Thứ 4, 21/05/2025, 14:29[GMT+7]

Nỗ lực giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

Thứ 3, 04/08/2015 | 09:23:43
2,461 lượt xem
Nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, các mô hình, đề án được ngành Dân số triển khai nhằm mục tiêu thay đổi tâm lý phải có con trai nối dõi, trọng nam khinh nữ; nâng cao vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội; thuyết phục các cặp vợ chồng không lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức…

Một buổi truyền thông tại hộ gia đình của cán bộ dân số xã Đông Lâm (Tiền Hải).

Theo đồng chí Vũ Đức Điến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ): Tỷ số giới tính khi sinh được xác định bằng số trẻ em trai được sinh ra trên 100 trẻ em gái của một thời kỳ, thường tính theo 1 năm. Tỷ số này thông thường là 103 - 106 trẻ em trai/100 trẻ em gái. Tuy nhiên, theo thống kê của hệ thống dân số, những năm gần đây, số trẻ em sinh ra là trai trên địa bàn tỉnh thường nhiều hơn số trẻ sinh ra là gái. Điều đáng lưu ý là tỷ lệ này có chiều hướng gia tăng và ngày càng khó kiểm soát.

Trước thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, cách đây 4 năm, Chi cục Dân số - KHHGĐ đã xây dựng và triển khai thực hiện các mô hình giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, đồng thời tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, tập trung chủ yếu ở những địa phương có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao. Mục tiêu cụ thể của việc xây dựng các mô hình giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh là từng bước làm thay đổi tâm lý muốn có con trai để nối dõi, phê phán tình trạng trọng nam khinh nữ; nâng cao vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội; thuyết phục các cặp vợ chồng không lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức… Tính đến nay, mô hình giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh duy trì hoạt động ở 157 xã với 157 câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ ba cùng giúp nhau phát triển kinh tế. Nhằm giảm thiểu tối đa sự gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh, từ đầu năm 2015, Chi cục Dân số - KHHGĐ đã tập trung thực hiện Đề án “Can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”. Trong 6 tháng đầu năm, đã có 157 buổi sinh hoạt câu lạc bộ được tổ chức thu hút 942 hội viên tham gia; 157 buổi hội thảo với 3.140 người tham gia; 6 buổi nói chuyện chuyên đề về giới tính khi sinh tại cộng đồng với 1.850 người tham gia. Qua các hoạt động của mô hình và đề án, ngành Dân số đã cung cấp thông tin về công tác dân số - KHHGĐ nói chung, thực trạng và hệ lụy do mất cân bằng giới tính khi sinh nói riêng cho lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, huyện, xã và người dân. Đồng thời, thảo luận về vai trò và phương thức lồng ghép tuyên truyền về giới tính khi sinh với các hoạt động thường xuyên của các ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở. Đặc biệt, Chi cục đã phối hợp với các cấp chính quyền ở Vũ Thư mở 1 hội nghị truyền thông trực tiếp cho 158 người là lãnh đạo Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; phối hợp với các doanh nghiệp mở hội nghị truyền thông cho 1.010 nữ công nhân trên địa bàn huyện Thái Thụy về các nội dung liên quan đến mất cân bằng giới tính khi sinh…

Với những nỗ lực của các cấp, các ngành 6 tháng đầu năm, tỷ số giới tính khi sinh trung bình trong tỉnh giữ ở mức 113,2 nam/100 nữ. Tuy đã có huyện có tỷ lệ giới tính khi sinh giảm thấp hơn bình quân chung của tỉnh như Vũ Thư 102 nam/100 nữ song cũng có huyện có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao như Quỳnh Phụ 128 nam/100 nữ. Có xã có tỷ lệ chênh lệch cao điển hình là Bắc Sơn (Hưng Hà) 267 nam/100 nữ, Quỳnh Thọ (Quỳnh Phụ) 233 nam/100 nữ, Quỳnh Xá (Quỳnh Phụ) 222 nam/100 nữ)…

Để khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, thời gian tới, Chi cục Dân số - KHHGĐ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, vận động; duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động mô hình tại các xã, thị trấn. Tăng cường cung cấp thông tin, giáo dục truyền thông về giới và mất cân bằng giới tính khi sinh cho những người có uy tín trong cộng đồng, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ và những người cung cấp dịch vụ siêu âm và dịch vụ nạo phá thai nhằm hạn chế các hành vi không phù hợp với việc sinh đẻ theo quy luật tự nhiên. Đồng thời, ngành Dân số kiến nghị các cấp, các ngành tích cực quan tâm, tham mưu hoàn thiện hệ thống pháp luật về các nội dung liên quan đến giới tính khi sinh; có chính sách khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em gái và gia đình có con một bề là gái…

Hà Dung

  • Từ khóa