Thứ 2, 25/11/2024, 01:05[GMT+7]

Cần mẫn với nghiệp viết

Thứ 5, 06/02/2020 | 10:43:24
2,640 lượt xem
Sáng mùa đông lạnh giá, ông Nguyễn Dương An tới gặp tôi, hồ hởi khoe cuốn sách mới xuất bản “Thái Bình đất học” của ông. Đây đã là cuốn sách thứ 25 từ cây bút tuổi 85. Ông chia sẻ, 20 năm ông tự nguyện gắn cuộc đời mình với nghiệp viết, cung cấp cho độc giả bao tư liệu quý giá mang niềm tự hào về mảnh đất và con người Thái Bình.

Dù tuổi đã cao, ông Nguyễn Dương An vẫn ngày ngày cần mẫn bên trang sách.

Tâm sự chất chứa bao nỗi niềm của một người đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng vẫn ngày ngày miệt mài bên trang sách, dành nhiều thời gian, tâm huyết, công sức sưu tầm, biên soạn với mong muốn mỗi cuốn sách ra đời sẽ là một nguồn tư liệu quý báu, bổ ích cho độc giả mỗi khi tìm hiểu thông tin về quê hương Thái Bình. Những cuốn sách của ông mang hơi thở của cuộc sống thường ngày, bởi vậy nên độc giả dễ dàng đón nhận. Qua đó họ hiểu hơn về: Tín dụng nông thôn, Thái Bình thời kỳ đổi mới, Gương sáng đương thời, Thái Bình ngày nay... Và gần đây nhất là “Thái Bình đất học”.

Thái Bình đất học
Trong cuốn “Thái Bình đất học”, ông Nguyễn Dương An dành nhiều trang viết về những niềm tự hào của quê hương Thái Bình. Đó là những vị đỗ đại khoa thời phong kiến, là những tấm gương gia đình hiếu học thành đạt, là những giáo sư, phó giáo sư, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, những học sinh giỏi đạt giải thưởng cao trong kỳ thi quốc tế, thi đại học... Ở cuốn sách này, tác giả đặc biệt giới thiệu tới độc giả những công dân tiêu biểu của quê hương Thái Bình đã và đang công tác tại các cơ quan của Đảng và Nhà nước. Qua đó, mỗi độc giả thêm hiểu và tự hào về mảnh đất Thái Bình ham học hỏi, không ngừng vươn lên trên con đường tri thức. Cuốn sách cũng như một lời khẳng định về thế hệ trẻ hôm nay của quê lúa Thái Bình đang nỗ lực tiếp nối truyền thống cha ông.

Mỗi cuốn sách khi ra đời chất chứa trong đó bao câu chuyện, là sự chắt chiu cần mẫn của người cầm bút. Tâm sự về cuốn “Thái Bình đất học”, ông Nguyễn Dương An chia sẻ: Điều khiến tôi xúc động nhất là những tấm gương trò nghèo vượt khó vươn lên. Đó là ba chị em gái ở phường Quang Trung, thành phố Thái Bình. Mẹ mất từ ngày còn thơ bé nhưng cả ba chị em đều là những con ngoan trò giỏi, đạt điểm số cao trong kỳ thi đại học và tới nay đều đã có việc làm ổn định sau khi ra trường. Hay như câu chuyện về một gia đình nông dân nghèo tại xã Nam Cao, huyện Kiến Xương đã vượt qua muôn vàn khó khăn để nuôi dạy ba con tốt nghiệp đại học. Chính những tấm gương ấy đã thôi thúc ông trở thành “chiếc cầu nối” truyền đi những thông điệp thật đẹp, thật ý nghĩa của cuộc đời, để từ đó góp phần thôi thúc thế hệ trẻ hôm nay nỗ lực, quyết tâm trên bước đường học tập.

Mỗi người tốt là một bông hoa đẹp
Ông Nguyễn Dương An luôn tâm niệm lời dạy của Bác Hồ: “Mỗi người tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”. Bởi vậy, nếu những việc làm tốt, những người tốt không thường xuyên được động viên, biểu dương, ca ngợi thì có nghĩa là “một bông hoa đẹp” đã bị lãng quên.

Ông Nguyễn Dương An trăn trở, giờ đây một bộ phận độc giả có xu hướng chỉ quan tâm tới những vấn đề “sốc” xảy ra trong xã hội. Bởi vậy, dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn ngày đêm miệt mài, cần mẫn sưu tầm những tư liệu, hình ảnh về những điều đáng tự hào dù là nhỏ bé trong cuộc sống hàng ngày với niềm tin những sưu tầm, biên soạn ấy sẽ trở thành nguồn tư liệu quý báu, thật ý nghĩa về mảnh đất, con người Thái Bình.

Không phụ tấm lòng của người có tâm, hàng vạn cuốn sách do ông biên soạn đã đến với độc giả trên mọi miền đất nước và những cuốn sách ấy dường như rất có duyên với những cuộc thi. Năm 2003 là năm đầu tiên Thư viện Khoa học tổng hợp tỉnh tham dự hội thi cán bộ thư viện tuyên truyền, giới thiệu sách toàn quốc. Sau nhiều lần “nhấc lên đặt xuống”, cuốn sách “Những bông hoa đẹp Thái Bình thời kinh tế thị trường” đã trở thành cuốn sách đầu tiên của tác giả Nguyễn Dương An đến với cuộc thi toàn quốc này. Năm ấy, dù là lần đầu tiên tham dự với nhiều bỡ ngỡ nhưng Thư viện tỉnh đã mang về giải nhất. Sau đó, liên tiếp những cuốn sách: “Thái Bình thời đổi mới”, “Thái Bình làm theo lời Bác”, “Giữa rừng hoa đẹp” của tác giả Nguyễn Dương An đã đến với cuộc thi toàn quốc và đều mang về kết quả cao.

25 đầu sách của ông Nguyễn Dương An, cả xuất bản lần đầu và tái bản, đều được Thư viện Khoa học tổng hợp tỉnh lưu trữ cẩn thận, coi đó là một trong những nguồn tư liệu quý giá. Và trong từng trang sách còn là cả tình yêu, niềm tự hào về mảnh đất, con người Thái Bình trải qua suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Đây cũng là lý do để nhiều độc giả tìm đọc và trân quý những cuốn sách của tác giả Nguyễn Dương An và thấy tin hơn, yêu hơn cuộc sống với thật nhiều “những bông hoa đẹp”.

Tú Anh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày