Thứ 6, 03/05/2024, 03:32[GMT+7]

“Bài toán” mất cân bằng giới tính khi sinh Không khó nếu có sự đồng lòng

Thứ 2, 09/12/2013 | 15:36:20
1,173 lượt xem
Theo báo cáo của Chi cục Dân số - KHHGÐ, năm 2006 tỷ số giới tính khi sinh ở tỉnh ta là 118 bé trai/100 bé gái; năm 2007 là 123/100; năm 2008 là 115/100; năm 2009 là 112/100; năm 2010 là 113/100; năm 2011 là 112/100; năm 2012 là 111/100. Như vậy, Thái Bình đang là tỉnh mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức

Giờ ra chơi của học sinh trường Tiểu học Lê Hồng Phong (Thành phố Thái Bình).

Tỷ số giới tính khi sinh được tính bằng số bé trai, bé gái khi sinh, tỷ số này trong khoảng 103 – 108 bé trai/100 bé gái thì giới tính khi sinh ở mức cân bằng, trong khoảng 109 – 110 bé trai/100 bé gái thì giới tính khi sinh ở mức tiệm cận mất cân bằng, trên 110 bé trai/100 bé gái là biểu hiện của mất cân bằng. Theo báo cáo của Chi cục Dân số - KHHGÐ, năm 2006 tỷ số giới tính khi sinh ở tỉnh ta là 118 bé trai/100 bé gái; năm 2007 là 123/100; năm 2008 là 115/100; năm 2009 là 112/100; năm 2010 là 113/100; năm 2011 là 112/100; năm 2012 là 111/100. Như vậy, Thái Bình đang là tỉnh mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức khá nghiêm trọng.

 

Theo lãnh đạo Chi cục Dân số - KHHGÐ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay, trong đó nguyên nhân cơ bản nhất vẫn là do tư tưởng “phải có con trai” đã ăn sâu, “bám rễ” trong tâm thức của đại bộ phận nhân dân. Là tỉnh nông nghiệp, người dân sống chủ yếu ở khu vực nông thôn, người cao tuổi thường sống dựa vào con cái mà theo quan niệm truyền thống thì trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ khi về già thuộc về con trai, con gái lấy chồng về nhà chồng là “con người ta”. “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (một con trai cũng là có, mười con gái cũng là không), muốn có con trai trước là chăm sóc lúc già yếu, sau là hương hỏa, nối dõi tông đường khi khuất núi đã khiến không ít gia đình tìm đủ mọi cách như cầu cúng, áp dụng kỹ thuật trước lúc có thai (chế độ ăn uống, thời điểm thụ thai...), áp dụng kỹ thuật sau khi có thai (siêu âm, bắt mạch, chọc hút dịch ối... chẩn đoán giới tính thai nhi kết hợp với phá thai chọn lọc giới tính thai nhi) để có được một cậu con trai.

 

Ảnh: Việt Hùng

 

Trang thiết bị y tế hiện đại, đội ngũ hành nghề y trong và ngoài công lập có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp ngày càng cao một mặt góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nhân dân nhưng cũng làm nảy sinh tình trạng lạm dụng các kỹ thuật vì mục đích lựa chọn giới tính. Trong khi đó, quy mô gia đình ít con đã tạo áp lực đối với nhiều cặp vợ chồng: vừa mong có ít con lại vừa muốn có con trai, dẫn đến tìm kiếm và sử dụng các dịch vụ lựa chọn giới tính trước sinh trở thành “cứu cánh” của không ít cặp vợ chồng.

 

Mặc dù, thời gian qua, ngành Y tế - trực tiếp là Chi cục Dân số - KHHGÐ đã triển khai nhiều hoạt động thực hiện giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh tuy nhiên kết quả đạt được còn khá khiêm tốn. Mới đây, trong hội thảo đóng góp đề xuất nhằm giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh do Chi cục Dân số - KHHGÐ tổ chức, đa số các ý kiến đều cho rằng: khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh tiến tới đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên là một việc làm khó song có thể làm được nếu có sự đồng lòng, góp sức tích cực của tất cả các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và sự hưởng ứng tích cực, tự nguyện của mỗi người dân.

 

Theo ông Tô Hồng Quang, Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGÐ: “Việc giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh là một quá trình phải được thực thi bằng nhiều biện pháp đồng bộ. Trước hết mỗi cán bộ, đảng viên phải làm gương, chấp hành tốt trong gia đình mình, sau đó dần thuyết phục, vận động người thân, nhân dân làm theo. Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh là một việc làm cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của cả cộng đồng xã hội”.

 

Ông Phạm Ngọc Dương, Trưởng thôn Văn Lăng (xã Thượng Hiền, Kiến Xương), người đã lãnh đạo thôn làm tốt công tác giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh thời gian qua cho biết: “Phương tiện thông tin đại chúng góp phần không nhỏ vào việc thay đổi hành vi, nhận thức người dân. Các cơ quan báo, đài cần tăng thời lượng phát sóng các nội dung tuyên truyền về tác hại, hậu quả của việc mất cân bằng giới tính khi sinh, nên tìm các điển hình gia đình có con một bề là gái, học hành thành đạt, phát triển kinh tế hiệu quả, làm tốt việc phụng dưỡng cha mẹ, thờ cúng tổ tiên để biểu dương, làm chuyển biến tư tưởng “phải có con trai” trong nhân dân. Chi cục Dân số - KHHGÐ, Trung tâm Dân số - KHHGÐ các huyện, thành phố cần phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp gặp gỡ, trao đổi với các chức sắc tôn giáo, các linh mục của những thôn có nhiều người theo đạo Thiên chúa để họ có tiếng nói với các tín đồ trong việc giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh đồng thời cũng cần có chính sách khen thưởng, động viên với các địa phương thực hiện tốt công tác này”.

 

Mất cân bằng giới tính khi sinh ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của các cá nhân, gia đình và sự phát triển bền vững của đất nước. Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh là việc làm thiết thực, có ý nghĩa quan trọng đối với tương lai, sự phồn vinh của mỗi quốc gia, mỗi vùng lãnh thổ, mỗi địa phương. Ðây là việc làm khó nhưng không phải không giải quyết được nếu có sự chung tay, vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành từ Trung ương, tỉnh đến cơ sở.

Vũ Hường

 

  • Từ khóa