Thứ 5, 21/11/2024, 19:30[GMT+7]

Chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển

Thứ 2, 18/04/2022 | 11:03:28
8,051 lượt xem
Sau một thời gian thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), mục tiêu giảm sinh cả nước đã đạt được, mô hình gia đình nhỏ “mỗi cặp vợ chồng có 1 hoặc 2 con” đã trở nên phổ biến. Đến năm 2017, với việc ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW, Đảng ta đã đề ra những quan điểm mới, mục tiêu mới đi kèm hệ thống giải pháp cho công tác dân số trong tình hình mới, đó là chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển.

Truyền thông lưu động về công tác dân số - KHHGĐ.

Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/ TW, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 137/NQCP, giao các bộ, ngành xây dựng, cụ thể hóa một số văn bản luật, chiến lược, chương trình, đề án. Thực hiện chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ về công tác dân số và phát triển, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 61- KH/TU, ngày 11/1/2018 thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/ TW; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 78/KH-UBND, ngày 7/8/2019 về thực hiện Nghị quyết số 137/NQ-CP của Chính phủ và Kế hoạch số 61-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Cùng với đó, để cụ thể hóa các chiến lược, chương trình, đề án của Chính phủ, Sở Y tế, Chi cục Dân số - KHHGĐ đã tích cực tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản triển khai thực hiện. 

Bà Đoàn Thanh Hằng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ cho biết: Ngành dân số đã phối hợp các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền Nghị quyết số 21-NQ/ TW để cán bộ và nhân dân hiểu rõ chính sách dân số mới; tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các chương trình, đề án hướng tới mục tiêu dân số và phát triển. Song song với đó, các chương trình KHHGĐ, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, tầm soát dị tật, bệnh tật bẩm sinh và nâng cao chất lượng dân số, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tiếp tục được đẩy mạnh. Trong đó, chương trình KHHGĐ sẽ tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có hai con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt; cung cấp đầy đủ, kịp thời các phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ an toàn, hiệu quả, thuận lợi với chất lượng ngày càng tốt hơn. Các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số được tiếp tục duy trì và đem lại hiệu quả tích cực. 

Sau hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, công tác dân số - KHHGĐ của Thái Bình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Quy mô, chất lượng dân số tương đối ổn định và được cải thiện qua các năm. Dân số toàn tỉnh năm 2021 là trên 1,8 triệu người, mật độ dân số 1.179 người/km2. Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tuổi thọ bình quân đạt 75,4 tuổi, trong đó của nam là 73 tuổi, của nữ là 78 tuổi. Tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm gần 13%. Chỉ số phát triển con người (HDI), Thái Bình là 1 trong 14 tỉnh đứng đầu toàn quốc. Tỷ số giới tính khi sinh năm 2017 là 111,2 bé trai/100 bé gái, năm 2020 là 110,8 bé trai/100 bé gái. Tỷ lệ dân số đô thị đạt trên 11%. Tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai 73,6%; 100% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được tiếp cận thuận tiện các biện pháp tránh thai hiện đại. 

Các mô hình nâng cao chất lượng dân số mang lại hiệu quả thiết thực. Thành lập mới 80 câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, 28 câu lạc bộ các bà mẹ có con tuổi vị thành niên, thanh niên, 8 câu lạc bộ tiền hôn nhân, 28 câu lạc bộ sức khỏe sinh sản vị thành niên, 43 câu lạc bộ các bạn gái tiêu biểu. Duy trì hoạt động các câu lạc bộ tại 16 xã thực hiện mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, 83 xã thuộc đề án “Kiểm soát dân số vùng biển và ven biển”. Chương trình sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh tiếp tục được triển khai tại Bệnh viện Phụ sản Thái Bình, Trung tâm Sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh (Bệnh viện Phụ sản An Đức) và 12 bệnh viện đa khoa huyện, thành phố. Công tác truyền thông, tư vấn được đổi mới với nhiều hình thức và nội dung phong phú, phù hợp với từng nhóm đối tượng... đã góp phần đưa Nghị quyết số 21-NQ/TW từng bước đi vào cuộc sống. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân số - KHHGĐ của Thái Bình đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên tăng cao, từ 12,6% (năm 2017) lên 21,47% (năm 2020), năm 2021 là 21%. Tỷ số giới tính khi sinh giảm nhưng vẫn ở mức cao. 

Phát huy những kết quả đạt được, từng bước khắc phục khó khăn, hạn chế, ông Phạm Quang Hòa, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Thời gian tới, Sở Y tế sẽ tích cực tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 21-NQ/TW, Nghị quyết số 137/ NQ-CP, Kế hoạch số 61-KH/ TU sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, tập huấn cán bộ các cấp theo định hướng dân số và phát triển, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến các xã, phường, thị trấn. Phát huy tối đa sự chủ động của địa phương, đơn vị. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục. Phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ dân số. Cung cấp đầy đủ, kịp thời các biện pháp tránh thai và dịch vụ KHHGĐ an toàn, hiệu quả, đa dạng, thuận tiện với chất lượng ngày càng tốt hơn cho các đối tượng, bảo đảm thực hiện đạt chỉ tiêu kế hoạch. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện công tác dân số, các mô hình, đề án tại cấp huyện, cấp xã. Đặc biệt, tăng cường hiệu lực, hiệu quả kiểm tra, thanh tra chuyên ngành các vi phạm pháp luật về lựa chọn giới tính thai nhi, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm... Qua đó góp phần nâng cao chất lượng dân số, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. 

Cán bộ dân số xã Đông Hợp (Đông Hưng) tuyên truyền về chính sách dân số-KHHGĐ tại các hộ gia đình.

Nguyễn Cường