Thứ 7, 27/07/2024, 19:00[GMT+7]

Sơ kết 3 năm thực hiện Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020"

Thứ 4, 17/07/2013 | 21:03:52
851 lượt xem
Sáng ngày 17/7, Ban chỉ đạo Trung ương thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020", triển khai nhiệm vụ 3 năm 2013 – 2015.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Thái Bình, đồng chí Cao Thị Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tới dự. 

Trong 3 năm qua, Trung ương đã phân bổ 2.460 tỷ đồng cho 63 tỉnh, thành phố; các địa phương bố trí ngân sách gần 480 tỷ đồng hỗ trợ công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Đến nay, cả nước có 783 cơ sở dạy nghề, 200 doanh nghiệp, hơn 400 cơ sở khác đủ điều kiện dạy nghề và trên 20.000 giáo viên cơ hữu, giáo viên thỉnh giảng, trên 11.000 kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, nghệ nhân, nhà khoa học, công nhân có tay nghề cao, nông dân sản xuất giỏi đã tham gia dạy nghề cho hơn 1 triệu lao động nông thôn. 61% lao động sau khi học nghề tiếp tục phát triển nghề cũ nhưng năng suất, thu nhập cao hơn. 23,5% lao động sau khi học nghề được doanh nghiệp tuyển dụng. 3,2% lao động thành lập được doanh nghiệp, tổ hợp sản xuất, hợp tác xã giải quyết việc làm cho bản thân, gia đình và nhiều lao động khác. 44,1% người nghèo sau khi học nghề có việc làm, thu nhập ổn định đã vươn lên thoát nghèo. 10,7% lao động sau học nghề có việc làm, thu nhập cao hơn mức thu nhập trung bình của các hộ trong vùng. 3 năm qua đã có hơn 203.000 lượt cán bộ, công chức xã được đào tạo, bồi dưỡng theo Quyết định số 40/2006/QĐ-TTg ngày 15/2/2006 của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn vẫn còn một số hạn chế như việc triển khai còn chậm, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với điều kiện của từng vùng; một số nơi dạy nghề còn chạy theo số lượng, chưa đáp ứng nhu cầu của người học, người sử dụng lao động…

Mục tiêu của Đề án từ nay đến năm 2015 là hỗ trợ dạy nghề cho khoảng 2 triệu lao động nông thôn. Số người học xong có việc làm mới hoặc tiếp tục nghề cũ nhưng năng suất, hiệu quả cao hơn đạt từ 70% trở lên. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, năng lực quản lý hành chính, kinh tế, xã hội theo chức danh, vị trí công tác cho khoảng 300.000 lượt cán bộ, công chức xã.

Tin, ảnh: Thu Hiền

  • Từ khóa