Thứ 6, 22/11/2024, 08:09[GMT+7]

Lấy chữ tín làm trọng

Thứ 5, 12/03/2020 | 09:26:55
2,625 lượt xem
Khởi nghiệp với không ít khó khăn nhưng với tâm niệm lấy chữ tín làm trọng, cơ sở may của vợ chồng chị Lê Thị Bích Ngọc, thôn Hà Tiến, xã Dân Chủ (Hưng Hà) đã từng bước phát triển, cho thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Cơ sở may của vợ chồng chị Ngọc tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Đến thăm cơ sở may của vợ chồng chị Ngọc, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là không khí làm việc hăng say của công nhân. Đa số lao động đến với cơ sở là phụ nữ do hoàn cảnh gia đình, vướng bận con nhỏ không thể làm công nhân ở các công ty lớn. Với chị Hoàng Thị Son, thôn Hà Tiến, xã Dân Chủ, cơ sở may của chị Ngọc như gia đình lớn của mình. Chính nơi đây, chị tìm được công việc ổn định và niềm vui trong cuộc sống. Chị Son cho biết: Con nhỏ, chưa tìm được việc làm phù hợp nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Cơ sở may của vợ chồng chị Ngọc ra đời đã giúp tôi cùng nhiều phụ nữ có con nhỏ tại địa phương tìm được nơi làm việc ổn định. Ở đây người lao động làm hưởng tiền công theo sản phẩm, giờ giấc không bó buộc như các công ty khác nên chúng tôi chủ động hơn trong việc sắp xếp thời gian hợp lý để vừa có thể chăm sóc con, làm tròn việc gia đình và có thêm thu nhập ổn định hàng tháng. Bởi vậy, tôi gắn bó với cơ sở từ năm 2013 đến nay.

Chị Lê Thị Bích Ngọc cho biết: Sinh ra và lớn lên ở nông thôn nên vợ chồng tôi hiểu khá rõ nhu cầu việc làm của chị em phụ nữ. Đa phần họ muốn có thêm thu nhập nhưng vẫn có thời gian để chăm lo cho gia đình, do vậy việc mở cơ sở may công nghiệp sẽ dễ thu hút người lao động. Thời gian đầu khởi nghiệp không ít khó khăn, đặc biệt là về vốn cũng như kỹ thuật, lao động ở nông thôn chưa quen làm việc theo tác phong công nghiệp nên không ít lần cơ sở bị thua lỗ. Khó khăn là thế nhưng vợ chồng chị Ngọc vẫn quyết tâm thực hiện ước mơ của mình. Hiểu tâm lý khách hàng khi đặt đơn hàng ở một xưởng sản xuất nhỏ như của mình, vợ chồng chị tâm niệm phải lấy chữ tín làm trọng nên đã cùng người lao động dồn tâm sức lên từng đường kim mũi chỉ, bảo đảm hàng may chất lượng cao và giao hàng đúng thời gian. Cùng với đó là dần hoàn thiện các mẫu mã sản phẩm và xây dựng giá thành hợp lý để đi chào hàng, mở rộng thị trường. Từng bước, cơ sở may của vợ chồng chị Ngọc đã tạo được niềm tin với khách hàng cả trong và ngoài tỉnh. Từ cơ sở may nhỏ, máy may là máy cơ, đến nay vợ chồng chị đã có cơ ngơi khang trang, xưởng may với máy móc hiện đại để may đồng phục học sinh và quần áo thời trang với vốn đầu tư khoảng 3 tỷ đồng, mỗi năm cho thu lãi từ 300 - 400 triệu đồng. Cơ sở đã tạo việc làm cho 25 lao động với thu nhập từ 3,5 - 9 triệu đồng/người/tháng. Lúc cao điểm, cơ sở sẽ chuyển mẫu xuống các xưởng vệ tinh cùng sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Các công ty may rất nhiều, để giúp người lao động yên tâm gắn bó lâu dài với cơ sở, ngoài việc hưởng đầy đủ các quyền, lợi ích theo quy định của pháp luật, chị Ngọc luôn quan tâm chăm lo đời sống cho người lao động. Bên cạnh tiền lương, tiền thưởng, tổ chức cho người lao động tham quan, du lịch dịp lễ, tết hay khi người lao động ốm đau, hoạn nạn, cơ sở đều có các phần quà để động viên, chia sẻ. Đối với những lao động có con nhỏ hoặc hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, chị Ngọc tạo điều kiện bằng cách linh hoạt thời gian để chị em tới làm việc hoặc có thể đưa con tới nhà của mình mà vẫn có người trông coi các cháu.  

Chị Trần Thị Nhài, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Dân Chủ cho biết: Cơ sở may của chị Ngọc là mô hình phù hợp để tạo thêm nguồn thu nhập ổn định cho lao động nông thôn. Không chỉ làm kinh tế giỏi, các phong trào hội cũng được chị Ngọc tích cực tham gia. Việc triển khai các hoạt động hội tới phụ nữ làm việc tại cơ sở may của chị Ngọc rất thuận lợi và hiệu quả.

Xuân Phương

aothundongphuc - 5 năm trước

https://aothundongphuc.net xưởng may quần áo đồng phục rẻ đẹp

Tải thêm

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày