Thứ 7, 23/11/2024, 18:38[GMT+7]

Tiếp sức cho công tác dân số tại các xã vùng biển

Thứ 3, 08/01/2013 | 08:29:05
1,875 lượt xem
Do những đặc thù của vùng ven biển, nhiều khó khăn, ít thuận lợi nên hai huyện biển Thái Thụy và Tiền Hải luôn là những địa phương nhạy cảm trước những biến động của công tác dân số.

Truyền thông lưu động về DS-KHHGĐ tại các xã vùng biển. Ảnh: MẠNH CƯỜNG (Chi cục Dân số-KHHGĐ)

Năm 2012, Chi cục Dân số-KHHGĐ tiếp tục triển khai đề án “Kiểm soát dân số vùng biển, ven biển” tại 2 huyện Thái Thụy, Tiền Hải. Với nhiều mô hình hoạt đông như: “Đáp ứng nhu cầu CSSK bà mẹ, trẻ em, KHHGĐ”; “Cung cấp thông tin, tư vấn, cung cấp trang thiết bị y tế và cung cấp phương tiện tránh thai cho người đi biển dài ngày”; “Nâng cao chất lượng dân số khi sinh”...,  đề án đang góp phần tích cực cải thiện công tác dân số tại các địa  phương này.

Chị Đoàn Thị Thanh Duyên, cán bộ chuyên trách Dân số-KHHGĐ xã Thái Nguyên (Thái Thụy) cho biết xã Thái Nguyên có gần 8000 người. Là xã đông dân, điều kiện kinh tế địa phương còn nhiều khó khăn nên sự đầu tư cho công tác Dân số-KHHGĐ còn hạn chế. Một số năm gần đây, tỷ lệ chênh lệch giới tính ở trẻ sơ sinh trong xã đã ở mức báo động. Đặc biệt, năm 2011, tỷ lệ chênh lệch giới tính ở trẻ sơ sinh vọt lên với tỷ lệ 173nam/100 nữ. Chính vì vậy, năm 2012, Chi cục Dân số - KHHGĐ và Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Thái Thụy đã quyết định đưa mô hình “Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” về Thái Nguyên.

Thực hiện mô hình, xã đã thành lập câu lạc bộ “Phụ nữ không sinh con thứ 3”. Trong năm đầu thành lập, đã có hơn 60 chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tham gia sinh hoạt câu lạc bộ và ký cam kết không sinh con thứ 3, không lựa chọn giới tính khi sinh. Trên cơ sở hoạt động của câu lạc bộ, nhiều hoạt động truyền thông đã được thực hiện như: tổ chức cho chị em sinh hoạt, tư vấn nhóm nhỏ tìm hiểu kiến thức về CSSKSS, KHHGĐ, chăm sóc trẻ em... Hoạt động của mô hình đã có tác động tích cực đến tinh thần, thái độ của chị em phụ nữ trong xã và đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Năm 2012 vừa qua, Thái Nguyên không chỉ có tỷ lệ sinh con thứ 3 thấp mà tỷ lệ chênh lệch giới tính đã trở về mức 109 nam/100 nữ.

Chị Phạm Thị Hoa, cán bộ chuyên trách Dân số-KHHGĐ xã Phương Công (Tiền Hải) cho biết xã Phương Công có 6369 nhân khẩu trong đó có 1320 vị thành niên và thanh niên, số có mặt trên địa bàn là 890 em. Là xã gần thị trấn, chịu nhiều tác động của đời sống đô thị nên vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên và thanh niên trẻ rất cần thiết. Năm 2010, Phương Công bắt đầu triển  khai mô hình “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân”. Thực hiện mô hình, xã đã thành lập câu lạc bộ “Sức khỏe sinh sản vị thành niên” thu hút được 170 em trong độ tuổi 15-18 tham gia. Tổ chức sinh hoạt định kỳ hàng quý, câu lạc bộ được vị thành niên và thanh niên trẻ trong xã đón nhận rất tích cực. Trong đợt tư vấn, khám sức khỏe cho vị thành niên và thanh niên tổ chức năm 2011, đã có 70% vị thành niên, thanh niên trẻ trong xã tham gia khám sức khỏe. Năm 2012, các câu lạc bộ đã đi vào hoạt động nề nếp, ngày càng trở thành sân chơi bổ ích cho vị thành niên và thanh niên trẻ trong xã.

Tùy vào đặc điểm tình hình mỗi địa phương để triển khai những mô hình hoạt động phù hợp, đến nay các mô hình về Dân số, KHHGĐ, CSSKSS đã phủ kín đến 100% các xã hai huyện Tiền Hải, Thái Thụy. Trong năm 2012, tại 30 xã thực hiện mô hình “Đáp ứng nhu cầu CSSK bà mẹ, trẻ em, KHHGĐ” đã vận động đình sản được 48 ca; khám, giới thiệu chuyển tuyến 135 ca bệnh nặng về các bệnh đường sinh sản. Mô hình “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân” triển khai tại 5 xã đã tổ chức tư vấn và khám sức khỏe sinh sản cho 997 vị thành niên và thanh niên trẻ phát hiện 195 em mắc các bệnh về mắt, sinh dục, tiết niệu...

Bên cạnh hoạt động khám, phát hiện bệnh, quan trọng hơn là tại các địa phương này còn đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thái độ của từng nhóm đối tượng đối với công tác dân số, KHHGĐ và CSSKSS. Năm 2012, tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện biện pháp tránh thai tại Thái Thụy đạt 76%; Tiền Hải đạt 77,6%. Trong năm, Thái Thụy có 35 thôn không có người sinh con thứ 3 trở lên trong đó có 13 thôn có 3 năm liền; Tiền Hải có 9 thôn không có người sinh con thứ 3 trở lên trong đó có 2 thôn, khối phố có 3 năm liền không có người sinh con thứ 3.

Mặc dù đã đạt được một số kết quả, song công tác dân số các địa phương vùng biển vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong đó lớn nhất vẫn là giảm tỷ lệ sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3. Năm 2012, tại huyện Thái Thụy, tỷ lệ sinh vẫn ở mức 1,56%; tỷ lệ con thứ 3 ở mức 15,4%. Tại Tiền Hải, tỷ lệ sinh ở mức 1,74%; tỷ lệ con thứ 3 trở lên 20,9%. Ở cả hai huyện, tỷ lệ sinh và tỷ lệ con thứ 3 đều tăng và cao hơn so với bình quân chung của cả tỉnh. Thái Thụy, tỷ lệ sinh tăng 0,32% và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tăng 3,26% so với năm 2011. Tiền Hải, tỷ lệ sinh tăng 0,26% và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tăng 1,3% so với năm 2011. Không chỉ có tỷ lệ sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao, hai huyện Thái Thụy và Tiền Hải cũng là huyện có tỷ lệ mất cân bằng giới tính ở trẻ sơ sinh cao. Điển hình tại một số xã như Thái Thủy tỷ lệ bé trai/bé gái là 186/100; Thái Hưng 160/100; Thụy Dương 148/100; Tây Phong 189/100; Tây An 156/100; Nam Chính 136/100... Vì vậy, việc triển khai Đề án “Kiểm soát dân số vùng biển, ven biển” vẫn cần thực hiện và cần được đầu tư nhiều hơn trong những năm tới.

Trần Thu Hương

  • Từ khóa