Chủ nhật, 30/06/2024, 04:12[GMT+7]

Chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân da cam theo hướng bền vững

Thứ 2, 29/10/2018 | 08:01:55
1,094 lượt xem
Đó là mục tiêu các cấp hội nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)/Điôxin trong tỉnh phấn đấu thực hiện. Sự nỗ lực vận động nguồn lực của các cấp hội nạn nhân CĐDC/Điôxin trong tỉnh thời gian qua đã góp phần xoa dịu nỗi đau da cam, nhân lên niềm tin về một tổ chức hội “đoàn kết - nghĩa tình - trách nhiệm - vì nạn nhân CĐDC”.

Nạn nhân bị ảnh hưởng gián tiếp bởi chất độc da cam được dạy nghề, tạo việc làm.

Không ngừng xây dựng, phát triển tổ chức hội

Hội Nạn nhân CĐDC/Điôxin tỉnh được thành lập từ năm 2004, là hội cấp tỉnh ra đời sớm nhất trên cả nước. Do có sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc tích cực của cán bộ Hội Nạn nhân CĐDC/Điôxin tỉnh nên chỉ sau 3 năm thành lập, tổ chức hội đã phát triển rộng khắp ở cả 3 cấp với 8 hội cấp huyện, thành phố, 286 hội cơ sở xã, phường, thị trấn. 

Nhằm thu hút nạn nhân CĐDC/Điôxin đủ điều kiện sức khỏe, trí tuệ vào tổ chức hội, các cơ sở hội thường xuyên phối hợp với cán bộ lao động - thương binh và xã hội xã, phường, thị trấn nắm bắt số lượng người bị phơi nhiễm CĐDC/Điôxin để tuyên truyền, vận động tham gia hoạt động hội. Nhờ đó, số lượng hội viên không ngừng tăng lên qua các nhiệm kỳ. Đến nay, số lượng hội viên ở các cấp hội là hơn 23.600 người. So với giai đoạn 2008 - 2013 đã tăng hơn 3.600 hội viên. 

Phát huy sức mạnh tổ chức hội, các cơ sở hội đều xây dựng điều lệ, quy chế hoạt động, tổ chức sinh hoạt định kỳ nhằm tuyên truyền kịp thời chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giải quyết hậu quả CĐDC/Điôxin. 

Không chỉ là tổ chức hội được thành lập sớm nhất, Hội Nạn nhân CĐDC/Điôxin tỉnh còn được biết đến là đơn vị có quỹ vì nạn nhân CĐDC/Điôxin và Trung tâm tẩy độc đầu tiên của cả nước. Vì thế, trong suốt những năm qua, công tác chăm sóc, giúp đỡ cho nạn nhân CĐDC/Điôxin được thực hiện hiệu quả.

Tích cực vận động nguồn lực chăm sóc nạn nhân CĐDC/Điôxin

Toàn tỉnh hiện có hơn 20.000 nạn nhân bị ảnh hưởng trực tiếp và trên 4.000 nạn nhân bị ảnh hưởng gián tiếp bởi CĐDC/Điôxin. Nhiệm kỳ qua, các cấp hội đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa, vận động, kêu gọi nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm để tăng cường nguồn lực chăm sóc, hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân CĐDC/Điôxin. Dù tuổi cao song cán bộ hội nạn nhân CĐDC/Điôxin các cấp không quản ngại khó khăn, vất vả tìm đến các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có tấm lòng hảo tâm kêu gọi sự chung tay, giúp đỡ nạn nhân CĐDC/Điôxin. Các cấp hội đã vận động được hơn 29 tỷ đồng bao gồm tiền, quà để thực hiện các hoạt động chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân CĐDC/Điôxin. Nhờ đó, 37 ngôi nhà được xây mới và sửa chữa; 550 xe lăn, xe lắc, xe trợ đi và gần 28.000 suất quà đã được trao tặng đến nạn nhân CĐDC/Điôxin... 

Với mục tiêu chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân theo hướng bền vững, 5 năm qua, Trung tâm tẩy độc, Hội Nạn nhân CĐDC/Điôxin tỉnh đã tổ chức hàng trăm đợt tẩy độc điều trị thanh lọc độc tố cho nạn nhân CĐDC/Điôxin. Qua các đợt tẩy độc, sức khỏe của nạn nhân được cải thiện rõ rệt, nâng cao khả năng lao động và ổn định cuộc sống. 

Bên cạnh đó, các cấp hội còn phối hợp với lương y Nguyễn Văn Thiệu, Công ty Đông Nam Dược Nguyễn Thiệu tổ chức khám, cấp thuốc miễn phí cho nạn nhân CĐDC/Điôxin trong tỉnh. Trung bình mỗi tháng, có 160 người được khám bệnh và được tặng 5 thang thuốc/người. Hội còn phối hợp với ngành Y tế triển khai dự án phục hồi chức năng cho nạn nhân CĐDC/Điôxin tại cộng đồng. Từ khi triển khai đến nay đã khám cho hơn 1.200 người, chỉ định phẫu thuật cho trên 370 người.

Công tác dạy nghề và tạo việc làm cũng được các cấp hội đặc biệt quan tâm. Số lượng con cháu nạn nhân bị ảnh hưởng bởi CĐDC/Điôxin được đào tạo nghề tại Trung tâm chăm sóc và dạy nghề, Hội Nạn nhân CĐDC/Điôxin tỉnh không ngừng tăng mỗi năm. Hiện, Trung tâm đang dạy nghề, tạo việc làm thường xuyên cho 12 - 20 học viên. Trung tâm còn liên kết với các cơ sở dạy nghề tại địa phương mở 28 lớp học nghề cho trên 850 người học các nghề như: may, gỗ mỹ nghệ, đan lát, thêu… Dù mức thu nhập không cao song thông qua hoạt động dạy nghề, tạo việc làm, nhiều nạn nhân bị ảnh hưởng gián tiếp bởi CĐDC/Điôxin đã tự tin vượt qua mặc cảm, từng bước vươn lên trong cuộc sống.

Mặc dù vậy, hiện nay, cuộc sống của nhiều nạn nhân CĐDC/Điôxin vẫn còn khó khăn. Việc chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân CĐDC/Điôxin giúp họ bớt đi khó khăn, có điều kiện tham gia lao động phát triển kinh tế là việc làm cần thiết. Chính vì thế, thời gian tới, các cấp hội sẽ tiếp tục triển khai những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể hơn. 

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/Điôxin tỉnh cho biết: Bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, Trung ương Hội Nạn nhân CĐDC/Điôxin Việt Nam; sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể và sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm, các cấp hội sẽ tiếp tục tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giải quyết hậu quả của CĐDC/Điôxin; ảnh hưởng thảm họa CĐDC/Điôxin, cuộc sống của những nạn nhân CĐDC/Điôxin và công cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân CĐDC/Điôxin. Song song với nhiệm vụ xây dựng tổ chức hội vững mạnh, các cấp hội sẽ đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chức năng của hội kết hợp tham gia các hoạt động địa phương. 100% hội cơ sở phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ; 95% gia đình hội viên đạt gia đình văn hóa; mở rộng và phát triển Trung tâm tẩy độc với số nạn nhân được tẩy độc cao gấp hai lần; duy trì, phát triển hoạt động dạy nghề, tạo việc làm thường xuyên cho con, cháu nạn nhân CĐDC/Điôxin. Xoa dịu nỗi đau da cam là nhiệm vụ lâu dài mà các cấp hội cần thực hiện song Hội Nạn nhân CĐDC/Điôxin tỉnh rất cần sự vào cuộc, chung tay hơn nữa từ cộng đồng.

Hoàng Lanh