Thứ 7, 27/07/2024, 19:04[GMT+7]

Hiệu quả từ một phong trào

Thứ 2, 17/06/2013 | 08:19:24
828 lượt xem
Để phong trào “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” thực sự có sức thu hút đông đảo chị em, Ban nữ công Công đoàn Giáo dục huyện thường xuyên đổi mới hình thức hoạt động, động viên chị em thực hiện tốt công tác chuyên môn, đồng thời tạo điều kiện cho chị em được tham gia các hoạt động tập thể, tạo mối đoàn kết, thân thiện, cùng tiến bộ.

Cô và trò Trường Mầm non Tháng 8 Thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy). Ảnh: Thành Tâm

Ở ngành giáo dục và đào tạo huyện Thái Thụy, lực lượng nữ cán bộ, giáo viên, công nhân viên (CBGVCNV) chiếm 85,3%; trong đó 298 chị là cán bộ quản lý; 267 chị đảm nhiệm chức vụ bí thư, phó bí thư chi bộ; 219 chị tham gia công tác đoàn thể; tỷ lệ nữ đảng viên trong ngành chiếm 76,2%. Con số đó cho thấy vị trí, vai trò quan trọng của chị em trong sự nghiệp “trồng người” của địa phương. Xác định phong trào thi đua “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” nhằm nâng cao vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội, Ban nữ công Công đoàn Giáo dục huyện Thái Thụy đã có nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy chất lượng các hoạt động của phong trào, đáp ứng được những yêu cầu đặt ra đối với nữ CBGVCNV của ngành trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 

 

Để phong trào “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” thực sự có sức thu hút đông đảo chị em, Ban nữ công Công đoàn Giáo dục huyện thường xuyên đổi mới hình thức hoạt động, động viên chị em thực hiện tốt công tác chuyên môn, đồng thời tạo điều kiện cho chị em được tham gia các hoạt động tập thể, tạo mối đoàn kết, thân thiện, cùng tiến bộ. Từ các nội dung của phong trào, tổ chức công đoàn, ban nữ công cơ sở xây dựng các nội dung thi đua cụ thể như “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” lồng ghép với Cuộc vận động “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”, phong trào “Xây dựng gia đình văn hóa”; đẩy mạnh các hoạt động giáo dục nhằm bồi dưỡng kiến thức về mọi mặt cho nữ CBGVCNV... Bằng việc tổ chức các lớp tập huấn, những buổi tọa đàm, thi tìm hiểu kiến thức pháp luật, kiến thức gia đình đã giúp chị em dễ dàng nắm bắt kiến thức, nhớ lâu, nhớ sâu, từ đó nâng cao nhận thức; đồng thời qua đây còn động viên, khuyến khích các nữ nhà giáo phát huy tài năng, trí tuệ, lao động giỏi, lao động sáng tạo với năng suất, chất lượng và hiệu quả cao.

 

Hàng năm, Ban nữ công Công đoàn ngành đã phát động các phong trào thi đua, động viên chị em tích cực tham gia thi giáo viên dạy giỏi các cấp, tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm; nghiên cứu, cải tiến, nâng cao chất lượng bài giảng, đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy; đẩy mạnh thảo luận nhóm, lý thuyết đi đôi với thực hành…

 

Từ năm học 2010 đến nay, đã có hàng nghìn lượt nữ CBGVCNV được học tập chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; mỗi năm ngành giáo dục huyện có từ 115 - 125 chị được kết nạp vào Đảng, 150 - 175 chị tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng. Đến nay, 100% nữ CBGV trong toàn ngành đạt chuẩn trở lên, trong đó trên chuẩn là 73,6%. Toàn huyện còn có 528 nữ CBGVCNV đang theo học các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn.

 

Ngoài ra, chị em còn tích cực tự học, tự bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn cho bản thân, đặc biệt là tích cực nâng cao trình độ tin học, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy… Nhờ đó, 90% nữ CBGV biết khai thác mạng, sử dụng thư điện tử; 85% nữ cán bộ quản lý và chủ tịch công đoàn, 25% nữ giáo viên đã có trình độ B tin học; trên 60% nữ giáo viên biết soạn giáo án trình chiếu và thiết kế bài giảng E-learning. Trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, chị em đã nỗ lực phấn đấu vươn lên, đóng góp trí tuệ cho sự phát triển của ngành, của đất nước. Mỗi năm đội ngũ nữ CBGVCNV huyện Thái Thụy có hàng nghìn đề tài, sáng kiến kinh nghiệm và trên 1.000 nữ giáo viên giỏi các cấp.

 

Ngoài làm tốt công tác giảng dạy, nhiều nữ nhà giáo đã cưu mang, giúp đỡ học trò nghèo bằng cách trao tặng các em những phần quà có ý nghĩa, tạo động lực giúp các em vươn lên trong học tập. Hơn 7.300 lượt học sinh nghèo, học sinh khuyết tật, học sinh có học lực yếu kém được quan tâm, chăm sóc cả về vật chất lẫn tinh thần. Mỗi năm học, toàn ngành có hơn 2.000 nữ CBGVCNV giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn với số tiền từ 300 - 350 triệu đồng. Tiêu biểu như các cô giáo Nguyễn Thùy Luân (Trường Tiểu học Thụy Văn); Vũ Thị Thoại (Trường Tiểu học Thụy Trường); Dương Thị Huyền (Trường Tiểu học Thụy Quỳnh)...

 

Ngoài việc hỗ trợ các em bằng vật chất, các cô không quản ngại sớm tối, tận tình luyện học sinh giỏi, rèn học sinh yếu, kèm học sinh cá biệt mà không hề nghĩ tới quyền lợi của bản thân. Phong trào “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” không chỉ khơi dậy tiềm năng to lớn của phụ nữ trong lĩnh vực công tác và hoạt động xã hội mà còn khẳng định vai trò quyết định của phụ nữ trong việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc. Mặc dù gia đình còn khó khăn, mức lương thấp, nhất là các giáo viên mầm non ngoài biên chế nhưng các chị vẫn cố gắng khắc phục hoàn cảnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, vươn lên làm chủ cuộc sống và làm tròn thiên chức của người vợ, người mẹ.

 

Qua 3 năm (2010 – 2012) thực hiện phong trào “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”, toàn huyện Thái Thụy có trên 7.500 lượt chị đạt danh hiệu “Hai giỏi”; 438 lượt tập thể nữ đạt danh hiệu tập thể có phong trào “Hai giỏi”, đạt tỷ lệ 98,4%. Những kết quả đạt được qua phong trào đã khẳng định vai trò của nữ CBGVCNV ngành giáo dục và đào tạo, tạo động lực để chị em tiếp tục phấn đấu đạt nhiều thành tích mới, xứng đáng là những người phụ nữ hiện đại, năng động, sáng tạo, góp phần đắc lực cho sự phát triển của ngành  nói riêng và của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nói chung. 

Ngọc Hân

  • Từ khóa