Thứ 2, 19/05/2025, 23:29[GMT+7]

Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về dân số và ngày Dân số Việt Nam 26/12 Chuyển biến sau 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về dân số

Thứ 2, 28/12/2015 | 09:08:55
971 lượt xem
Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về dân số và ngày Dân số Việt Nam 26/12, phóng viên Báo Thái Bình đã phỏng vấn đồng chí Tô Hồng Quang, Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGÐ về kết quả công tác dân số - KHHGÐ thời gian qua, định hướng trong thời gian tới.

Huyện Vũ Thư tổ chức tặng quà cho các gia đình sinh hai con gái tiêu biểu.

 

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết kết quả sau 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về dân số - KHHGĐ?

 

Đồng chí Tô Hồng Quang: 5 năm qua, cùng với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự hỗ trợ của Tổng cục Dân số - KHHGĐ, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị y tế trong ngành, đặc biệt là sự cố gắng, nỗ lực của đội ngũ cán bộ làm công tác dân số từ tỉnh đến cơ sở, công tác dân số - KHHGĐ của tỉnh đã đạt nhiều kết quả. Đa số các chỉ tiêu đề ra đều đạt và vượt kế hoạch, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt, chương trình mục tiêu quốc gia về dân số - KHHGĐ giai đoạn 2011 - 2015 đã tạo điều kiện cho công tác dân số - KHHGĐ Thái Bình có bước chuyển quan trọng. Cùng với mục tiêu giảm tỷ lệ sinh, tỷ lệ sinh con thứ ba, mục tiêu nâng cao chất lượng dân số bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định.

 

Mô hình gia đình ít con, khỏe mạnh được đông đảo nhân dân hưởng ứng. Nhiều cặp vợ chồng trẻ đã tự nguyện chấp nhận quy mô gia đình chỉ có hai con. Năm 2015 là năm thứ 15 Thái Bình giữ vững mục tiêu duy trì mức sinh thay thế với tổng tỷ suất sinh đạt 2,03 con. Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên là 8,5%o. Chất lượng dân số từng bước được cải thiện. Tuổi thọ trung bình của người dân đạt 75 tuổi. Dịch vụ KHHGĐ đa dạng và được nâng cao về chất lượng. Hệ thống cung cấp dịch vụ KHHGĐ được củng cố và phát triển. Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai (BPTT) của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đạt 78%. Chương trình chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em đạt chất lượng cao. Chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh được triển khai tại 100% số xã trong tỉnh. Các mô hình, đề án như can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân, tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng, đề án kiểm soát dân số vùng biển, ven biển giúp cải thiện chất lượng dân số đã phát huy hiệu quả, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trong tỉnh. Bộ máy tổ chức được kiện toàn và ổn định với mô hình trung tâm dân số - KHHGĐ huyện, thành phố trực thuộc UBND cùng cấp; cán bộ chuyên trách xã, phường, thị trấn là viên chức thuộc trung tâm dân số - KHHGĐ và làm việc tại trạm y tế cấp xã.

 

 

Khám sức khỏe cho học sinh xã Thái Phúc (Thái Thụy).

 

Tuy nhiên, công tác dân số - KHHGĐ của Thái Bình vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Kết quả giảm sinh chưa ổn định, thiếu vững chắc; tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên có chiều hướng gia tăng. Sức khỏe sinh sản chưa bảo đảm, tình trạng nạo hút thai, viêm nhiễm đường sinh sản cao. Vấn đề giới, bình đẳng giới trong chăm sóc sức khỏe sinh sản, trách nhiệm của nam giới trong kế hoạch hóa gia đình chưa được quan tâm đúng mức, tỷ lệ người chấp nhận BPTT hiện đại chênh lệch là 11 nữ/1 nam. Tình trạng tảo hôn, ly hôn, ly thân, quan hệ tình dục trước hôn nhân và bạo lực gia đình có chiều hướng tăng và diễn biến phức tạp. Tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh không giảm. Chất lượng dân số chưa cao, thu nhập bình quân đầu người mới đạt trên 1.000 USD/người/năm. Toàn tỉnh còn hơn 20.000 trẻ em khuyết tật, hơn 4.000 trẻ em bị ảnh hưởng của chất độc da cam; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi vẫn còn cao (14,1%).

 

Phóng viên: Vậy phương hướng, mục tiêu của công tác dân số - KHHGĐ trong thời gian tới là gì, thưa đồng chí?

 

Đồng chí Tô Hồng Quang: Giai đoạn 2016 - 2020, công tác dân số - KHHGĐ của Thái Bình thực hiện mục tiêu duy trì mức sinh hợp lý, nâng cao chất lượng dân số về thể chất; khống chế tốc độ tăng nhanh tỷ số giới tính khi sinh nhằm đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH và sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước. Chỉ tiêu cụ thể đến năm 2020, về dân số - KHHGĐ, tổng tỷ suất sinh giảm còn 1,9 con; tỷ lệ sử dụng các BPTT hiện đại đạt 78%; tỷ lệ trẻ em mới sinh bị dị tật bẩm sinh giảm xuống 2%; tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh là 55%; tỷ lệ trẻ em được sàng lọc sơ sinh là 50%; giảm tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh không vượt quá 112 bé trai/100 bé gái vào năm 2020. Cung cấp các dịch vụ về phòng, chữa bệnh và phục hồi chức năng cho người khuyết tật, người cao tuổi dựa vào cộng đồng; điều tra xác định các vấn đề sức khỏe, ưu tiên ở người già và cung cấp các biện pháp can thiệp y tế thích hợp trong cộng đồng và tại các tuyến; xây dựng các chương trình, hướng dẫn quản lý bệnh mạn tính cho người cao tuổi.

 

Phóng viên: Để hoàn thành mục tiêu trên, ngành Dân số có những giải pháp gì?

 

Đồng chí Tô Hồng Quang: Cần triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp sau: Tăng cường công tác tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục xây dựng và quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác dân số - KHHGĐ; lồng ghép các chỉ tiêu về dân số - KHHGĐ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020. Trong công tác kế hoạch, dự báo các chỉ tiêu về dân số, tỷ lệ giảm sinh, tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh, tỷ lệ và số người mới sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, tỷ lệ sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, kinh phí triển khai và thực hiện… Trong công tác tổ chức bộ máy cán bộ, cần hoàn thiện tổ chức bộ máy cán bộ từ tỉnh đến cơ sở đủ mạnh, bảo đảm ổn định tổ chức, chú trọng nâng cao năng lực, sự nhiệt tình, tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ làm công tác dân số các cấp, đặc biệt là cán bộ dân số xã, phường và đội ngũ cộng tác viên dân số ở các thôn, tổ dân phố. Công tác thi đua, khen thưởng, thực hiện kịp thời các chính sách khuyến khích, khen thưởng, đồng thời có quy định xử lý nghiêm đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân vi phạm chính sách dân số. Tổ chức triển khai có hiệu quả các hoạt động truyền thông, giáo dục thay đổi nhận thức, chuyển đổi hành vi; bảo đảm hậu cần và nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ; tầm soát các dị dạng, bệnh, tật bẩm sinh và kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; kiểm soát dân số các vùng biển, ven biển; thu thập, cập nhật thông tin, dữ liệu dân số - KHHGĐ; nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất của cơ quan dân số - KHHGĐ các cấp; thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện các chương trình, mô hình, đề án…

 

Với những kết quả đạt được của công tác dân số - KHHGĐ giai đoạn 2011 - 2015, việc thực hiện tốt định hướng trong giai đoạn 2016 - 2020 sẽ góp phần đưa tỉnh sớm hoàn thành mục tiêu “Duy trì ổn định mức sinh thay thế, nâng cao chất lượng dân số, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn Thái Bình”.

 

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

 

Hà Anh

(thực hiện)

  • Từ khóa