Thứ 5, 21/11/2024, 19:32[GMT+7]

Bảo đảm hậu cần, nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ

Thứ 3, 29/11/2022 | 20:56:22
10,184 lượt xem
Xã hội hóa, tăng khả năng tiếp cận, đáp ứng đầy đủ, kịp thời phương tiện tránh thai (PTTT), dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản (KHHGĐ/SKSS) có chất lượng đến với người dân là các giải pháp ngành dân số đã triển khai nhằm hướng tới mục tiêu bảo đảm hậu cần, nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ/SKSS trên địa bàn tỉnh.

Xã Song Lãng (Vũ Thư) có dân số hơn 8.200 người, trong đó có hơn 1.800 phụ nữ trong độ tuổi từ 15 - 49. Thực hiện công tác bảo đảm hậu cần và cung cấp các dịch vụ KHHGĐ/SKSS, Trạm Y tế xã đã tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Ngoài tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, Trạm Y tế và cộng tác viên dân số còn tổ chức tuyên truyền trực tiếp tới các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ hoặc lồng ghép qua các hội nghị. Nhờ đó, nhận thức của các cặp vợ chồng trong việc sử dụng các dịch vụ chăm sóc SKSS, tự nguyện áp dụng các PTTT được nâng lên. Ngoài ra, Trạm còn cung cấp PTTT, sản phẩm chăm sóc SKSS có mất phí tới người dân. Cụ thể, từ đầu năm 2022 đến nay, Trạm đã thực hiện đặt vòng cho hơn 380 người, triệt sản cho hơn 30 người... Qua kênh cung cấp dịch vụ KHHGĐ phi lâm sàng từ hệ thống cộng tác viên dân số đã cung cấp thuốc tránh thai cho 320 lượt người, bao cao su cho hơn 200 lượt người.

Bác sĩ Đào Thị Thoa, Phó Trạm trưởng Trạm Y tế xã Song Lãng chia sẻ: Việc bảo đảm hậu cần và cung cấp các dịch vụ KHHGĐ/SKSS đã góp phần thay đổi các chỉ số về công tác dân số theo hướng tích cực. Từ đầu năm đến nay, tỷ lệ sinh con thứ ba trên địa bàn xã thấp, chiếm khoảng 6,6% tổng số sinh. Số cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai ngày càng cao. Tuy nhiên, việc cung cấp các PTTT, sản phẩm chăm sóc SKSS cũng gặp một số khó khăn. Nếu như trước đây, các PTTT, dịch vụ KHHGĐ/SKSS được cung cấp, thực hiện miễn phí thì giờ đây phải trả phí. Có nhiều người, nhất là công nhân có nhu cầu đặt vòng, tiêm thuốc tránh thai nhưng thời gian tan ca làm thường vào chiều tối hoặc có khi tối muộn nên khó thực hiện. Vì thế, họ đã tìm đến các phòng khám sản tư nhân mà không thực hiện ở trạm. Cùng với đó, việc mua các PTTT như bao cao su, thuốc tránh thai không khó, có thể tìm mua sẵn ở các hiệu thuốc...

Người dân Thái Thụy được tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Không chỉ xã Song Lãng, nhiều địa phương trong tỉnh cũng duy trì việc tuyên truyền, cung cấp các PTTT, dịch vụ KHHGĐ/SKSS. Tại Thái Thụy, Trung tâm Y tế huyện phối hợp với các địa phương, các ban, ngành, đoàn thể tổ chức nhiều buổi truyền thông về KHHGĐ/SKSS. Bà Vũ Thị Quyên, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết: Năm 2016, đề án xã hội hóa cung cấp PTTT và dịch vụ KHHGĐ/SKSS tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015 - 2020 được triển khai, người dân rất đồng tình ủng hộ. Đến nay, dù các PTTT không còn miễn phí như trước song để người dân hiểu về lợi ích của việc chăm sóc SKSS, các dịch vụ KHHGĐ, Trung tâm Y tế đã tăng cường tuyên truyền cho hội viên hội phụ nữ, giáo viên, học sinh... Cùng với đó, duy trì cung ứng các dịch vụ, PTTT, đẩy mạnh các dịch vụ KHHGĐ/SKSS về cơ sở.

Theo thống kê của Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh, 9 tháng đầu năm 2022, Chi cục đã phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức hội nghị phổ biến những nội dung mới về công tác dân số, dịch vụ KHHGĐ/SKSS; cấp hơn 21.000 vỉ viên uống tránh thai miễn phí cho công nhân và người dân các xã, phường, thị trấn; phát 17.308 tờ rơi có chủ đề KHHGĐ chìa khóa sức khỏe và hạnh phúc cho công nhân. Bên cạnh đó, Chi cục còn tổ chức 19 lớp tập huấn kỹ năng truyền thông tư vấn, vận động thực hiện các biện pháp tránh thai, không kết hôn và sinh con quá sớm, không sinh quá dày và sinh nhiều con, các biện pháp thúc đẩy, linh hoạt trong cấp phát PTTT cho hơn 2.400 y tế thôn, tổ dân phố và cán bộ chuyên trách dân số thuộc 8 huyện, thành phố. Tập huấn cập nhật kỹ năng tư vấn và kỹ thuật cấy thuốc tránh thai cho 250 cán bộ phụ trách công tác chăm sóc SKSS... Việc triển khai đồng bộ các hoạt động đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt 72,2%.

Bà Đoàn Thanh Hằng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cho biết: Nhằm tiếp tục thực hiện tốt việc bảo đảm hậu cần các PTTT, dịch vụ KHHGĐ/SKSS cho người dân trên địa bàn tỉnh, từ nay đến cuối năm 2022, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Chi cục sẽ tổ chức cấp PTTT cho trung tâm y tế các huyện, thành phố từ nguồn tiếp thị sang nguồn miễn phí theo chỉ đạo của Tổng cục Dân số - KHHGĐ; phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ KHHGĐ/SKSS cho các nhóm đối tượng; đồng thời cấp bộ dụng cụ đặt/tháo dụng cụ tử cung cho trạm y tế xã, phường, thị trấn của 8 huyện, thành phố.

Hoàng Lanh

  • Từ khóa