Chủ nhật, 24/11/2024, 05:12[GMT+7]

Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh Cần những giải pháp phù hợp, thiết thực

Thứ 3, 09/07/2013 | 08:17:34
1,244 lượt xem
Nằm trong khu vực Đồng bằng sông Hồng, nơi đang có tỷ số giới tính khi sinh mất cân bằng cao nhất cả nước, Thái Bình cũng là một trong những tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh mất cân bằng khá nghiêm trọng.

Lực lượng chức năng kiểm tra, thu hồi các ẩn phẩm về lựa chọn giới tính thai nhi trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Nguyễn Hình

Mất cân bằng giới tính khi sinh là vấn đề dân số nổi cộm và ngày càng thu hút sự quan tâm của xã hội. Kết quả điều tra dân số cho thấy trong 10 năm qua, mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam diễn ra với tốc độ nhanh, ngày càng lan rộng và đã đến mức nghiêm trọng. Nếu như thời gian từ năm 2006 trở về trước, tỷ số giới tính khi sinh ở mức dưới 110 nam/100 nữ thì từ năm 2006 đến nay, tỷ số giới tính khi sinh đã vượt ngưỡng trên 110 nam/100 nữ.

Nằm trong khu vực Đồng bằng sông Hồng, nơi đang có tỷ số giới tính khi sinh mất cân bằng cao nhất cả nước, Thái Bình cũng là một trong những tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh mất cân bằng khá nghiêm trọng. Năm 2006, tỷ số giới tính khi sinh tại Thái Bình là 118 nam/100 nữ, năm 2007, tỷ số này là 123/100; năm 2008 là 115/100; 2009: 111/100; 2010: 112/100; 2011 là 113/100 và 2012 là 112/100. Nếu không có các biện pháp can thiệp kịp thời, theo nhận định, tỷ số giới tính khi sinh tại Thái Bình sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới.

Với mục tiêu khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh, tiến tới đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên, góp phần thực hiện thành công chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản, thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển bền vững, năm 2011, ngành y tế - trực tiếp là Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã tổ chức triển khai các hoạt động thực hiện giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chi cục Dân số - KHHGĐ, hệ thống dân số các cấp đã tập trung tuyên truyền, cung cấp kiến thức cho cộng đồng về thực trạng, nguyên nhân, hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh từ đó vận động nhân dân thực hiện không lựa chọn giới tính thai nhi khi sinh. Song song với việc tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hoạt động được thực hiện mạnh là tuyên truyền trực tiếp tại địa phương thông qua việc thành lập các câu lạc bộ (CLB) sức khỏe sinh sản, CLB phụ nữ với công tác KHHGĐ, lồng ghép tuyên truyền trong hoạt động của các đoàn thể cơ sở.

Bác sĩ Vũ Phương Hạnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cho biết, trong hai năm 2011 - 2012, hoạt động được triển khai xuống 128 xã, phường, thị trấn có mức chênh lệch giới tính cao trong tỉnh. Liên ngành dân số - phụ nữ đã phối hợp chặt chẽ thực hiện hoạt động. Tại 128 xã đã thành lập 128 CLB phụ nữ không có người sinh con thứ 3, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, thu hút hơn 13.000 hội viên tham gia, tổ chức được hàng trăm buổi truyền thông trực tiếp, buổi sinh hoạt CLB phổ biến kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Cùng với hoạt động CLB tại các địa phương cũng tăng cường công tác truyền thông, vận động về nội dung này qua hệ thống loa truyền thanh xã, qua các biển tường, panô và cung cấp tờ rơi cho nhân dân. Các hoạt động bước đầu được đánh giá đã mang lại một số hiệu quả thiết thực, tỷ số giới tính khi sinh tại một số xã có tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh cao có dấu hiệu giảm.

Chị Đoàn Thanh Duyên, cán bộ chuyên trách dân số xã Thái Nguyên (Thái Thụy) cho biết: năm 2011, số trẻ sinh ra tại Thái Nguyên là 66 nam/38 nữ (tỷ lệ 173/100). Ngay sau khi được Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện chỉ đạo và hỗ trợ triển khai các hoạt động, Thái Nguyên đã thành lập CLB phụ nữ không sinh con thứ 3, có 60 chị đăng ký tham gia. Nhiều hoạt động tuyên truyền được tổ chức xuống đến thôn xóm và từng hộ gia đình. Năm 2012, số trẻ nam, nữ sinh ra đã ở mức cân đối (57 nam/52 nữ, tỷ lệ 109/100).

Cùng với các hoạt động truyền thông tại cộng đồng, nhiệm vụ quan trọng được thực hiện 2 năm gần đây là thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về chẩn đoán xác định giới tính thai nhi. Cuối năm 2012, Thanh tra Sở Y tế, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã phối hợp kiểm tra 40 cơ sở y tế công lập và ngoài công lập, không phát hiện việc chẩn đoán giới tính thai nhi. Cũng trong năm 2012, Chi cục Dân số - KHHGĐ đã phối hợp với Thanh tra Bộ Y tế, Tổng cục Dân số - KHHGĐ, Sở Thông tin và Truyền thông đã tiến hành kiểm tra các tài liệu, xuất bản phẩm tuyên truyền về phương pháp lựa chọn giới tính thai nhi, qua đó thu hồi 10 đầu sách (49 quyển) tại 7 địa điểm bán sách trên địa bàn Thành phố Thái Bình, các huyện Kiến Xương, Đông Hưng.

Tiếp tục triển khai các hoạt động giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, năm 2013, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh chỉ đạo mở rộng hoạt động xuống 29 xã, phường, thị trấn, nâng tổng số xã, phường, thị trấn thực hiện lên 157. Hoạt động thanh, kiểm tra việc lựa chọn giới tính thai nhi tại các cơ sở y tế cũng được lên kế hoạch thực hiện. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là việc triển khai các hoạt động chưa thực sự nhận được sự quan tâm, phối hợp của các địa phương, ngành liên quan. Với lực lượng mỏng và chưa thực sự chuyên sâu của hệ thống dân số nên qua theo dõi, việc triển khai các hoạt động trên chưa được thực hiện thường xuyên, còn nặng về hình thức. Hoạt động tuyên truyền hiện nay chủ yếu tập trung trong nhóm phụ nữ nhưng qua phân tích thực tế, phụ nữ lại không phải là đối tượng chính để quyết định số con và con trai hoặc con gái trong gia đình. Vì vậy, việc tuyên truyền về giảm thiểu mất cân bằng giới tính nên tập trung vào đối tượng nam giới và các bậc cao tuổi bởi với những quan niệm truyền thống thì đây mới thực sự là những người có tiếng nói quyết định trong gia đình.

Qua theo dõi, việc lựa chọn giới tính cũng có tỷ lệ tập trung cao tại các vùng có mức sống cao và những nơi có thể dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ y tế kỹ thuật cao trong lựa chọn giới tính thai nhi. Vì vậy, những hoạt động can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính cũng cần tính toán để tác động đến những vùng, đối tượng phù hợp hơn (nên tăng cường tuyên truyền và kiểm tra tại địa bàn thành phố, đô thị). Trong hoạt động thanh, kiểm tra cũng nên quan tâm phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm về cấm lựa chọn giới tính thai nhi theo đúng quy định của Pháp lệnh Dân số, Luật Bình đẳng giới và các văn bản pháp luật liên quan đến vấn đề này để từng bước đưa tỷ số giới tính khi sinh trở về hợp với quy luật tự nhiên.

Trần Thu Hương

  • Từ khóa