giúp họ tăng thu nhập, dần dần mọi việc đi vào ổn định, sản xuất phát triển, quy mô mở rộng hơn. Hiện nay, cơ sở sản xuất mây tre đan của CCB Phạm Văn Chiến tạo việc làm cho hơn 600 lao động của 7 xã trên địa bàn huyện Thái Thụy. Người làm được ít sản phẩm thu nhập bình quân từ 1 - 1,5 triệu đồng/tháng, người cao từ 3,5 - 4 triệu đồng/tháng.

Bà Vũ Thị Viển, thôn Xuân Phố, xã Thái Phúc là người tham gia làm mây tre đan cho cơ sở sản xuất mây tre đan của CCB Phạm Văn Chiến chia sẻ: Trước kia thu nhập của gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, kinh tế eo hẹp. Giờ tôi làm thêm mây tre đan nên hàng tháng cũng có thêm 1,5 triệu đồng. Làm các sản phẩm mây tre đan xuất khẩu không khó, chỉ cần chú ý quan sát cách đan thì ai cũng làm được, lại có thêm nguồn thu nhập nên chúng tôi sẽ gắn bó lâu dài với nghề này.

Đầu năm 2018, CCB Phạm Văn Chiến mua thêm đất, xây dựng nhà kho chứa nguyên vật liệu tiếp tục mở rộng nhà xưởng, đầu tư thêm 2 máy nhuộm với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, có máy móc hỗ trợ nên sản phẩm làm ra nhiều hơn. Nếu như trước kia một năm gia đình ông nhập hơn 70 tấn nguyên liệu, tạo ra hơn 140.000 sản phẩm các loại thì hiện nay một năm xuất bán hơn 200.000 sản phẩm từ mây tre đan. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu về từ 200 - 400 triệu đồng.

CCB Phạm Văn Chiến chia sẻ thêm: Hiện nay, người tiêu dùng có xu thế quay trở lại sử dụng những sản phẩm thủ công truyền thống có nguồn gốc từ thiên nhiên, đây chính là cơ hội để nghề mây tre đan truyền thống có bước phát triển mới. Để giúp các làng nghề phát triển theo hướng bền vững, tôi mong các cấp, các ngành tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề cho người lao động... để từng bước cải tiến mẫu mã, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, tăng thu nhập, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.

Ông Hà Ngọc Long, Chủ tịch Hội CCB xã Thái Phúc đánh giá: CCB Phạm Văn Chiến là người năng động, sáng tạo, mạnh dạn phát triển kinh tế gia đình. Bản thân ông cũng là người nhiệt tình tham gia công tác tình nghĩa, giúp đỡ hội viên khó khăn, tích cực vận động người thân tham gia xây dựng nông thôn mới, được nhân dân quý mến. Hàng năm ông đều được UBND xã và Hội CCB xã khen thưởng.


Hồng Quân

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày