Chủ nhật, 05/05/2024, 04:46[GMT+7]

Thanh, thiếu niên thiếu hiểu biết về sức khỏe sinh sản

Thứ 4, 27/03/2013 | 10:31:18
2,955 lượt xem
Kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu Thanh niên cho thấy, 1/3 thanh, thiếu niên còn thiếu hiểu biết về chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) và sức khỏe tình dục (SKTD)... Đó là con số được đưa ra tại Hội thảo Chính sách chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống HIV/AIDS cho thanh, thiếu niên do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ tổ chức vào trung tuần tháng 3 vừa qua.

Tư vấn, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. Ảnh minh họa

Theo kết quả điều tra quốc gia về VTN-TN VN (SAVI 1,2) năm 2003 và 2008 do Bộ Y tế đã phối hợp cùng GSO, UNICEF, WHO thực hiện cho thấy: nhu cầu chưa được đáp ứng về phương tiện tránh thai ở người trẻ tuổi từ 15 - 19 là hơn 35% và từ 20 - 24 tuổi là trên 34%. Kiến thức về mang thai ở thanh, thiếu niên còn hạn chế, khi được hỏi về thời điểm dễ có thai của phụ nữ chỉ có 13% trả lời đúng về câu hỏi này. Cũng theo kết quả điều tra, Việt Nam là một trong ba quốc gia có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới, với khoảng 400.000 ca phá thai/năm, trong đó phụ nữ trẻ chưa có gia đình chiếm 20-30% tổng số ca phá thai, vị thành niên phá thai muộn và không an toàn có 53%...

Bên cạnh đó, nhận thức về lây nhiễm HIV ở thanh, thiếu niên cũng còn rất hạn chế. 26% thanh, thiếu niên cho rằng HIV có thể lây truyền qua muỗi đốt, hay côn trùng đốt, 10% cho rằng lây qua ăn uống chung bát đĩa, 13% khẳng định lây qua đường hô hấp… Qua đó cho thấy, những “lỗ hổng” kiến thức về giáo dục giới tính, chăm sóc SKSS ở thanh, thiếu niên của Việt Nam là quá lớn và hệ lụy thật khôn lường đối với sức khỏe cũng như tâm sinh lý của những người bố, người mẹ tương lai trong các gia đình; những chủ nhân tương lai của đất nước.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác truyền thông GD SKSS, phòng chống HIV/AIDS cho thế hệ trẻ, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo triển khai GD SKSS và phòng chống HIV/AIDS trong trường học. Nội dung giảng dạy được thực hiện thông qua giờ học nội khóa, các hoạt động GD ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa cho HS phổ thông và các chương trình đào tạo SV các trường sư phạm.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Thị Bích Điểm - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên: trong bối cảnh “tình dục thoáng” đang trở thành xu hướng của giới trẻ, việc giáo dục giới tính và SKSS tại nhà trường chưa được quan tâm đúng mức; nội dung còn dàn trải do lồng ghép trong nhiều môn học, nặng về kiến thức, chưa gắn với việc rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Cán bộ phụ trách lĩnh vực này ở các trường chưa được đào tạo bài bản, có chuyên môn. Các buổi truyền thông chỉ diễn ra ở phạm vi hẹp; các buổi tư vấn, do nhiều rào cản khách quan, chủ quan, các em vẫn còn rụt rè, e ngại. Còn tại gia đình, nhiều bậc cha mẹ cũng chưa quan tâm, trò chuyện với con về những biến đổi tâm sinh lý tuổi dậy thì, về kiến thức SKSS, tình dục an toàn. Đặc biệt, đối với hầu hết các bậc cha mẹ, việc giáo dục giới tính cho con cái không phải là việc dễ làm, nhất là những gia đình ở nông thôn…

Phó vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em, Bộ Y tế Nguyễn Đức Vinh cũng thừa nhận: công tác truyền thông về SKSS cho lứa tuổi vị thành niên của ngành y tế còn nhiều hạn chế. Để tăng cường hiệu quả việc  chăm sóc SKSS-SKTD và HIV ở lứa tuổi này cần có các giải pháp tổng thể với sự tham gia của toàn xã hội, từ việc đầu tư của Nhà nước đến việc xây dựng các chính sách phù hợp với từng độ tuổi cụ thể, triển khai các hoạt động truyền thông thay đổi nhận thức, hành vi về SKSS, SKTD và HIV thân thiện nhằm tiếp cận gần hơn với các đối tượng. Theo TS Nguyễn Thị Bích Điểm, chính sách liên quan đến chăm sóc SKSS, phòng chống HIV cho thanh, thiếu niên không chỉ áp dụng cho chính đối tượng này mà cần quan tâm các đối tượng liên quan như cha mẹ, thầy giáo, cô giáo, cán bộ Đoàn... Các nhóm nội dung của chính sách nên hướng tới như phát triển các kỹ năng về nhận thức tâm sinh lý, những nguy cơ, rủi ro đối với thanh, thiếu niên, kỹ năng ứng phó các vấn đề sinh sản, HIV cũng như kỹ năng làm cha làm mẹ...

Theo daibieunhandan

  • Từ khóa