Thứ 7, 27/07/2024, 23:20[GMT+7]

Một cộng tác viên tâm huyết với Báo Thái Bình

Thứ 3, 11/06/2013 | 15:10:20
960 lượt xem
Nhiều năm nay, bạn đọc đã quen thuộc với những bài viết của cộng tác viên mang bút danh Hoàng Ngọc Khuyến đăng trên các ấn phẩm của Báo Thái Bình. Lựa chọn những đề tài giản dị, gần gũi trong đời thường, dễ đi vào lòng người, tác giả đã khiến bạn đọc và nhiều phóng viên phải nể phục bởi cách sử dụng ngôn từ không chỉ cẩn trọng, chính xác mà còn rất linh hoạt, uyển chuyển, độc đáo.

Ông Hoàng Ngọc Khuyến đọc lại tác phẩm của mình được đăng trên Báo Thái Bình

Dù đã ở tuổi 73 nhưng trông ông Hoàng Ngọc Khuyến vẫn rất khỏe mạnh, minh mẫn. Ông chia sẻ: “Là người con sinh ra ở Diêm Ðiền (Thái Thụy), niềm đam mê văn chương đã ngấm vào con người của tôi từ thời trai trẻ, giờ đã sống gần hết đời người nhưng vẫn chưa hết duyên nợ”. 17 tuổi, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Hoàng Ngọc Khuyến lên đường tham gia thanh niên xung phong, biên chế vào Ðại đội 30-CT426 (Tuần Giáo - Ðiện Biên) làm nhiệm vụ mở hơn 80 km đường chiến lược từ Tuần Giáo vào lòng chảo Ðiện Biên.

Giữa muôn vàn khó khăn, nguy hiểm, đói khổ, sốt rét hành hạ… nhưng cả đội thanh niên vẫn luôn giữ tinh thần lạc quan: vừa lao động hăng say vừa tổ chức sôi nổi phong trào văn nghệ, làm báo tường. Giấy không có, anh em nghĩ ra sáng kiến vào rừng chặt tre đan thành một tấm liếp để dán các bài báo. Ngoài lao động trên công trường, Hoàng Ngọc Khuyến dành hết thời gian vào viết và được đồng đội phong cho bút danh “phóng viên báo liếp”. Ông cũng không ngờ những năm tháng gian khổ gắn bó với “báo liếp đại đội” chính là bước khởi đầu đưa ông đến nghiệp cầm bút sau này. Sau đó, dù được đi học đại học, học cao học rồi làm thầy giáo, ông vẫn say mê viết. Từ mấy chục năm trước, ông đã có rất nhiều bài thơ, bài báo đăng trên các báo: Thái Bình tiến lên, Tiền phong, Phụ nữ, Nông nghiệp, Thời sự phổ thông, Bạch Ðằng (Quân khu 3)….

 Năm 1993, rời bục giảng về nghỉ hưu, Hoàng Ngọc Khuyến  dành trọn thời gian để viết. Ông bảo: đất Thái Bình có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời; người Thái Bình luôn cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, anh dũng kiên cường trong đấu tranh chống kẻ thù xâm lược. Ðây là kho tư liệu vô tận và quý giá cho người cầm bút khai thác. Mình là người viết nghiệp dư, tốt nhất là lựa chọn viết về mảnh đất, con người quê lúa sẽ dễ đi vào lòng bạn đọc nhất. Rồi ông dành nhiều thời gian cho những chuyến đi thực tế, gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp, thăm thú những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử hoặc cùng đồng đội trở lại chiến trường xưa. Bước chân ra khỏi nhà, trong hành trang của ông không bao giờ thiếu quyển sổ và cây bút để lượm nhặt, chọn lọc ghi lại những thông tin mắt thấy, tai nghe làm tư liệu cho những bài viết sau này.

Ðến nay, ông có khoảng 60 bài báo đăng trên các ấn phẩm của Báo Thái Bình với đề tài đa dạng: chiến tranh, lịch sử, nông thôn, biển đảo rồi giao thông, văn hóa, ẩm thực… Có thể kể một số bài viết của Hoàng Ngọc Khuyến đã đăng trên Báo Thái Bình để lại nhiều ấn tượng cho độc giả như: “Tiếng tù và quê biển”, “Cá quả nấu ám - món ăn thú vị”, “Cháo hà”, “Tên làng”, “Cái nắng”, “Cây tre làng Việt”, “Thơm ngon nước mắm cá Nhâm”, “Vang bóng sông Diêm”, “Nhớ lắm bánh đa thủa ấy”, “Thú câu cù kỳ”, “Thú câu rô”, “Ðất đầu sông”, “Âm thanh cũng là chuyện bận tâm”, “Hành trình đời rạ”, “Ngày xuân nhớ Tết trồng cây”, “Ông Thắng da cam”, “Có một gia đình cựu chiến binh như thế”, “Chuyện dọc đường”, “Ký sông Diêm”… Ông chia sẻ: “Mặt bằng dân trí giờ đã được nâng cao, thậm chí nhiều người rất giỏi nên họ “kỹ tính” lắm, dù mình là cộng tác viên nhưng vẫn phải không ngừng tìm tòi, suy nghĩ viết thế nào phải tạo được thiện cảm.

Những bài viết dưới bất kỳ thể loại nào cũng phải bảo đảm thông tin chính xác, chỉn chu từng câu chữ. Nghiêm khắc trong viết lách, tôn trọng độc giả cũng có nghĩa là tôn trọng chính mình”. Vì vậy, những bài Hoàng Ngọc Khuyến viết về anh hùng, nhân chứng lịch sử trong chiến tranh như: “Nguyễn Ðức Cảnh - vị ký giả kiệt xuất”, “Chiến tích rừng Sác và người con quê lúa”, “Chân dung người quê lúa”, “Giữa thành cổ Quảng Trị đọc bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh”, “Chiến công tập kết sân bay U”… ông phải bỏ công thu thập tư liệu mất cả tháng trời, chọn lọc thông tin, viết rồi lại xóa, xóa rồi lại viết, nhờ bạn bè đọc góp ý, gửi lại cho người cung cấp tư liệu thẩm định thông tin rồi mới gửi bài đăng báo.

Trước khi chia tay, Hoàng Ngọc Khuyến cho tôi xem cuốn sổ ghi chép tỷ mỷ những bài báo đã đăng và cả những bài viết chưa được đăng. Ông nâng niu từng tờ Báo Thái Bình và các báo, tạp chí, tập san và cuốn sách khác có đăng bài của mình, coi đó như một báu vật vô giá, thành quả trong suốt cuộc đời làm báo nghiệp dư. Hiện nay, Hoàng Ngọc Khuyến là Phó Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong Thị trấn Diêm Ðiền nên ngoài là cộng tác viên của Báo Thái Bình, ông còn là cộng tác viên cho tạp chí của Trung ương Hội Cựu thanh niên xung phong, tham gia viết bài cho gần 10 tờ báo, tạp chí trong cả nước và đã có trên 200 bài viết được đăng. Ông chia sẻ: “Chỉ khi nào không còn sức khỏe tôi mới ngừng viết. Bó bện cả đời với nơi chôn rau cắt rốn, nặng lòng với những con người cuốc bẫm cày sâu, tôi chỉ ước ao mình có thêm nhiều bài viết được đăng trên các ấn phẩm của Báo Thái Bình cũng như các báo, tạp chí khác để độc giả hiểu thêm về đất và người Thái Bình anh hùng”.

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

  • Từ khóa