Thứ 2, 27/01/2025, 15:14[GMT+7]

Nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới

Thứ 5, 26/12/2024 | 08:34:20
2,539 lượt xem
Chất lượng dân số ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội. Đầu tư cho dân số cũng là đầu tư cho phát triển. Dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Sở Y tế, Chi cục Dân số - KHHGĐ đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh.

Cán bộ dân số xã Canh Tân (Hưng Hà) truyền thông chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

Từ đẩy mạnh tuyên truyền đến thực hiện các chương trình, đề án 

Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh vừa phối hợp với Trung tâm Y tế thành phố và Trường THCS Kỳ Bá (thành phố Thái Bình) tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng tháng hành động quốc gia về dân số và ngày Dân số Việt Nam 26/12. Tại lễ mít tinh, cán bộ, giáo viên cùng hơn 1.700 học sinh nhà trường đã được nghe truyền thông công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên. Với cách nói chuyện gần gũi, dễ hiểu nhưng không kém phần dí dỏm, hài hước, những nội dung về giới tính đã được truyền đạt hiệu quả, thu hút sự quan tâm của các em học sinh. 

Em Nguyễn Hoàng Diệu Linh, lớp 8A5, Trường THCS Kỳ Bá cho biết: Em thấy đây là một chương trình rất ý nghĩa, giúp chúng em có thêm kiến thức về sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên. Qua đó, chúng em có ý thức bảo vệ bản thân và xây dựng lối sống lành mạnh. Tuổi vị thành niên là giai đoạn nhạy cảm với nhiều thay đổi về tâm sinh lý, nhất là về sức khỏe sinh sản, em rất mong có nhiều chương trình hay, bổ ích như thế này để chúng em có thêm nhiều kiến thức về vấn đề này. 

Đa dạng hóa hình thức truyền thông dân số, ngoài các buổi nói chuyện chuyên đề, phát tờ rơi, treo áp phích hay phối hợp liên ngành tổ chức truyền thông ở các hội nghị, hội thi..., Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh còn phối hợp với trung tâm y tế các huyện, thành phố, các địa phương truyền thông bằng hình thức sân khấu hóa. Cách làm cũ song tiểu phẩm mới, lối diễn chuyên nghiệp đã truyền tải được các chủ trương, chính sách về công tác dân số và phát triển; thông điệp “Mỗi cặp vợ chồng hãy nên sinh đủ 2 con”, không phân biệt giới, không lựa chọn giới tính thai nhi, hệ quả của việc mất cân bằng giới tính khi sinh... 

Bà Trần Thị Hương, thôn An Di, xã Hồng Bạch (Đông Hưng) chia sẻ: Khi xem tiểu phẩm chèo “Nỗi lòng của mẹ” tôi thấy đây là tiểu phẩm rất hay, gần gũi và sát với thực tế. Tiểu phẩm đã cho chúng tôi hiểu sâu sắc hơn con nào cũng quý chứ không nặng nề, phân biệt trai hay gái. Chúng tôi mong những chương trình như thế này được lan tỏa tới nhiều người hơn để cùng chung tay xây dựng gia đình hạnh phúc. Gia đình tôi có 1 con gái. Con gái đi lấy chồng lại sinh 2 cháu gái song tôi sẽ luôn động viên cháu dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt. 

Song song với công tác tuyên truyền, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã triển khai hiệu quả các chương trình, dự án, đề án như: Chương trình củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ; kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; đề án kiểm soát dân số vùng biển, ven biển; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao đội ngũ cán bộ làm công tác dân số các cấp... Các giải pháp triển khai đã góp phần quan trọng thay đổi nhận thức của nhân dân, ngày càng có nhiều người kết hôn, sinh con phù hợp với lứa tuổi, sức khỏe và hoàn cảnh gia đình; chất lượng dân số dần được cải thiện; tuổi thọ bình quân của người dân trong tỉnh năm 2023 là 75,4 tuổi, cao hơn tuổi thọ bình quân chung của cả nước; tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ dưới 5 tuổi trên địa bàn tỉnh là 8,4%... 

Cần sự chung tay của các ngành, địa phương, đơn vị 

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh. Song nhìn lại công tác dân số vẫn còn những khó khăn, thách thức khi tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tăng; tỷ số giới tính khi sinh có chiều hướng gia tăng; cơ cấu dân số có sự chuyển dịch sang cơ cấu dân số già; nguồn lực tài chính cho công tác dân số - KHHGĐ còn hạn chế... 

Để giải quyết những khó khăn, thách thức, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra không chỉ ngành dân số với những giải pháp đồng bộ mà còn cần có sự vào cuộc từ các cấp, ngành, địa phương, đơn vị. Ngày 19/9/2024, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 22/CTUBND tỉnh về việc tăng cường thực hiện công tác dân số trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh, trong đó yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; chủ tịch UBND huyện, thành phố; các cơ quan, đơn vị có liên quan tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt các mục tiêu, chỉ tiêu về công tác dân số đến năm 2030; thống nhất nhận thức trong lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện chuyển trọng tâm của công tác dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển; đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, giáo dục về dân số và phát triển với hình thức, nội dung phù hợp với từng nhóm đối tượng; chú trọng đưa công tác dân số, đặc biệt là nâng cao chất lượng dân số thành nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp... 

Ông Đặng Văn Hơn, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cho biết: Thời gian tới, cùng với việc tham mưu kịp thời các văn bản về công tác dân số - KHHGĐ trong tình hình mới, Chi cục sẽ phối hợp tổ chức triển khai các hoạt động như truyền thông, vận động và cung cấp dịch vụ dân số, KHHGĐ, sức khỏe sinh sản, trong đó tập trung vào công tác truyền thông; triển khai hiệu quả các chương trình, đề án thuộc lĩnh vực dân số - KHHGĐ... Với những quyết tâm của đội ngũ cán bộ làm công tác dân số - KHHGĐ các cấp sẽ góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh.

Truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

Hoàng Lanh