Chủ nhật, 22/12/2024, 15:07[GMT+7]

Nỗ lực giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

Thứ 6, 10/07/2020 | 08:48:27
6,260 lượt xem
Mất cân bằng giới tính khi sinh đang là vấn đề xã hội được nhiều người quan tâm bởi nó có chiều hướng gia tăng và ngày càng khó kiểm soát. Tại Thái Bình, nhiều mô hình, đề án đã được triển khai đồng bộ, quyết liệt, trong đó có mô hình “Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”.

Tặng quà phụ nữ tiêu biểu thực hiện tốt chính sách dân số - KHHGĐ huyện Tiền Hải.

Là 1 trong 3 mô hình được ngành dân số triển khai từ rất sớm, mô hình “Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” nhằm thay đổi tâm lý đã bén rễ trong nhận thức của người dân bao lâu nay là phải có con trai để nối dõi; nâng cao vai trò, vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội; từng bước thuyết phục các cặp vợ chồng không lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức. Hiện tại, mô hình duy trì tại 157 xã với 157 câu lạc bộ (CLB) phụ nữ không sinh con thứ ba cùng giúp nhau phát triển kinh tế thuộc 8 huyện, thành phố. Tham gia CLB, chị em được phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân số, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới; tư vấn, hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe sinh sản, sử dụng các biện pháp tránh thai, kỹ năng nuôi con khỏe, dạy con ngoan... Bên cạnh đó, CLB cũng là nơi để chị em tập hợp, chia sẻ kinh nghiệm, cùng giúp nhau phát triển kinh tế bằng nhiều hình thức như: hỗ trợ cây giống, con giống, ngày công lao động, trao đổi kiến thức chăn nuôi, trồng trọt, phòng, chống dịch bệnh, phát triển nghề phụ. Đến nay, 157 CLB đã tổ chức được 314 buổi sinh hoạt, thu hút trên 15.000 lượt hội viên tham gia.


Tại buổi sinh hoạt CLB phụ nữ không sinh con thứ 3 xã Tân Hòa (Vũ Thư), các thành viên đều nhiệt tình đóng góp những ý kiến, cách làm hay để giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Chị Bùi Thị Dự, thành viên CLB chia sẻ: Từ khi tham gia CLB, tôi đã nhận thức rõ hơn về ý nghĩa thiết thực của việc sinh ít con. Mặc dù vợ chồng tôi sinh được hai con gái, nhưng chúng tôi quyết định không sinh thêm để dành thời gian chăm sóc, nuôi dạy con cái tốt hơn và có điều kiện phát triển kinh tế.


Chị Nguyễn Thị Mười, Chủ nhiệm CLB phụ nữ không sinh con thứ 3 xã Tân Hòa (Vũ Thư) cho biết: CLB này được thành lập ở xã từ tháng 10/2018 với tổng số 18 thành viên là chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Mỗi quý, CLB tổ chức sinh hoạt 1 lần. Nội dung chủ yếu là tuyên truyền về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, những hệ lụy của việc mất cân bằng giới tính và lựa chọn giới tính thai nhi. Tham gia sinh hoạt tại CLB, các thành viên đều nhận thức được tầm quan trọng của việc sinh ít con đối với hạnh phúc gia đình và toàn xã hội. CLB cũng tạo mọi điều kiện, ưu tiên, khuyến khích thành viên tham gia, quan tâm đến quyền lợi của các thành viên. Từ đó tạo sự gắn bó và trách nhiệm để mỗi thành viên trở thành một tuyên truyền viên tích cực tại cộng đồng.


Với nhiều hoạt động thiết thực, các CLB phụ nữ không sinh con thứ 3 đã góp phần không nhỏ vào việc thực hiện công tác dân số - KHHGĐ ở mỗi địa phương. Để nâng cao hoạt động của các CLB, từ đầu năm 2019 đến nay, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã tổ chức 100 buổi nói chuyện chuyên đề tư vấn về mất cân bằng giới tính khi sinh cho trên 10.600 đối tượng. Ngoài các hoạt động truyền thông trực tiếp, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh còn phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng xây dựng các phóng sự, tọa đàm, tin, bài tuyên truyền những nội dung cần thiết trong quá trình hoạt động các mô hình. Phát hành gần 14.000 tờ rơi tuyên truyền về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; trên 600 cuốn tài liệu hướng dẫn lồng ghép nội dung về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, giới, bình đẳng giới cho 260 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông kiểm tra các nhà xuất bản, các trang thông tin điện tử, các nhà sách..., phát hiện, thu hồi các ấn phẩm hoặc yêu cầu gỡ bỏ những thông tin quảng bá, tuyên truyền, hướng dẫn việc sinh con theo ý muốn. Chỉ đạo trung tâm y tế huyện, thành phố thanh tra, kiểm tra các cơ sở y tế có dịch vụ siêu âm, nạo phá thai trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về nghiêm cấm tuyên truyền phổ biến phương pháp phát hiện giới tính thai nhi. Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh, trung tâm dân số - KHHGĐ các huyện, thành phố thường xuyên kiểm tra, giám sát đối với các xã thực hiện mô hình.


Bà Đoàn Thị Thanh Hằng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cho biết: Tỷ số giới tính khi sinh thông thường là 104 - 106 trẻ em trai/100 trẻ em gái. Tuy nhiên, 5 năm trở lại đây, Thái Bình luôn là tỉnh có sự chênh lệch trong tỷ số giới tính khi sinh ở mức cao. Riêng năm 2019, tỷ số giới tính khi sinh toàn tỉnh là 111,1 trẻ em trai/100 trẻ em gái, trong đó những huyện có tỷ số giới tính khi sinh cao như: Thái Thụy, Kiến Xương, Đông Hưng. Trước thực trạng trên, mô hình giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh với 157 CLB phụ nữ không sinh con thứ 3 cùng giúp nhau phát triển kinh tế là một trong những giải pháp hiệu quả để khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Thời gian tới, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động mô hình tại các xã, thị trấn; nhân rộng thêm 8 xã có CLB phụ nữ không sinh con thứ 3, nâng tổng số CLB lên 165. Tích cực tuyên truyền, tư vấn trực tiếp và thông qua phương tiện thông tin đại chúng; cung cấp thông tin qua tổ chức hội thảo, nói chuyện chuyên đề, tư vấn cho nhân dân thực hiện quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi.

Thu Hoài