Chủ nhật, 19/01/2025, 19:33[GMT+7]

Thái Bình sau 10 năm Pháp lệnh Dân số đi vào cuộc sống

Thứ 5, 11/07/2013 | 08:47:25
1,745 lượt xem
Trải qua 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân không ngừng được nâng cao. Do đó, nhiều chỉ tiêu về dân số - kế hoạch hóa gia đình đạt và vượt kế hoạch đề ra, góp phần ổn định quy mô, nâng cao chất lượng dân số, thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển.

Trong ảnh: Kiểm tra sức khỏe định kỳ cho trẻ em ở Kiến Xương.

Ngày 9/01/2003, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI ban hành Pháp lệnh Dân số bao gồm 7 chương 40 điều bao quát cơ bản được mọi vấn đề, nội dung và đối tượng cần điều chỉnh về quy mô dân số, cơ cấu dân số, phân bổ dân số và chất lượng dân số. Trải qua 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân không ngừng được nâng cao. Do đó, nhiều chỉ tiêu về DS-KHHGĐ đạt và vượt kế hoạch đề ra, góp phần ổn định quy mô, nâng cao chất lượng dân số, thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển.

Ngay sau khi Pháp lệnh Dân số có hiệu lực thi hành vào ngày 01/5/2003, ngành DS-KHHGĐ đã tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh kịp thời ban hành các văn bản quan trọng, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị liên quan phối hợp tổ chức chiến dịch truyền thông tuyên truyền Pháp lệnh đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân một cách nghiêm túc. Tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách DS-KHHGĐ trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Xây dựng, củng cố và mở rộng các mô hình truyền thông có hiệu quả như thôn, xóm không có người sinh con thứ 3 trở lên; mô hình đưa chính sách dân số và hương ước, quy ước làng văn hóa; mô hình CLB phụ nữ không sinh con thứ 3 trở lên; CLB tiền hôn nhân; mô hình chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ...

Tuyên truyền bằng cách khoanh vùng ưu tiên các xã trọng điểm để triển khai các hình thức truyền thông như: Tư vấn nhóm nhỏ, thăm hộ gia đình, nói chuyện chuyên đề, xây dựng các đội tuyên truyền, văn hóa văn nghệ  lưu động, truyền thông trực tiếp tại các xã vùng xa trung tâm, vùng khó khăn, vùng có nhiều đồng bào theo đạo Thiên chúa và vùng biển, ven biển. Đi đôi với công tác tuyên truyền, Ban chỉ đạo dân số các cấp còn huy động, tập trung các nguồn lực từ ngân sách cũng như xã hội hóa nhằm tăng cường cung cấp dịch vụ KHHGĐ; quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực cho các đơn vị y tế, dân số từ tỉnh đến cơ sở. Đến nay, hầu hết các đơn vị y tế tuyến tỉnh, huyện bảo đảm đủ điều kiện để thực hiện các dịch vụ KHHGĐ có chất lượng cao… Hàng năm, cán bộ y tế, dân số được đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ, bổ sung kiến thức, kỹ năng truyền thông tư vấn và cung cấp các biện pháp tránh thai.

Qua 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số, quy mô dân số của tỉnh luôn  được duy trì ở mức hợp lý. Năm 2012 là năm thứ 12 Thái Bình duy trì được mức sinh thay thế (2,01 con, thấp hơn số con trung bình của cả nước); tỷ lệ sinh, tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên hàng năm có xu hướng giảm. Năm 2003, tỷ lệ sinh là 15,12%o; năm 2012 là 14,51%o. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên năm 2003 là 9,55%o, năm 2012 là 8,5%o. Cơ cấu dân số đang bước vào giai đoạn cơ cấu dân số vàng, số người trong độ tuổi lao động nhiều hơn số người phụ thuộc. Chất lượng dân số được nâng cao: tuổi thọ trung bình của người dân đạt 75 tuổi, chỉ số phát triển con người (HDI) nằm trong nhóm 14 tỉnh dẫn đầu cả nước. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm từ 29,8% năm 2001 xuống còn 18,0% năm 2010 và 15% năm 2012; trẻ em sinh ra bị dị tật bẩm sinh, thiểu năng trí tuệ được phát hiện sớm, xử lý kịp thời và chăm sóc ngày càng tốt hơn...

Các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số được triển khai có hiệu quả ở các xã, thị trấn nhằm nâng cao chất lượng dân số về thể chất, trí tuệ và tinh thần. Tiêu biểu như các mô hình: cung cấp thông tin, dịch vụ SKSS cho vị thành niên và thanh niên trẻ, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, tư vấn và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng, đề án "Kiểm soát Dân số vùng biển và ven biển". Mức độ nhận biết và thực hành hành vi về dân số của các nhóm đối tượng đều có sự chuyển biến lớn. 97% đối tượng tuyên truyền đã nhận biết được những quy định cơ bản của Pháp lệnh Dân số; 100% đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức; 70% đối tượng là quần chúng nhân dân nhận biết rõ về những nội dung cơ bản trong Pháp lệnh Dân số và các văn bản pháp luật liên quan...

Để góp phần thực hiện có hiệu quả Pháp lệnh Dân số, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 4/7/2011, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành  Nghị quyết số 26/NQ-HĐND ngày 9/7/2009 về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác DS-KHHGĐ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2015 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 07/QĐ-UBND ngày 23/8/2010 quy định một số chế độ khen thưởng, khuyến khích và xử lý vi phạm chính sách về DS-KHHGĐ.

Trong 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số, toàn tỉnh có 21 lượt xã, phường, thị trấn trong năm không có người sinh con thứ 3 trở lên và hàng ngàn lượt thôn, làng, tổ dân phố trong năm không có người sinh con thứ 3; nhiều thôn, làng, tổ dân phố, họ giáo 15 - 20 năm liền không có người sinh con thứ 3 trở lên. Bên cạnh việc ban hành và tổ chức thực hiện tốt những chính sách khuyến khích, Thái Bình cũng đã tiến hành xử lý những cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách DS-KHHGĐ. Trung bình hàng năm có 3.000 lượt hộ gia đình sinh con thứ 3 trở lên không được công nhận là "Gia đình văn hóa". Các đơn vị xã, phường, thị trấn, cơ quan có người sinh con thứ 3 trở lên đều không được xét thi đua khen thưởng...

Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập như: Trong Pháp lệnh Dân số có một số nội dung quy định chưa cụ thể, có nhiều cách hiểu khác nhau (Điều 4, Điều 10) nên một bộ phận nhân dân, trong đó có cả cán bộ, đảng viên hiểu chưa đầy đủ hoặc cố tình hiểu sai tinh thần của Pháp lệnh và vi phạm Pháp lệnh Dân số. Tư tưởng trọng nam hơn nữ vẫn còn nặng nề ở một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân; tổ chức bộ máy không ổn định, cán bộ thường xuyên biến động. Công tác xử lý những hành vi vi phạm Pháp lệnh Dân số chưa được thực hiện nghiêm túc. Vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu thực hiện những quy định của Pháp lệnh Dân số, thiếu ý thức tự nguyện tự giác trong việc chấp hành quy mô gia đình ít con. Nguồn lực đầu tư cho công tác DS-KHHGĐ còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, đặc biệt là kinh phí cho hoạt động truyền thông. Các chính sách đãi ngộ cho cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ ở cơ sở còn nhiều bất cập, nhất là đội ngũ cộng tác viên, do đó đã ảnh hưởng tới tư tưởng và chất lượng công việc của đội ngũ này.

Pháp lệnh Dân số được ban hành là cơ sở pháp lý để ngành y tế, dân số Thái Bình tiếp tục tham mưu với Đảng, chính quyền các cấp ban hành các cơ chế chính sách quan trọng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể  thực hiện có hiệu quả và toàn diện các mục tiêu chiến lược đề ra về quy mô dân số, cơ cấu, phân bổ và chất lượng dân số góp phần nâng cao nguồn nhân lực có chất lượng cao cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nguyễn Thị Huê
(Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ)


  • Từ khóa