Thứ 6, 22/11/2024, 11:19[GMT+7]

Cô giáo Phạm Thị Thủy: Hết lòng với học sinh

Thứ 5, 22/11/2018 | 08:30:23
3,693 lượt xem
Ở Trường THCS Lê Danh Phương (Hưng Hà), cô giáo Phạm Thị Thủy luôn được học sinh và đồng nghiệp yêu quý không chỉ bởi cô là một giáo viên dạy giỏi mà còn luôn hết lòng với học sinh.

Cô giáo Thủy hướng dẫn học sinh.

Ngay từ khi còn là học sinh, mơ ước được làm cô giáo đã thôi thúc cô Thủy quyết tâm phấn đấu để đạt được ước mơ của mình. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Thái Nguyên, cô Thủy về công tác tại Trường THCS Văn Lang (Hưng Hà) rồi sau đó chuyển về công tác tại Trường THCS Lê Danh Phương. Gần 20 năm công tác tại Trường cũng là từng ấy thời gian cô Thủy miệt mài với sự nghiệp “trồng người”.

Cô giáo Phạm Thị Thủy chia sẻ: Là giáo viên dạy môn Sinh học, bản thân tôi luôn tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy. Thực hiện nghiêm túc những quy định, quy chế chuyên môn, bảo đảm tốt mọi yêu cầu về số lượng và chất lượng về hồ sơ, giáo án. Thường xuyên rút kinh nghiệm, thống nhất nội dung giảng dạy và công tác trong nhóm, tổ chuyên môn. Tôi cũng ý thức việc tự học, tự bồi dưỡng chuyên môn, thường xuyên sưu tầm tài liệu, soạn giảng, tham khảo thông tin trên các trang mạng như: thư viện đề thi, thư viện giáo án học hỏi đồng nghiệp để bổ sung kiến thức, nâng cao chuyên môn trong giảng dạy và công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. 

Để dành thời gian cho việc tự học, tự tìm tòi, nghiên cứu phục vụ công tác giảng dạy, cô Thủy phải sắp xếp công việc gia đình sao cho khoa học để vừa có thể giỏi việc trường lại đảm việc nhà. Bên cạnh việc tự trau dồi chuyên môn, cô Thủy còn tích cực tham gia viết sáng kiến và áp dụng thành công trong lĩnh vực giảng dạy và bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi. 

Điển hình là sáng kiến “Vận dụng phương pháp bàn tay nặn bột vào giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn Sinh học cấp THCS”. Theo phương pháp này, dưới sự giúp đỡ của giáo viên, chính học sinh tìm ra câu trả lời cho các vấn đề được đặt ra trong cuộc sống thông qua tiến hành thí nghiệm, quan sát, nghiên cứu tài liệu hay điều tra để từ đó hình thành kiến thức cho mình. Phương pháp cần tuân theo 5 tiến trình dạy học: tình huống xuất phát và câu hỏi nêu vấn đề; bộc lộ quan niệm ban đầu của học sinh; đề xuất câu hỏi, giả thuyết, thiết kế phương án thực nghiệm; tiến hành thực nghiệm tìm tòi - nghiên cứu; kết luận và hợp thức hóa kiến thức. Có thể nói, phương pháp bàn tay nặn bột có thể áp dụng được ở tất cả các khối lớp từ lớp 6 đến lớp 9. Việc vận dụng phương pháp bàn tay nặn bột có thể áp dụng cho từng mục kiến thức nhưng cũng có thể áp dụng cho cả bài học.

Cô giáo Phạm Thị Thủy chia sẻ thêm: Khi tiếp nhận lớp, tôi đã hướng dẫn học sinh cách ghi chép sao cho đúng, đủ, khoa học, dễ học. Bồi dưỡng cho các em niềm say mê môn học thông qua việc tuyên truyền đưa ra những tấm gương học tập điển hình để các em noi theo. Đối với công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, tôi thường rèn các em bản lĩnh thi cử ngay từ những vòng thi đầu tiên để từ đó các em sẽ có tâm lý tốt trong các kỳ thi. Bản thân tôi cũng luôn gần gũi học sinh, nắm bắt kịp thời những thay đổi tâm lý của các em cũng như tạo điều kiện cho các em được nói lên suy nghĩ và được giải đáp những thắc mắc trong quá trình học bài. 

Em Nguyễn Xuân Nam, học sinh lớp 9A2, Trường THCS Lê Danh Phương cho biết: Cô Thủy luôn nhiệt tình giảng bài cho chúng em với những phương pháp dễ hiểu. Cô tạo được sự hứng thú cho chúng em trong mỗi giờ học. Cô còn là người gần gũi, quan tâm đến học trò, luôn lắng nghe và giải đáp mọi thắc mắc của chúng em và đưa ra cho chúng em cách tự học môn Sinh học sao cho đạt hiệu quả tốt nhất.  

Thầy giáo Lê Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Danh Phương cho biết: Với sự nhiệt huyết, hết lòng với học sinh, cô giáo Phạm Thị Thủy đã góp phần đưa tỷ lệ học sinh giỏi của nhà trường ngày càng nâng cao. Năm học 2017 - 2018, Trường có 6/8 đội tuyển đạt giải, điển hình là đội tuyển Sinh, Địa đạt giải nhất cấp tỉnh, đội tuyển Lý đạt giải nhì cấp tỉnh..., toàn đoàn xếp thứ 3 trong tỉnh. 

Với những thành tích đạt được, cô giáo Phạm Thị Thủy nhiều năm liên tục đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, huyện. Năm học qua, cô cũng là một trong những giáo viên xuất sắc được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Đó là niềm vinh dự đồng thời cũng là động lực để cô giáo Phạm Thị Thủy tiếp tục nỗ lực phấn đấu đạt được những thành tích cao hơn nữa trong sự nghiệp “trồng người”.

Mai Thư

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày