Thứ 5, 02/05/2024, 23:45[GMT+7]

Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh Tham gia khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh

Thứ 3, 12/11/2013 | 08:52:24
1,900 lượt xem
Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự tham mưu tích cực của ngành Y tế và Chi cục dân số, sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, đến nay, tỉnh ta đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu chiến lược về Dân số. Tuy nhiên tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (tỷ lệ giới tính nam/nữ) có chiều hướng gia tăng (năm 2007 là 110/110; năm 2011, 2012 là 112/100 và 6 tháng đầu năm 2013 là 111/100), đã và đang trở thành vấn đề, khó khăn trong công tác dân số

Tuổi thơ. Ảnh: Thành Tâm

Nguyên nhân chủ yếu là do tư tưởng trọng nam, khinh nữ, thích có con trai để nối dõi tông đường; do các chính sách về an sinh xã hội chưa bảo đảm; sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ trên lĩnh vực y học; việc khen thưởng, kỷ luật trên lĩnh vực dân số chưa thỏa đáng... Nếu không có những biện pháp kịp thời, hiệu quả sẽ dẫn đến tình trạng thừa nam thiếu nữ trong tương lai, tạo ra những vấn đề xã hội bức xúc, thách thức lâu dài đối với ngành dân số, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của cá nhân, gia đình và sự phát triển bền vững của đất nước.

Ðể chung tay góp sức cùng với ngành dân số giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, trong những năm qua, Ủy ban Mặt trận tổ quốc (MTTQ) các cấp đã phát huy vai trò, chức năng nhiệm vụ, tuyên truyền vận động toàn dân phát huy sức mạnh đại đoàn kết, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là các chủ trương, chính sách về dân số - KHHGĐ; đã phối hợp chặt chẽ với hệ thống cán bộ làm công tác dân số từ tỉnh đến cơ sở và các tổ chức thành viên, tuyên truyền sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân thông qua nhiều hình thức, nhiều kênh tuyên truyền khác nhau như: Lồng ghép trong các hội nghị tập huấn cho cán bộ Mặt trận, thông qua các hội thi, các buổi hội thảo, nói chuyện chuyên đề, truyền thông nhóm nhỏ, họp thôn, tổ dân phố, tuyên truyền miệng, tuyên truyền qua đài phát thanh, truyền thanh, tài liệu, sách báo, tờ rơi, tờ gấp, panô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu; kết hợp việc thuyết giảng giáo lý kinh sách của các vị chức sắc tôn giáo; tổ chức các đợt tuyên truyền mạnh nhân dịp kỷ niệm Ngày Dân số thế giới, Ngày Dân số Việt Nam, Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3... góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận và toàn xã hội về thực hiện công tác dân số - KHHGĐ.

Hàng năm, MTTQ các cấp đã triển khai lồng ghép các nội dung của công tác dân số - KHHGĐ gắn với thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và hai phong trào thi đua xây dựng "Chùa cảnh 4 gương mẫu", "Xứ họ đạo 4 gương mẫu" trong đồng bào tôn giáo; chỉ đạo đến từng khu dân cư, từng ban công tác Mặt trận, phối hợp với các tổ chức thành viên, ban chỉ đạo công tác dân số - KHHGĐ tham mưu với cấp ủy đảng, chính quyền ban hành nghị quyết chuyên đề, chương trình hành động và xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện sát với tình hình thực tế của địa phương; phối hợp với các ngành Y tế, Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Tư pháp hướng dẫn việc đưa chính sách dân số - KHHGĐ vào hương ước, quy ước của thôn làng, tổ dân phố. Trong đó, lấy tiêu chí "Không có người sinh con thứ 3 trở lên" là một trong những tiêu chí bắt buộc để bình xét, công nhận danh hiệu "Gia đình văn hóa", "Khu dân cư văn hóa".

Năm 2009, Ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp cùng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh xây dựng điểm mô hình "Gia đình tín hữu Công giáo tham gia khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh" ở hai xã: Nam Hải (Tiền Hải) và Ðông Cường (Ðông Hưng). Ủy ban MTTQ 2 xã đã tham mưu để Đảng ủy đưa nội dung này vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã, kêu gọi cán bộ, đảng viên, các vị chức sắc, gia đình tín hữu Công giáo tích cực hưởng ứng. Hai xã đã thành lập ban điều hành và 4 nhóm (mỗi nhóm 100 thành viên là người Công giáo tuổi từ 18 đến 60) tham gia. Ban chủ nhiệm các nhóm đều có chức sắc tôn giáo. Sau 1 năm, mỗi xã nhân rộng thêm 4 nhóm, thành phần mở rộng thêm cả đồng bào lương giáo, nhằm thu hút và tránh sự phân biệt giữa các tôn giáo. Các nhóm đã ký cam kết thực hiện mô hình và tham gia sinh hoạt định kỳ. Nhiều người không phải thành viên của nhóm cũng đến tham dự, có buổi thu hút hàng trăm người tham gia, góp phần nâng cao nhận thức thay đổi nếp nghĩ, hủ tục lạc hậu để các cặp vợ chồng thực hiện sinh đẻ có trách nhiệm.

Các mô hình khu dân cư, dòng họ, họ giáo không có người sinh con thứ 3 trở lên đã được đưa thêm các tiêu chí không để xảy ra mất cân bằng giới tính khi sinh. Vận động các cặp vợ chồng không lựa chọn giới tính thai nhi; người cao tuổi, ông bà không kỳ thị cháu gái; không ép con dâu, con gái phải sinh thêm con trai; nêu gương người tốt việc tốt ở địa phương, dòng họ, xứ họ; lồng gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống văn hóa, gia phong gia đạo ở mỗi nếp nhà, tạo ra những chuyển biến tích cực về công tác dân số.

Để nâng cao vai trò của MTTQ tham gia khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và hạn chế người sinh con thứ 3 trở lên, MTTQ đã tổ chức 8 cuộc tọa đàm cấp xã và 1 cuộc tọa đàm cấp tỉnh, thu hút hàng nghìn cán bộ Mặt trận tham gia, tạo ra diễn đàn trao đổi thẳng thắn, cởi mở, tìm ra những giải pháp hữu hiệu để tuyên truyền, vận động nhân dân tổ chức thực hiện. Công tác dân số - KHHGĐ được lồng gắn chặt chẽ với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Hàng năm, trong ngày hội đại đoàn kết toàn dân, các khu dân cư biểu dương các  gia đình văn hóa tiêu biểu có 2 con gái nhưng không sinh con thứ 3.

Đồng thời, MTTQ kiến nghị các cấp chính quyền có các hình thức biểu dương, khen thưởng kịp thời động viên nhân dân trong công tác dân số, kiến nghị với cấp ủy đảng xử lý đảng viên vi phạm, các đoàn thể nhắc nhở đoàn viên, hội viên trong các cuộc họp chi hội, chi đoàn, làm cho công tác dân số được tiến hành bằng nhiều kênh, nhiều giải pháp, mọi lúc, mọi nơi, bước đầu tạo ra những chuyển biến tích cực.

Để tiếp tục khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trong thời gian tới, MTTQ tỉnh Thái Bình tập trung chỉ đạo thực hiện một số giải pháp sau:
- Đa dạng hóa các hoạt động truyền thông, chú trọng vận động trực tiếp cho các nhóm đối tượng, nhất là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, nhóm đối tượng có nguy cơ lựa chọn giới tính khi sinh và sinh con thứ 3 trở lên.

- Phát huy vai trò của các vị chức sắc tôn giáo, trưởng các dòng họ, những người tiêu biểu, có uy tín trong cộng đồng dân cư để tuyên truyền sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân về nội dung của Pháp lệnh Dân số và các văn bản, nghị quyết, chỉ thị của các cấp ủy đảng, chính quyền về công tác dân số - KHHGĐ; nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, hiệu lực quản lý của các cấp chính quyền, những người có uy tín trong cộng đồng tham gia công tác dân số - KHHGĐ.

- Thường xuyên tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao năng lực chuyên môn và kỹ năng vận động cho đội ngũ cán bộ Mặt trận về công tác dân số - KHHGĐ, lồng gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và các chương trình công tác Mặt trận.

Để khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh là một cuộc cách mạng lâu dài, bền bỉ và còn gặp rất nhiều trở ngại, khó khăn, rất cần sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Nguyễn Thị Hoa
(Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh)


  • Từ khóa