Thứ 6, 29/03/2024, 12:05[GMT+7]

Hiệu quả thực hiện đề án kiểm soát dân số vùng ven biển

Thứ 2, 14/12/2020 | 11:33:19
6,699 lượt xem
Qua hơn 10 năm thực hiện, đề án kiểm soát dân số các vùng biển và ven biển giai đoạn 2009 - 2020 (Đề án 52) đã mang lại nhiều kết quả quan trọng, góp phần ổn định cuộc sống và nâng cao chất lượng dân số vùng biển tỉnh Thái Bình.

Cán bộ dân số ra tận bãi biển hướng dẫn chị em trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các biện pháp tránh thai.

Thái Bình có hai huyện ven biển là Tiền Hải và Thái Thụy với 68 xã, thị trấn, tổng diện tích 499,97km2, dân số 521.421 người, chiếm 25,2% dân số toàn tỉnh, mật độ dân số trung bình 1.042 người/km2. Do đặc thù công việc của người dân vùng biển, phong tục tập quán của một bộ phận dân cư vẫn còn nặng tư tưởng trọng nam hơn nữ, muốn có nhiều con, đặc biệt muốn có con trai nên rất khó khăn cho việc tuyên truyền, vận động, quản lý dân số, số sinh, thực hiện các biện pháp tránh thai. Bên cạnh đó, huyện ven biển Tiền Hải có tỷ lệ người dân theo đạo Thiên chúa cao nên có số người sinh con thứ ba trở lên cao hơn hẳn. Năm 2009, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên ở huyện Tiền Hải là 20%, huyện Thái Thụy là 13,8%, cao hơn bình quân chung toàn tỉnh (12,4%). Cũng do đặc thù nghề biển nên đối tượng trong độ tuổi lao động, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ít có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS), (KHHGĐ). Đây là một trong những thách thức đối với công tác dân số - KHHGĐ. Với mục tiêu kiểm soát quy mô dân số và nâng cao chất lượng dân số vùng biển và ven biển, góp phần thực hiện thắng lợi chính sách dân số - KHHGĐ và các mục tiêu của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, ngày 23/9/2009, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án kiểm soát dân số vùng biển, ven biển giai đoạn 2009 - 2020. Sau hơn 10 năm thực hiện với nhiều giải pháp phù hợp, công tác dân số - KHHGĐ tại các địa bàn triển khai Đề án 52 đã có những thay đổi tích cực, bước đầu đạt được những hiệu quả thiết thực.

Ngay từ buổi đầu, đề án được chú trọng thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ: tăng cường công tác chỉ đạo điều hành; xây dựng mô hình đáp ứng nhu cầu CSSK bà mẹ trẻ em và KHHGĐ; nâng cao chất lượng dân số khi sinh tại các vùng biển, ven biển; phòng, chống bệnh lây truyền qua đường tình dục, phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn và phá thai an toàn; xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý; tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về dân số SKSS và KHHGĐ. Điểm nổi bật trong triển khai đề án là việc thành lập và duy trì 4 đội y tế lưu động tuyến huyện thực hiện công tác truyền thông, tư vấn và cung cấp 3 gói dịch vụ CSSK bà mẹ, trẻ em, KHHGĐ và CSSKSS tại các xã ven biển, xã có đông người lao động nhập cư. 4 đội y tế lưu động đã phối hợp với trạm y tế các xã, thị trấn khám phụ khoa cho gần 66.000 lượt chị em/năm, chiếm 80% số chị em trong độ tuổi 15 - 49 có chồng, đặt dụng cụ tử cung cho 43.582 ca, 1.317 ca đình sản nam và nữ, 369 ca tiêm thuốc tránh thai, 36 ca thuốc cấy tránh thai, 7.689 ca uống thuốc tránh thai, 7.132 ca sử dụng bao cao su, biện pháp khác 530 ca. Để góp phần nâng cao chất lượng dân số khi sinh tại vùng ven biển, các hoạt động tư vấn, kiểm tra sức khỏe, kiểm tra các yếu tố nguy cơ cao ảnh hưởng trực tiếp đến sự mang thai, sự phát triển và chất lượng bào thai, phòng, chống bệnh lây truyền qua đường tình dục, phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn, phá thai an toàn được duy trì. Tại 2 huyện thành lập 130 câu lạc bộ CSSKSS vị thành niên, 82 câu lạc bộ tư vấn sức khỏe cho vị thành niên và thanh niên trẻ, 135 câu lạc bộ hỗ trợ CSSK bà mẹ khi mang thai được thành lập và duy trì hoạt động. Trung tâm y tế, bệnh viện huyện phối hợp với các trường học tổ chức khám và tư vấn về SKSS cho gần 40.000 lượt vị thành niên và thanh niên, kịp thời phát hiện 195 trường hợp mắc các bệnh nặng về mắt, da, dinh dưỡng, hẹp bao quy đầu và một số bệnh khác. Trạm y tế xã tổ chức khám định kỳ cho nhóm bà mẹ có nguy cơ cao, kịp thời tư vấn đối với những trường hợp phát hiện có bất thường bào thai.

Song song với cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ, việc tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác truyền thông đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc triển khai đề án. Trong 10 năm đã có trên 1.000 hội nghị nói chuyện chuyên đề, 1.200 nhóm tư vấn, truyền thông lồng ghép được tổ chức cho trên 140.000 lượt người là lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, người cao tuổi, ngư dân, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, vị thành niên, thanh niên... Đã nhân bản, cấp phát 200.800 tờ gấp, 525 đĩa VCD với nội dung CSSKSS/KHHGĐ, cấp trang thiết bị truyền thông cho trung tâm dân số -KHHGĐ của 2 huyện và các xã thực hiện đề án. Có trên 200 tin, bài phản ánh hoạt động của đề án được đăng, phát trên báo, đài trung ương, tỉnh, huyện. Tổ chức 20 cuộc truyền thông lưu động bằng xe phát thanh tại các khu công nghiệp, cảng cá, chợ cá, âu thuyền, 2 cuộc truyền thông lưu động bằng thuyền trên biển tại huyện Tiền Hải cho ngư dân đánh bắt hải sản và lao động tại các đầm ngao xa bờ. Những hoạt động trên đã tạo nhiều dấu ấn, góp phần nâng cao nhận thức và dần thay đổi hành vi của một bộ phận không nhỏ người dân vùng biển. Đánh giá kết quả thực hiện đề án đến nay đã đạt 5/6 chỉ tiêu đề ra, trong đó có nhiều chỉ tiêu đạt cao như tỷ lệ người dân tiếp cận với các dịch vụ CSSKSS, KHHGĐ và chăm sóc bà mẹ trẻ em, cung cấp thông tin số liệu đáp ứng yêu cầu quản lý điều hành chương trình dân số - KHHGĐ...

Bà Nguyễn Thị Phượng, cán bộ dân số - KHHGĐ xã Đông Minh (Tiền Hải) chia sẻ: Là xã ven biển với gần 10.000 dân, từ khi triển khai Đề án 52, công tác dân số của Đông Minh đã có sự thay đổi rõ rệt. Tâm lý thích sinh nhiều con của người dân dần hạn chế. Năm 2010, tỷ lệ sinh con thứ 3 của xã ở mức cao 24,6%, năm 2014 giảm xuống 20,1%,  đến năm 2019 còn 19,5%. Bà Vũ Thị Quyên, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thái Thụy cho biết: Trong hơn 10 năm thụ hưởng đề án, huyện xác định nội dung trọng tâm là đẩy mạnh truyền thông, tư vấn cho các nhóm đối tượng lồng ghép với cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ. Kết quả 10 tháng năm 2020, tỷ số giới tính khi sinh của huyện ở mức cân bằng 108 trẻ nam/100 trẻ nữ. Tỷ lệ áp dụng biện pháp tránh thai của huyện đạt 74,5%. Đặc biệt, năm 2014 xã Thái Thủy là xã duy nhất toàn tỉnh không có người sinh con thứ 3 trở lên. Thôn Nam Hưng, xã Thái Thủy, thôn Liên Khê, xã Thái Thành đã 10 - 12 năm liền không có người sinh con thứ 3 trở lên.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai đề án còn một số khó khăn như: kinh phí đầu tư cho hoạt động đề án hạn chế; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên vẫn ở mức cao, tỷ số giới tính khi sinh không ổn định. Tỷ lệ phá thai cao: 0,58 ca/1 ca sinh, tỷ lệ mắc các bệnh viêm nhiễm đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục trên 30%. Việc thu thập thông tin quản lý dân số - KHHGĐ với người dân làm ăn, sinh sống trên biển và người dân đến các khu kinh tế biển gặp nhiều khó khăn... Theo ông Nguyễn Văn Phỏng, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh: Để tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác dân số - KHHGĐ ở vùng ven biển, ngành dân số Thái Bình xác định cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như nâng cao hiệu quả hoạt động của ban quản lý đề án các cấp; tăng cường, đổi mới và nâng cao hiệu quả các hoạt động truyền thông; nâng cao chất lượng dịch vụ dân số, SKSS, KHHGĐ, trong đó quan tâm tới các nhóm đối tượng làm việc trên biển, đánh bắt xa bờ, trong các khu chế xuất, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Đẩy mạnh hoạt động sàng lọc trước sinh, sơ sinh, tầm soát các dị dạng, bệnh, tật bẩm sinh. Triển khai áp dụng hệ thống dữ liệu điện tử về dân số. Bảo đảm các nguồn lực về tài chính, trang thiết bị, con người cho hoạt động của đề án. Đồng thời, triển khai đồng bộ các hoạt động nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh, góp phần sớm thực hiện thành công Nghị quyết số 21-NQ/TW và Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030.

Hà Dung