Thứ 3, 07/05/2024, 20:45[GMT+7]

Chủ động đón nhận chương trình giáo dục phổ thông mới

Thứ 5, 02/01/2020 | 09:28:09
4,277 lượt xem
Từ năm học 2020 - 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo bắt đầu triển khai thực hiện dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Cùng với các địa phương trên cả nước, Thái Bình đã và đang chuẩn bị chu đáo các điều kiện để triển khai thực hiện chương trình GDPT mới theo đúng lộ trình, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.

Tiết học của cô và trò Trường Tiểu học Thụy Sơn (Thái Thụy).

Thực hiện theo lộ trình


Chương trình GDPT mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngày 27/12/2018. Theo đó, chương trình sẽ áp dụng cho lớp 1 từ năm học 2020 - 2021; lớp 2 và lớp 6 từ năm học 2021 - 2022; lớp 3, lớp 7 và lớp 10 từ năm học 2022 - 2023; lớp 4, lớp 8 và lớp 11 từ năm học 2023 - 2024; từ năm học 2024 - 2025 áp dụng cho lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Thực hiện chương trình này, giáo dục cấp tiểu học gồm 11 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc; giáo dục THCS gồm 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc; giáo dục THPT gồm 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc.  Bên cạnh đó, chương trình mới sẽ khắc phục hạn chế trong việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh bằng cách phân biệt rõ hai giai đoạn: giáo dục cơ bản (từ lớp 1 - 9) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 - 12). Theo đánh giá, chương trình GDPT mới vừa kế thừa, phát triển những ưu điểm, vừa khắc phục những hạn chế của chương trình hiện hành. Bởi với mô hình giáo dục hiện nay, kiến thức vừa là chất liệu đầu vào, vừa là kết quả đầu ra của quá trình giáo dục. Vì vậy, học sinh phải học và ghi nhớ rất nhiều nhưng khả năng vận dụng vào đời sống thì hạn chế. Theo cách tiếp cận mới, giáo dục không phải để truyền thụ kiến thức mà nhằm giúp học sinh hoàn thành công việc, giải quyết các vấn đề trong học tập và đời sống nhờ vận dụng hiệu quả, sáng tạo kiến thức đã học.
Tại Thái Bình, để theo dõi sát sao, giải quyết kịp thời những tình huống phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3611 thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tỉnh, với 24 thành viên, do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực văn hóa - xã hội làm trưởng ban. Trước đó, UBND tỉnh cũng đã có Kế hoạch số 123 về thực hiện chương trình GDPT mới trên địa bàn tỉnh với các nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để thực hiện một cách hiệu quả, đó là: đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thực hiện đổi mới chương trình GDPT mới; chuẩn bị đội ngũ để thực hiện; sắp xếp mạng lưới trường lớp, chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, kinh phí đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình GDPT mới; thực hiện đổi mới chương trình, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá. Trong đó, tập trung tổ chức biên soạn tài liệu giáo dục địa phương; thực hiện có hiệu quả việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường; tăng cường công tác chỉ đạo, đổi mới quản lý hoạt động dạy học. Công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên dạy học theo chương trình GDPT mới ở các cấp học được tiến hành theo lộ trình từng năm, trong đó, hoàn thành bồi dưỡng chương trình lớp 1 trước tháng 7/2020; lớp 2, 6 hoàn thành trước tháng 7/2021; lớp 3, 7, 10 hoàn thành trước tháng 7/2022; lớp 4, 8, 11 hoàn thành trước tháng 7/2023; lớp 5, 12 hoàn thành trước tháng 7/2024.


Bảo đảm mọi điều kiện cần thiết


Đồng chí Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Xác định đội ngũ giáo viên là nhân tố quyết định sự thành công của chương trình GDPT mới, Sở Giáo dục và Đào tạo đang tiến hành rà soát và chủ động bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hiện có; đồng thời, làm tốt công tác tham mưu tuyển dụng đủ số lượng cán bộ, giáo viên, nhất là giáo viên các môn học mới. Trên thực tế, từ tháng 9/2019 đến nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đã cử các cán bộ, giáo viên tham gia các lớp tập huấn do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức; đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn tại Thái Bình cho cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán của các trường học trong tỉnh, đặc biệt là cấp tiểu học. Ở các huyện, thành phố, phòng giáo dục và đào tạo cũng tích cực chuẩn bị các điều kiện cho việc triển khai chương trình GDPT mới. Đồng chí Vũ Minh Quyết, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vũ Thư cho biết: Để sẵn sàng cho việc triển khai chương trình GDPT mới, phòng đã tham mưu UBND huyện và Sở Giáo dục và Đào tạo đầu tư cơ sở vật chất cho các nhà trường, đặc biệt ưu tiên cho khối lớp 1; đồng thời, chọn cử giáo viên tham gia tập huấn về triển khai chương trình GDPT mới và tổ chức cho các trường đăng ký sách giáo khoa và tài liệu phục vụ cho dạy học theo chương trình mới.


Một vấn đề cũng vô cùng quan trọng để triển khai thành công chương trình GDPT mới, đó chính là cơ sở vật chất. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, đến tháng 7/2019, toàn tỉnh có 299 cơ sở giáo dục mầm non, 435 cơ sở giáo dục phổ thông (giảm 183 đầu mối), 1 trung tâm GDTX tỉnh với chức năng bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, 12 cơ sở giáo dục đào tạo GDTX có cấp THPT. Tỷ lệ phòng học kiên cố tăng nhanh: Mầm non: 95,7%; Tiểu học: 89,7%; THCS: 98,5%; THPT: 92%; Trường Tiểu học và THCS: 92,4% số phòng học kiên cố. Các trường tiểu học, THCS, THPT đã tích cực tranh thủ các nguồn vốn để xây dựng phòng học bộ môn, mua sắm tủ, giá đựng thiết bị. Đến nay, phòng học của các trường tiểu học đều có tủ đựng thiết bị theo môn, khối; cấp THCS, THPT đã có từ 2 - 5 phòng học bộ môn. 100% trường mầm non, phổ thông có thiết bị theo danh mục thiết bị tối thiểu của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để Thái Bình triển khai thực hiện chương trình GDPT mới. Bên cạnh các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo, hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đang tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông về nội dung, ý nghĩa của chương trình; đồng thời, tiếp tục hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường; thống kê dự kiến tổng số học sinh lớp 1 trong năm học 2020 - 2021 để có kế hoạch đầu tư ưu tiên về cơ sở vật chất và bố trí giáo viên cho cấp học này.


Vẫn còn những thách thức


Năm học 2019 - 2020 được coi là khoảng thời gian “nước rút” để các trường chuẩn bị các điều kiện triển khai chương trình GDPT mới. Bên cạnh những thuận lợi, ngành Giáo dục Thái Bình vẫn còn nhiều khó khăn cần sớm được giải quyết. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện Thái Bình đang thiếu trên 3.000 giáo viên biên chế, trong đó chủ yếu là giáo viên mầm non và tiểu học. Bên cạnh đó, một yêu cầu quan trọng để triển khai chương trình GDPT mới đó là cơ sở vật chất. Điều kiện tối thiểu là học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày, 6 ngày/tuần và sĩ số là 35 em/lớp. Quy định này tưởng như chỉ có những trường học ở vùng sâu, vùng xa mới gặp khó khăn nhưng thực tế tại khu vực thành phố Thái Bình và thị trấn, thị tứ cũng là thách thức, bởi mật độ dân cư đông, sĩ số học sinh tăng trong khi quỹ đất trường hạn chế. Điển hình như một số trường tiểu học tại thành phố Thái Bình, sĩ số học sinh khoảng 60 em/lớp, thậm chí có những lớp lên đến 70 em. Đây là một trong những khó khăn lớn cho nhiều trường khi triển khai dạy 2 buổi/ngày.


Chỉ còn 7 tháng để Thái Bình chuẩn bị xong hệ điều kiện sẵn sàng đón nhận chương trình GDPT mới được thực hiện đầu tiên ở lớp 1. Với lộ trình thực hiện cụ thể, hướng đi rõ ràng và kiên định, việc triển khai chương trình GDPT mới sẽ được thực hiện đồng bộ, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Đặng Anh