Thứ 7, 10/08/2024, 10:19[GMT+7]

Tập trung tuyên truyền, vận động những trường hợp chưa thống nhất phương án giải phóng mặt bằng đường 39B

Thứ 2, 15/09/2014 | 09:22:33
1,463 lượt xem
Dự án cải tạo, nâng cấp đường 39B đoạn từ thị trấn Thanh Nê (Kiến Xương) đến thị trấn Diêm Ðiền (Thái Thụy) được triển khai từ năm 2009 với tổng chiều dài tuyến 28,9km; trong đó đoạn qua huyện Thái Thụy dài 15,6km. Với sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở, đến nay công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, kế hoạch thông xe kỹ thuật tuyến đường vào năm 2015 đang có nguy cơ chậm tiến độ do một số hộ dân chưa bàn g

Tuyến đường 39B đoạn qua xã Thái Thọ (Thái Thụy) cơ bản đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thi công.

 

Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy Nguyễn Tiến Quyền cho biết: Ðường 39B là tuyến giao thông huyết mạch, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Chính vì vậy, tiến độ triển khai Dự án cũng hết sức cấp bách và khẩn trương. Xác định rõ điều này, huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung mọi nguồn lực nhằm bảo đảm công tác bồi thường, GPMB theo yêu cầu tiến độ của Dự án. Ðể thi công được tuyến đường ảnh hưởng đến người dân của 5 xã: Thái Thọ, Thái Thịnh, Thái Tân, Thái Xuyên và Thái Thượng, với diện tích đất ở và đất lâu năm khác bị thu hồi 40.461m2, tổng số hộ dân bị ảnh hưởng 866 hộ, huyện đã sớm lập kế hoạch tuyên truyền, giải thích, vận động các hộ dân sinh sống có đất đai nằm dọc theo tuyến đường chấp hành, không cơi nới nhà cửa, trồng cây trái phép và tạo mọi thuận lợi giúp công trình triển khai đúng tiến độ. Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và thực hiện chế độ, chính sách bồi thường thỏa đáng, công khai, minh bạch nên tại thời điểm thu hồi đất, hầu hết các hộ dân trên địa bàn huyện rất đồng tình ủng hộ. Hàng trăm hộ gia đình dù chưa nhận đủ tiền đền bù vẫn sẵn lòng nhường đất, tạo điều kiện cho chủ đầu tư GPMB, tiến hành xây dựng con đường. Tuy nhiên, hiện 5 xã vẫn còn một số hộ dân chưa thống nhất với phương án GPMB, dẫn đến tình trạng nhà thầu thi công “cắt khúc” từng đoạn, trong đó vướng mắc nhất là xã Thái Thọ.

 

Tuyến đường 39B chạy qua địa bàn xã Thái Thọ dài 1,3km, với 120 hộ có đất hoặc tài sản được thu hồi thực hiện Dự án. Ông Nguyễn Ngọc Rinh, Chủ tịch UBND xã Thái Thọ cho biết: Xác định đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng nên cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã tập trung cao độ triển khai thực hiện. Ðảng ủy đã ra nghị quyết chuyên đề, phân công nhiệm vụ của từng tổ chức chính trị, đoàn thể. Ðồng thời, thành lập ban chỉ đạo, hội đồng đền bù GPMB, tổ chức các hội nghị triển khai chế độ chính sách hỗ trợ, bồi thường GPMB đến các hộ dân có đất bị thu hồi. Chú trọng công tác dân vận, thường xuyên xuống tận nhà dân không kể ngày hay đêm, trưa hay tối, thực hiện vận động một lượt, hai lượt rồi nhiều lượt để mọi người dân ai cũng biết, ai cũng hiểu một cách rõ ràng các chính sách của Nhà nước về công tác đền bù GPMB.

 

 

Mặc dù bị thu hồi gần 400m2 đất ở, 82m2 đất hành lang giao thông, cây cối, hoa màu thuộc 4 thổ đất khác nhau của gia đình nhưng anh Ðỗ Văn Trà (thôn Ðộc Lập) cũng như hầu hết các hộ dân khác trong xã Thái Thọ vẫn vui vẻ hợp tác trong việc thực hiện GPMB. Anh Trà chia sẻ: Sau khi nắm rõ chủ trương và được chính quyền, đoàn thể xã, thôn tuyên truyền, giải thích về chính sách đền bù trong GPMB, tôi đã đồng tình ủng hộ, bàn giao mặt bằng để xây dựng các công trình, chỉ cần Nhà nước bảo đảm quyền lợi thỏa đáng theo đúng các quy định về thu hồi đất... Vì vậy, ngay từ cuối năm 2013, gia đình tôi đã nhận tiền đền bù, hỗ trợ GPMB đối với diện tích đất ở, các tài sản trên đất, tổng số tiền gần 1,2 tỷ đồng để con đường sớm hoàn thành, bởi khi kéo dài thời gian chính người dân trong cuộc phải cùng hứng chịu hậu quả của việc trì trệ này.

 

Ông Nguyễn Trung Kết (thôn Thiên Kiều) có hơn 20m2 đất ở thuộc diện được Dự án bồi thường, hỗ trợ nhưng gia đình ông đã không nhận tiền bồi thường đất (64 triệu đồng) mà chỉ nhận tiền bồi thường, hỗ trợ về tài sản trên đất. Theo ông Kết thì chủ trương của Nhà nước là đúng đắn, phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và người được hưởng lợi nhiều nhất chính là những người dân ven đường 39B. Khi đường to, rộng tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế, đồng thời tai nạn giao thông cũng sẽ giảm, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, bà con yên tâm sản xuất, kinh doanh.

 

Tuy nhiên không phải tất cả mọi người dân đều sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Hiện vẫn còn 16 hộ chưa thống nhất với phương án GPMB, trong đó 8 hộ UBND xã Thái Thọ giao đất trái thẩm quyền năm 1995, 1996, 1997, biên bản giao đất ghi giáp lưu đường 39B, tại thời điểm đó lưu không đường là 13m nhưng các hộ đề nghị bồi thường, hỗ trợ giáp mép đường đá hiện trạng; 3 hộ ông Vũ Văn Thuyên, Nhâm Văn Ðáng, Nhâm Văn Ðang đã được bồi thường về đất thực hiện Dự án cầu Trà Lý năm 2002, theo quy định tài sản trên đất hiện có được hỗ trợ 80%, nhưng các hộ đề nghị hỗ trợ 100%. Hay như hộ gia đình ông Phạm Quốc Thịnh nhận chuyển nhượng của ông Ðỗ Văn Nhạ năm 1993 nhưng đất này UBND xã cho ông Ðỗ Văn Nhạ mượn mở quán (không thu tiền sử dụng đất mà chỉ thu các khoản thuế quỹ đóng góp hàng năm) để tăng thêm kinh phí cho gia đình, có xác nhận của UBND xã Thái Thọ ngày 2/11/1989. Biên bản giao nhượng quán giữa ông Nhạ và ông Thịnh ngày 19/9/1993 không có xác nhận của UBND xã Thái Thọ. Năm 1995 phần tài sản UBND xã đã giải tỏa theo Nghị định 36/CP. Ðây là đất do UBND xã Thái Thọ quản lý vì vậy ông Thịnh kiến nghị bồi thường, hỗ trợ về đất là không có căn cứ.

 

Ông Hoàng Thanh Chương (thôn Giáo Lạc), một trong những hộ không chịu bàn giao mặt bằng cho biết: Năm 1995 gia đình tôi mua đất của UBND xã Thái Thọ, khu vực ao cá Bác Hồ, có biên bản giao đất ở ngày 15/12/1995 của UBND xã Thái Thọ, diện tích giao 150m2, kích thước giao rộng 8m, sâu 19m, giáp lưu đường 39B. Gia đình tôi không nhất trí với ranh giới lưu không đường 13m mà lưu không đường là không mét nào, sát mép đường đá. Tôi mong Nhà nước xem xét và giải quyết thỏa đáng cho gia đình tôi. Trao đổi với chúng tôi ông Trần Tuấn Kiệt, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thái Thụy giải thích: Năm 1995, khi các địa phương bán đất được thực hiện theo quy định hành lang đường bộ. Tại Quyết định số 673/QÐ-UBND ngày 30/11/1993 của UBND tỉnh Thái Bình quy định mặt đường 20m, mỗi bên bảo vệ hành lang 3m, như vậy từ tim đường tính ra hết danh giới là 13m thì UBND xã căn cứ theo quy định đó bán đất cho các hộ dân và cách ra 13m. Các hộ được giao đất ghi cách lưu đường 39B và có sơ họa về thửa đất cách 13m.

 

Hiện Dự án cải tạo, nâng cấp đường 39B qua địa bàn xã Thái Thọ chỉ vào khoảng 10m nên các hộ gia đình cách tim đường 13m không được bồi thường về đất chỉ được bồi thường tài sản trên đất, với 80% giá trị tài sản. Các hộ có biên bản giao đất rõ ràng đều nhất trí 100% và đã nhận tiền đền bù. Tuy nhiên, tại khu vực ao cá Bác Hồ 12 hộ biên bản ghi giáp lưu đường, không vẽ vị trí sơ họa, nhưng 7 hộ đã nhất trí vị trí ranh giới đất cách tâm đường 13m, còn 5 hộ yêu cầu bồi thường sát mét đường đá. Căn cứ vào trích lục hiện trạng, diện tích đất, hồ sơ đất thì Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện vẫn xác định những nhà ra sau thời điểm hoặc cùng thời điểm và xen kẹt với những nhà đã giao 13m thì vẫn phải cách ra 13m, các hộ không nhất trí với phương án GPMB của Trung tâm. Vì vậy, Trung tâm đã tham mưu UBND huyện ra văn bản số 723 ngày 30/8/2014 gửi Sở Giao thông vận tải về việc xin ý kiến trả lời về vướng mắc GPMB tại xã Thái Thọ, trong đó có đề nghị làm rõ phần lưu đường 39B và văn bản số 722 ngày 30/8/2014 gửi Sở Tài nguyên và Môi trường về việc xin ý kiến thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phục vụ công tác GPMB Dự án cải tạo, nâng cấp đường 39B tại xã Thái Thọ. Ngày 4/9/2014, Sở Giao thông vận tải đã có văn bản giải thích cụm từ lưu đường 39B thực chất dùng để chỉ hành lang bảo vệ đường 39B. Ngày 6/9/2014, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 1051 thống nhất với quan điểm giải quyết của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thái Thụy.

 

Ðể giải quyết các tồn tại, vướng mắc trên, UBND huyện Thái Thụy đã tổ chức 10 cuộc họp từ năm 2013 đến nay mời các sở, ngành liên quan để xin ý kiến chỉ đạo giải quyết đối với từng trường hợp; chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn của huyện, UBND xã Thái Thọ phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện trong việc kiểm đếm, lập phương án GPMB bảo đảm theo quy định;  thường xuyên tổ chức họp bàn thống nhất phương án giải quyết giữa các ngành của huyện; tổ chức nhiều buổi mời các hộ có cùng khó khăn, vướng mắc lên UBND xã để giải thích, tuyên truyền, vận động nhưng đến nay 16 hộ chưa thống nhất với phương án GPMB, vẫn tiếp tục kiến nghị. Vì vậy, huyện Thái Thụy dự kiến vào trung tuần tháng 9 này sẽ tổ chức đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh, huyện Thái Thụy, xã Thái Thọ với 16 hộ nói trên. Ðồng thời, tập trung vận động, thuyết phục để người dân hiểu, cùng vào cuộc, ủng hộ các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của các cấp chính quyền.

Minh Nguyệt

 

  • Từ khóa