Chủ nhật, 22/12/2024, 08:58[GMT+7]

Tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai Mở rộng nhu cầu cho đối tượng

Thứ 3, 15/04/2014 | 08:38:37
1,677 lượt xem
Từ trước đến nay, phần lớn các phương tiện tránh thai đều được cấp miễn phí, đối tượng có nhu cầu thường tìm đến các dịch vụ cung cấp của Nhà nước hay hệ thống dân số các cấp. Tuy nhiên, hầu hết các phương tiện tránh thai được cung cấp miễn phí đều do nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư nên chưa bảo đảm tính bền vững cho Chương trình mục tiêu Quốc gia về Dân số - Kế hoạch hóa gia đình.

Cung cấp sản phẩm truyền thông, phương tiện tránh thai đến đối tượng.

Từ trước đến nay, phần lớn các phương tiện tránh thai (PTTT) đều được cấp miễn phí, đối tượng có nhu cầu thường tìm đến các dịch vụ cung cấp của Nhà nước hay hệ thống dân số các cấp. Tuy nhiên, hầu hết các PTTT được cung cấp miễn phí đều do nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư (trừ bao cao su và một phần thuốc uống tránh thai kết hợp) nên chưa bảo đảm tính bền vững cho Chương trình mục tiêu Quốc gia về Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ).

Khi các nhà tài trợ ngừng viện trợ các PTTT gây ra sự thiếu hụt ngân sách dành cho hoạt động của Chương trình dân số. Trong khi nhu cầu đòi hỏi về phương tiện tránh thai của số đông khách hàng ngày càng đa dạng, để giảm gánh nặng ngân sách Nhà nước, tạo sự công bằng, hợp lý với khả năng chi trả, điều kiện của mỗi nhóm đối tượng, việc chuyển đổi hành vi từ sử dụng PTTT miễn phí sang tiếp thị xã hội (TTXH) và thị trường thương mại là cần thiết.

Xác định việc triển khai thực hiện TTXH các PTTT là nhiệm vụ quan trọng của toàn bộ hệ thống DS - KHHGĐ, sau khi nhận được kế hoạch của Tổng cục DS - KHHGĐ, Ban quản lý mô hình TTXH các PTTT (nay là Trung tâm Tư vấn và Cung ứng dịch vụ), Chi cục DS - KHHGĐ Thái Bình đã xây dựng kế hoạch TTXH, giao chỉ tiêu TTXH và hướng dẫn trung tâm DS - KHHGĐ 8 huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu cho 286/286 xã, phường, thị trấn.

Để việc tiếp thị đạt kết quả cao, ngoài việc thường xuyên lồng ghép hoạt động tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm TTXH các PTTT nhãn hiệu NightHappy vào các hoạt động tuyên truyền về DS/SKSS/KHHGĐ, đội ngũ cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số cơ sở với kinh nghiệm nhiều năm “đi từng ngõ, gõ từng nhà” nắm bắt tâm lý và nhu cầu của đối tượng để có cách tiếp thị hiệu quả.

Chị Nguyễn Thị Tình, cán bộ chuyên trách dân số xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy cho biết: Việc TTXH PTTT sẽ giúp mọi người biết thêm thông tin cần thiết về việc tránh có thai ngoài ý muốn, các dịch vụ sức khỏe sinh sản, KHHGĐ và việc sử dụng bao cao su để phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Cán bộ dân số cấp phát tờ rơi và phương tiện tránh thai cho khách tham quan du lịch tại bãi biển Cồn Vành, xã Nam Phú (Tiền Hải).

TTXH các PTTT tại Thái Bình được thực hiện từ năm 2012, qua 2 năm triển khai đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Nếu như năm 2012, đội ngũ cán bộ dân số chỉ bán được 12.000 chiếc bao cao su NightHappy, do tâm lý khách hàng quen dùng các sản phẩm bao cao su Yes, Hello, OK thì hết năm 2013 đã bán được 150.000 chiếc (gấp 12,5 lần so với năm 2012).

Điểm khác biệt của việc bán các sản phẩm TTXH các PTTT so với giá thị trường là được sự trợ giá của Nhà nước. Các sản phẩm có chất lượng tương tự nhưng không được hưởng trợ giá thường có mức giá cao gấp 2 - 3 lần. Bên cạnh việc tiếp thị bao cao su và viên uống tránh thai, trong năm 2013 và những năm tiếp theo các biện pháp tránh thai lâm sàng (dụng cụ tử cung, thuốc tiêm tránh thai, thuốc cấy tránh thai) cũng được tiếp thị rộng rãi tới khách hàng.

Việc TTXH các PTTT bước đầu mang lại nhiều kết quả, tuy nhiên vẫn còn bộc lộ một số khó khăn, hạn chế cần giải quyết. Đội ngũ cán bộ dân số cơ sở có kinh nghiệm nhưng chưa được đào tạo, tập huấn về kỹ năng TTXH các PTTT nên việc tư vấn còn hạn chế; chưa mở rộng được hệ thống TTXH PTTT ở nơi công cộng (nhà hàng, bến xe, khu công nghiệp...); các sản phẩm TTXH đến với người dân không thường xuyên, bị gián đoạn (nhiều lúc khách hàng có nhu cầu nhưng không có sản phẩm để tiếp thị).

Để triển khai có hiệu quả chương trình TTXH các PTTT nhãn hiệu NightHappy, trong thời gian tới Chi cục DS - KHHGĐ Thái Bình cần xây dựng kế hoạch triển khai và cung ứng các PTTT TTXH với các huyện, thành phố ngay từ đầu năm. Tăng cường đầu tư nguồn kinh phí chi cho hoạt động truyền thông, quảng cáo để quảng bá sản phẩm. Mở các lớp đào tạo, tập huấn về kỹ năng TTXH các PTTT cho cán bộ tham gia TTXH từ tỉnh đến cơ sở. Đa dạng hóa sản phẩm về mẫu mã, chất lượng, kể cả các sản phẩm xúc tiến truyền thông TTXH (tờ rơi, áo mưa, áo phông, mũ, bút...). Có chính sách khen thưởng, động viên kịp thời cho người trực tiếp làm công tác TTXH.

Nguyễn Cường

  • Từ khóa