Thứ 2, 11/11/2024, 02:39[GMT+7]

Ngày dân số thế giới 11/7 Nỗ lực vì mục tiêu ổn định quy mô, nâng cao chất lượng dân số

Thứ 2, 11/07/2022 | 08:20:29
13,135 lượt xem
Quy mô, chất lượng dân số có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của một quốc gia. Cùng với cả nước, Thái Bình đã triển khai nhiều giải pháp hướng tới mục tiêu ổn định quy mô, nâng cao chất lượng dân số.

Tuyên truyền các bệnh thường gặp ở phụ nữ.

Theo Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh, đến năm 2021, quy mô dân số của tỉnh là 1,88 triệu người; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 0,48‰; tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi đạt 18,7% (so với tổng dân số trong tỉnh); tỷ lệ phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh đạt 93%; tỷ lệ trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 loại bệnh đạt 88,8%. Đời sống người dân ngày càng được nâng cao, chất lượng dân số được cải thiện, tuổi thọ trung bình của người dân là 75,4 tuổi... Với sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương và sự vào cuộc tích cực của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số từ tỉnh đến cơ sở, một số chỉ tiêu như: tỷ lệ tăng dân số tự nhiên, tỷ lệ phụ nữ, trẻ em được tầm soát bệnh... đã đạt kế hoạch đề ra. Đóng góp vào kết quả ấy, công tác tuyên truyền có vai trò quan trọng. Cùng với truyền thông trên báo, đài; qua hội nghị, hội thảo; phát các ấn phẩm, cán bộ, cộng tác viên dân số cơ sở đã đi từng ngõ, gõ từng nhà tuyên truyền, vận động người dân. Sự đa dạng về nội dung, hình thức thể hiện trong công tác tuyên truyền đã tác động mạnh mẽ đến người dân, góp phần truyền tải thông điệp sinh đủ 2 con, nâng cao sức khỏe phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, xây dựng gia đình hạnh phúc... Riêng năm 2021, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 song ngành dân số đã phối hợp với các cơ quan truyền thông của tỉnh, huyện xây dựng các tin, bài bám sát các hoạt động của ngành; biên tập, xuất bản 2.400 bản tin cấp cho 8 huyện, thành phố; tổ chức các đợt xe tuyên tryền lưu động; treo hơn 100 băng rôn, pa nô tuyên truyền về dân số và phát triển. Các buổi nói chuyện chuyên đề về dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản... cũng thường xuyên được tổ chức, kịp thời cung cấp kiến thức cho phụ nữ, vị thành niên, thanh niên và người chưa kết hôn ở các xã, phường, thị trấn.

Song song với công tác truyền thông, nhiều chương trình, dự án, đề án cũng đã được triển khai tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Chương trình tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh, sơ sinh và nâng cao chất lượng dân số là một trong những chương trình được triển khai thực hiện hiệu quả. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã được triển khai mô hình tầm soát các dị dạng, bệnh, tật bẩm sinh. 24 xã trong tỉnh đã thành lập, ra mắt 131 câu lạc bộ tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân. Chương trình đã tổ chức khám sàng lọc cho gần 143.000 bà mẹ mang thai, trong đó đã phát hiện hơn 480 trẻ có nguy cơ cao với bệnh thiếu men G6DP và suy giáp trạng bẩm sinh. Các trường hợp này đã được giới thiệu lên các bệnh viện tuyến trên để khám, điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, thông qua chương trình, hơn 4.500 vị thành niên, thanh niên được cấp thuốc miễn phí.

Nhằm kiểm soát tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, 165 câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ 3, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình đã được thành lập. 57 mô hình hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái được triển khai tại các trường trung học phổ thông. Hình thức, nội dung phong phú, đa dạng, tập trung xoay quanh chủ đề mất cân bằng giới tính khi sinh, các buổi sinh hoạt, tư vấn trực tiếp của các câu lạc bộ đã thu hút hàng chục nghìn người tham gia... Nhờ triển khai các hoạt động đồng bộ, tỷ số giới tính khi sinh đã giảm từ 111,7 nam/100 nữ (năm 2018) xuống còn 111,5 nam/100 nữ (năm 2021). Ngoài ra, Thái Bình cũng triển khai chương trình củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ; đề án kiểm soát dân số vùng biển, ven biển; chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi...


Bà Đoàn Thanh Hằng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cho biết: Bên cạnh công tác truyền thông, xây dựng, triển khai các chương trình, dự án, đề án, ngành dân số còn chú trọng xây dựng mạng lưới cung cấp dịch vụ dân số, KHHGĐ, sức khỏe sinh sản từ tỉnh đến cơ sở. Đội ngũ cung cấp dịch vụ dân số thường xuyên được đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Chất lượng các dịch vụ dân số, KHHGĐ, sức khỏe sinh sản cũng ngày càng được nâng lên, nhất là các dịch vụ KHHGĐ, sức khỏe sinh sản cho phụ nữ, trẻ em. Công tác quản lý nhà nước về dân số được tăng cường; xã hội hóa dịch vụ KHHGĐ được đẩy mạnh... Những hoạt động trên đã góp phần hướng tới mục tiêu ổn định về quy mô, cơ cấu và nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại như: mục tiêu ổn định quy mô dân số chưa đạt như mong muốn, tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh và mức sinh thay thế còn cao; chất lượng các dịch vụ kỹ thuật sàng lọc trước sinh, sơ sinh, việc tư vấn, khám sức khỏe cho nam, nữ trước khi kết hôn, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi còn hạn chế. Thái Bình là 1 trong 33 tỉnh ở vùng có mức sinh cao.

Bà Đoàn Thanh Hằng cho biết thêm: Thực hiện chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030, Thái Bình đã xây dựng kế hoạch hành động giai đoạn 2020 - 2025 với các mục tiêu như: Phấn đấu đạt mức sinh thay thế 2 con/1 bà mẹ; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua về dân số; tăng cường công tác truyền thông; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân số... Để thực hiện các mục tiêu, phương hướng đề ra có vai trò rất quan trọng của các cấp, ngành, địa phương, mỗi người dân và sự vào cuộc tích cực đội ngũ cán bộ ngành dân số.

Hoàng Lanh