Thứ 3, 21/05/2024, 19:52[GMT+7]

15 năm thực hiện xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Thứ 3, 30/06/2020 | 16:55:23
2,468 lượt xem
15 năm qua, công tác gia đình luôn được các cấp, các ngành, đoàn thể trong tỉnh phát huy tốt vai trò của các lực lượng xã hội trên địa bàn tỉnh trong thực hiện công tác gia đình, góp phần tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Ảnh minh họa.

Trong nhiều năm qua, các địa phương trong toàn tỉnh đã bám sát tiêu chuẩn gia đình văn hóa để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện, tạo nên sự chuyển biến về nhận thức sâu sắc trong cấp ủy, chính quyền các cấp và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí của xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, đáp ứng tiến trình CNH, HĐH đất nước, trong xu thế hội nhập và phát triển. Các đoàn thể thường xuyên lồng ghép phong trào xây dựng gia đình văn hóa với các nội dung thi đua: sản xuất, kinh doanh giỏi, xóa đói, giảm nghèo; “Ông bà, cha mẹ mẫu mực con cháu thảo hiền”, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “Gia đình, dòng họ hiếu học”… Các gia đình thường xuyên nhắc nhở các thành viên chăm lo xây dựng gia đình hòa thuận; đoàn kết tương trợ trong cộng đồng; thực hiện tốt nghĩa vụ công dân; sống kỷ cương, giao tiếp ứng xử lễ phép, gương mẫu chấp hành quy ước, hương ước của địa phương.

 Phong trào xây dựng gia đình văn hóa được Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và công tác gia đình phối hợp với MTTQ các cấp phát động rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh, đạt hiệu quả thiết thực. Việc đăng ký, bình xét, công nhận danh hiệu văn hóa được thực hiện công khai, dân chủ, đảm bảo đúng quy định. Tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa tăng đều qua các năm. Năm 2005 tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 62,4%, năm 2019 đạt 88,3%.  Nhiều mô hình gia đình tiên tiến xuất hiện như: Gia đình nông dân sản xuất giỏi, gia đình cựu chiến binh gương mẫu, gia đình nền nếp gia phong, gia đình trẻ hạnh phúc...

Công tác giáo dục đời sống gia đình được thực hiện thường xuyên, đa dạng về nội dung, phong phú về hình thức, được Sở Văn hóa. Thể thao và Du lịch, các đoàn thể như: Hội liên hiệp phụ nữ, đoàn thanh niên, liên đoàn lao động các cấp tổ chức đã thu hút hằng trăm nghìn lượt người tham gia, cung cấp tới nhiều gia đình các kiến thức, kỹ năng sống như: kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng chăm sóc sức khỏe gia đình, kỹ năng ứng xử giữa các thành viên trong gia đình... Qua đó, góp phần giáo dục, kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.

Để công tác phòng, chống bạo lực gia đình thực sự đi vào đời sống cộng đồng dân cư, đi vào ý thức của từng gia đình, từng cá nhân, công tác triển khai xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, thiết lập số điện thoại, đường dây nóng, hoạt động của các tổ hòa giải và cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình đã được thành lập và hoạt động bước đầu đạt kết quả. 

Hiện nay, toàn tỉnh có 303 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, 851câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 849 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, 831 số điện thoại, đường dây nóng, 2.097 tổ hòa giải với gần 16.000 hòa giải viên, 1.800 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng nhằm trợ giúp các nạn nhân bạo lực gia đình phòng ngừa và tạm trú khi có tình huống bạo lực xảy ra; có trên 80 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình do cấp tỉnh triển khai; cùng với gần 700 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình được thành lập và lồng ghép trong hoạt động của các mô hình khác tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh do các huyện, thành phố chỉ đạo. Hoạt động của các mô hình mà hạt nhân là đội xung kích phòng, chống bạo lực gia đình với sự cam kết chặt chẽ: không gây bạo lực, hòa giải mâu thuẫn ngay trong nội bộ gia đình đã tránh được nhiều nguy cơ tiềm ẩn các vụ bạo lực từ đó đẩy mạnh hoạt động xây dựng gia đình hạnh phúc.

Cùng với đó, nhiều địa phương đã thực hiện tốt các phong trào thi đua phát triển kinh tế hộ gia đình như: “Nông dân thi đua sản xuất giỏi, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, phong trào giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, thành lập quỹ hỗ trợ nhau phát triển kinh tế được Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp phát động cũng thu được nhiều kết quả quan trọng. Hoạt động hỗ trợ vốn để phát triển kinh tế hộ gia đình được quan tâm thực hiện. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo quy mô kinh tế hộ gia đình quản lý đã xuất hiện cho hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó kinh tế hộ gia đình ở Thái Bình có nhiều khởi sắc, số hộ nghèo và cận nghèo giảm dần theo các năm.Tỷ lệ hộ nghèo năm 2019 giảm còn 2,8% (năm 2010 là 9,3%). Đời sống vật chất, tinh thần của mỗi gia đình được cải thiện đáng kể. Thái Bình luôn là một trong những địa phương được đánh giá cao trong thực hiện tốt các chính sách dân số - sức khỏe sinh sản, giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, an sinh xã hội.

Giai đoạn hiện nay, mặt trái của nền kinh tế thị trường và lối sống thực dụng ích kỷ, đề cao tự do cá nhân… đã tác động mạnh đến giá trị truyền thống và lối sống tốt đẹp trong một số gia đình. Nhiều giá trị đạo đức của gia đình đang bị mai một, có biểu hiện xuống cấp, tệ nạn xã hội đang xâm nhập vào gia đình, chất lượng danh hiệu gia đình văn hóa ở một số địa phương chưa bền vững... Chính  vì vậy thời gian tới, Thái Bình cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền các cấp, phát huy vai trò nòng cốt của Uỷ ban MTTQ và các đoàn thể chính trị, xã hội trong việc tuyên truyền, hướng dẫn, vận động nhân dân thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW trong cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá". Tăng cường đổi mới nội dung và hình thức công tác truyền thông, giáo dục vận động nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí của gia đình; tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng về Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tăng cường giáo dục, phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, các mạng của quê hương Thái Bình cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân”; tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, hôn nhân gia đình, bình đẳng giới... Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng của các danh hiệu gia đình văn hóa, bảo đảm công khai, dân chủ, không chạy theo hình thức; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, các dự án, đề án, mô hình về gia đình.Thường xuyên quan tâm giáo dục đạo đức lối sống, nếp sống trong gia đình đặc biệt là quan tâm nhiều hơn đối với trẻ em. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chương trình phòng, chống tệ nạn xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động, đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình. Hoàn thiện tổ chức bộ máy từ tỉnh đến cơ sở đủ mạnh để phù hợp với tính chất khó khăn, phức tạp, lâu dài của công tác gia đình.

Hải Yến
( Phòng Khoa giáo, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

  • Từ khóa