Thứ 7, 27/07/2024, 19:10[GMT+7]

Chuyện một nữ cựu thanh niên xung phong

Thứ 5, 04/07/2013 | 08:24:48
860 lượt xem
Sinh ra và lớn lên trong chiến tranh ác liệt, chứng kiến lớp lớp cha anh nối tiếp nhau ra chiến trường bảo vệ Tổ quốc, cô thiếu nữ Phạm Thị Luân (thôn Phạm, xã Phú Châu, huyện Đông Hưng) đã sớm nung nấu quyết tâm trở thành một chiến sĩ thanh niên xung phong (TNXP).

Cô Luân tất bật với công việc ngày mùa.

Học xong cấp 2, cô gái 16 tuổi Phạm Thị Luân nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc gia nhập đoàn nữ TNXP vào chiến trường.

 

 "Ngày ấy tôi quyết định nhanh lắm, đi là đi thôi. Bố có nói thế nào cũng không thể ngăn được. Đi rồi mới thấy thương bố sớm hôm thui thủi một mình vì mẹ tôi mất sớm” - mắt rưng rưng cô Luân nhớ lại. Là người con duy nhất trong gia đình, dù chẳng ai đồng ý với quyết định của cô, nhưng lòng cô đã quyết tâm lên đường. Cả mối tình chớm nở với “anh hàng xóm” cô cũng gác lại hẹn ngày trở về sẽ làm đám cưới. Cô kể: "Ngày đó yêu nhau chưa lâu thì cả tôi và anh ấy đều ra chiến trường. Anh ấy nhập ngũ, tôi thì đi TNXP. Thời buổi chiến tranh ác liệt, hạnh phúc sao được khi đất nước còn trong máu lửa".

 

Vào chiến trường, cô được phân về đơn vị A6 thuộc Đại đội 873 làm nhiệm vụ bảo vệ tuyến đường sắt từ Đò Lèn đến Ga Minh Khôi (huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa). Đây là tuyến đường trọng điểm, có vai trò vô cùng quan trọng trong việc vận chuyển lương thực, đạn dược vào chiến trường miền Namon>. Cũng vì thế mà tuyến đường trở thành mục tiêu đánh phá vô cùng ác liệt của địch. Với khẩu hiệu "Địch phá ta sửa đi", cô Luân cùng các anh chị em TNXP đã anh dũng làm tròn nhiệm vụ bảo đảm giao thông thông suốt. Năm 1967, bị thương trong khi cùng đồng đội làm nhiệm vụ ở núi Nhồi, thôn Đồng Văn (Thanh Hóa), cô Luân được đưa tới Bệnh viện Rừng Thông điều trị, sau đó chuyển về an dưỡng ở Chí Linh, Hải Dương rồi trở về quê nhà với thương tật hạng 4/4.

 

Xác định sống là cống hiến cho Tổ quốc nên sau khi trở về quê hương, cô xin theo học tại Trường Trung cấp sư phạm Thái Bình để nuôi dưỡng ước mơ "ươm mầm xanh" cho đất nước. Ra trường, cô về giảng dạy tại xã Cộng Hòa, huyện Hưng Nhân (Hưng Hà ngày nay), sau đó chuyển công tác về quê nhà (xã Phú Châu, huyện Đông Hưng). Năm 1970, cô xây dựng hạnh phúc khi “anh hàng xóm” Ngô Văn Khởi xuất ngũ trở về. Mái ấm hạnh phúc được xây nên cùng với những lo toan bộn bề của cuộc sống.

 

Chồng là quân nhân mới xuất ngũ, vợ là giáo viên cấp I, mà lương giáo viên ngày ấy có đáng là bao, vậy là cả nhà chỉ trông vào mấy sào ruộng. Rồi ba đứa con lần lượt ra đời, cuộc sống cả gia đình ngày càng khó khăn. Cô bảo: “Ngày ấy đói lắm, nồi còn nóng mà cơm đã hết. Cơm thì độn sắn, độn khoai, nhiều lúc cả cháo cũng không có để ăn". Thế nhưng với tinh thần của người chiến sĩ TNXP, cô cùng chồng đã "chèo lái" đưa gia đình vượt qua những khó khăn. Không chỉ làm tốt vai trò của người phụ nữ trong gia đình, cô Luân còn luôn hoàn thành tốt công việc ở trường. Hơn 30 năm cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”, lúc nào cô cũng miệt mài, tận tụy. Những trang giáo án chưa bao giờ viết vội, những giờ học chưa bao giờ thiếu đi sự tận tâm, lúc nào cô Luân cũng giữ trong mình ngọn lửa nhiệt huyết, cống hiến như thuở còn là chiến sĩ TNXP.

 

Về gặp cô Luân giữa ngày mùa đầy nắng, câu chuyện của cô khiến chúng tôi vô cùng xúc động và cảm phục về tinh thần TNXP quả cảm. Dù trong chiến tranh hay giữa cuộc sống đời thường, tinh thần ấy vẫn luôn tỏa sáng để thế hệ trẻ hôm nay noi theo.

Bài, ảnh: Đào Quyên

 

  • Từ khóa