Chủ nhật, 24/11/2024, 09:11[GMT+7]

Hiền “quất”

Thứ 3, 24/12/2019 | 09:27:57
3,386 lượt xem
Anh Lương Văn Hiền, thôn Đông, xã Hồng Việt (Đông Hưng) có niềm đam mê tạo ra nhiều dáng quất độc và lạ đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong dịp tết. Vì vậy, từ người dân Hồng Việt đến người tới mua quất đều trìu mến gọi anh là Hiền “quất”.

Anh Hiền chăm sóc quất.

Những ngày giáp tết Nguyên đán Canh Tý 2020, chúng tôi đến thăm vườn của gia đình anh Hiền và bị cuốn hút vào những cây quất với đủ kiểu dáng, những quả quất to, đều, mọng đang ngả màu vàng xen lẫn màu xanh thẫm của lá cây rất đẹp mắt. Anh Hiền là một trong ít người dân nơi đây trồng quất bon sai phục vụ thị trường tết. Tiếp chúng tôi giữa vườn quất, anh Hiền kể: Tôi sinh ra trong một gia đình thuần nông có nghề truyền thống trồng cây giống và quất cảnh ở Hồng Việt. Lớn lên tôi nối nghiệp nhà nông, cũng chọn trồng quất nhưng tôi không trồng quất truyền thống mà trồng quất thế, quất mini, quất chum. Thời điểm đó, vốn không có nhiều nên anh Hiền tự nghiên cứu trên đài, báo và sách để tự chiết cành lấy giống, học cách trồng, chăm sóc, tạo dáng để áp dụng vào vườn cây của gia đình. “Mỗi người một sở thích, mình thích quất nên mình mày mò và thành đam mê, tối vẫn thắp điện làm” - anh Hiền chia sẻ. 20 năm qua, anh Hiền say sưa tạo ra những cây quất cảnh đẹp, độc, lạ. Anh cũng là một trong những người mạnh dạn trồng quất chum mà thị trường đang ưa chuộng. 

Hiện trong vườn nhà anh đang trồng 300 cây quất thế và 1.000 cây quất mini với đủ các loại thế như: tản vân, thác đổ, tam đa, ngũ phúc, bon sai... Để có được những cây quất đẹp, anh Hiền phải mất rất nhiều công sức bởi quất thế chăm sóc khó hơn nhiều quất bình thường. Khi uốn dáng phải rất tỉ mỉ, thời tiết mưa quá hoặc nắng quá không uốn vì dễ gãy cành, tầm tháng 4, tháng 5 uốn cây mới đẹp và đến cuối tháng 12 dương lịch cho quất lên chậu, lên chum. Để quất chín đều đúng dịp tết Nguyên đán, ngay từ tháng 5, tháng 6 dương lịch, anh Hiền đã đánh bầu rồi chuyển cây vào nơi râm mát, tránh mưa lớn làm hỏng bầu, để từ 10 - 20 ngày đến khi 80 - 90% lá rụng, sau đó trồng lại và chăm sóc bình thường, quất sẽ ra hoa và đậu quả trong tháng 7, tháng 8, quả chín vàng đúng dịp tết Nguyên đán. Trên mảnh đất rộng hơn 1 mẫu, mỗi năm quất trong vườn của anh Hiền lại tăng theo cấp số nhân. Giá cả dao động từ 300.000 - 400.000 đồng/cây quất nhỏ và 700.000 - 800.000 đồng/cây quất to. Không những thế, anh Hiền còn tạo ra những chậu quất phù hợp với phong thủy của các gia đình. Do vậy, thị trường cung ứng của anh trải rộng từ Bắc vào Nam. Mỗi dịp tết, anh Hiền thu từ vườn quất khoảng 250 - 300 triệu đồng.


Chị Lê Thị Thanh Thuy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Việt cho biết: Anh Hiền là hội viên tiêu biểu nhất của Hội Nông dân xã. Anh dám nghĩ, dám làm, rất mạnh dạn đầu tư học hỏi để làm quất bon sai. Anh Hiền còn là người kiên trì, chăm cây như chăm con thơ. Mô hình của anh đem lại hiệu quả kinh tế cao, cần được nhân rộng.


Mỗi khi tết đến, xuân về, quất là loại cây không thể thiếu trong mỗi gia đình. Đây là loại cây không chỉ mang nét văn hóa đặc sắc của người Việt mà còn bởi quả vàng sum xuê, lá xanh tốt của cây quất sẽ mang lại khởi đầu tốt đẹp cho gia chủ một năm mới. Vì thế, những cây quất bon sai, quất chum do anh Hiền dày công chăm sóc đã góp phần mang không gian xanh, sắc xuân và niềm vui, hạnh phúc đến với mỗi gia đình.


Thu Hiền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày