Thứ 4, 24/07/2024, 10:25[GMT+7]

Hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 bảo đảm kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng

Thứ 2, 04/05/2020 | 10:33:26
8,273 lượt xem

Cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đông Hưng rà soát, đối chiếu danh sách các đối tượng để tránh trùng lặp.

Ngày 9/4/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Tiếp đó, ngày 24/4/2020 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 15/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Hiện các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã và đang phối hợp triển khai thực hiện để bảo đảm hỗ trợ cho người dân trên địa bàn tỉnh kịp thời. Để giúp người dân hiểu hơn về các chính sách hỗ trợ, phóng viên Báo Thái Bình có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Bái, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về công tác triển khai thực hiện gói hỗ trợ của Chính phủ trên địa bàn tỉnh.

Phóng viên: Thưa ông, Nghị quyết số 42 của Chính phủ và Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ thể hiện sự quan tâm kịp thời đối với người dân gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19. Việc triển khai các văn bản này được ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Bái: Ngay sau khi có Nghị quyết số 42 của Chính phủ, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành văn bản yêu cầu phòng lao động - thương binh và xã hội các huyện, thành phố phối hợp với các xã, phường, thị trấn tập trung lập danh sách và rà soát đối tượng thuộc diện gặp khó khăn trên địa bàn; đồng thời tham mưu xây dựng kế hoạch của UBND tỉnh triển khai thực hiện hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Ngày 28/4/2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 45 triển khai hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và tổ chức hội nghị trực tuyến tới 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) để hướng dẫn triển khai kế hoạch. Bên cạnh đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp mời các sở, ngành liên quan tham dự hội nghị trực tuyến do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về việc triển khai và và giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Phóng viên: Nghị quyết số 42 của Chính phủ và Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể về 6 nhóm đối tượng được hỗ trợ. Xin ông cho biết về 6 nhóm đối tượng, mức hỗ trợ và thời gian hỗ trợ?

Ông Nguyễn Văn Bái: Theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ và Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ có 6 nhóm đối tượng được hỗ trợ do gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19. Cụ thể:

- Nhóm I, hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, mức hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ theo thực tế, tính từ ngày 1/4/2020 đến hết ngày 30/6/2020.

- Nhóm II, hỗ trợ hộ kinh doanh thu nhập dưới 100 triệu đồng; mức hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng, thời gian hỗ trợ theo thời gian tạm ngừng kinh doanh thực tế, tính từ ngày 1/4/2020 nhưng tối đa không quá 3 tháng. Phương thức chi trả hỗ trợ theo hàng tháng.

- Nhóm III, hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ tính từ thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, ít nhất 1 tháng và tối đa không quá 3 tháng. Phương thức chi trả hỗ trợ theo hàng tháng.

- Nhóm IV, hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm, mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ theo thời gian người lao động không có việc làm, tính từ ngày 1/4/2020 tối đa không quá 3 tháng. Phương thức chi trả hỗ trợ theo hàng tháng.

- Nhóm V, hỗ trợ người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó mức hỗ trợ người có công với cách mạng (bao gồm cả thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, thương binh đang hưởng chế độ mất sức lao động hàng tháng), đối tượng bảo trợ xã hội mức hỗ trợ là 500.000 đồng/người/tháng; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo là 250.000 đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ 3 tháng kể từ tháng 4 - 6/2020. Phương thức chi trả thực hiện 1 lần.

- Nhóm VI, hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động.

Phóng viên: Với 6 nhóm đối tượng được hưởng hỗ trợ, công tác rà soát đến nay đạt kết quả như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Bái: Đến nay, qua tổng hợp sơ bộ số liệu 6 nhóm đối tượng được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ và Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ từ các sở, ngành liên quan và các huyện, thành phố, toàn tỉnh có trên 297.000 người được hỗ trợ, trong đó:

- Nhóm I, người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương dự kiến khoảng 12.000 người.

- Nhóm II, số hộ kinh doanh cá thể dự kiến 14.863 hộ.

- Nhóm III, số người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp dự kiến 10.700 người.

- Nhóm IV, số người lao động không có giao kết hợp đồng, bị mất việc làm, số lượng dự kiến 34.600 người.

- Nhóm V, hỗ trợ người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó:

+ Người có công với cách mạng và thân nhân đang hưởng trợ cấp tháng 4/2020 là 56.051 người.

+ Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hàng tháng: 103.531 người.

+ Đối tượng người thuộc hộ nghèo là 23.578 người.

+ Đối tượng người thuộc hộ cận nghèo là 42.365 người.

Đến nay, 3 huyện (Đông Hưng, Quỳnh Phụ, Thái Thụy) về cơ bản đã hoàn thành việc rà soát nhóm đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo. Riêng nhóm người có công của huyện Đông Hưng và Quỳnh Phụ đang tiến hành chi trả. Các nhóm đối tượng khác, các huyện, thành phố và các địa phương tích cực rà soát, bảo đảm tiến độ đề ra.

Phóng viên: Quá trình rà soát có gặp những khó khăn, vướng mắc gì không, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Bái: Trong 6 nhóm đối tượng theo Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ, nhóm hộ kinh doanh và nhóm người lao động không có giao kết hợp đồng, bị mất việc làm có khó khăn trong việc xác định đối tượng và cần nhiều thời gian rà soát. Tuy nhiên, trong Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 45 của UBND tỉnh đã quy định, nhóm đối tượng hộ kinh doanh giao cho UBND cấp xã, phường, thị trấn phối hợp với đội thuế của chi cục thuế các huyện, thành phố sẽ rà soát hộ kinh doanh có thu nhập dưới 100 triệu đồng và có thời gian ngừng kinh doanh từ 15 ngày trở lên sẽ được tính 1 tháng để tiến hành lập danh sách hỗ trợ. Với nhóm đối tượng người lao động không có giao kết hợp đồng, bị mất việc làm người dân cần căn cứ vào quy định của Chính phủ để gửi đề nghị tới UBND xã, phường, thị trấn, từ đó UBND xã, phường, thị trấn sẽ cùng với thôn, tổ dân phố tiến hành rà soát và hỗ trợ đối tượng kịp thời. Đối với hai nhóm này cần phải lập danh sách và công khai danh sách để người dân giám sát. Việc làm công tâm, quyết liệt của chính quyền cơ sở sẽ bảo đảm sự chính xác, kịp thời, đúng đối tượng và giữ vững đoàn kết ở địa phương.

Phóng viên: Để quá trình hỗ trợ bảo đảm công khai, minh bạch, đầy đủ, kịp thời, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND tỉnh đề ra những giải pháp nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Bái: Để việc hỗ trợ bảo đảm tiến độ, bảo đảm công khai, minh bạch, đầy đủ, kịp thời, không để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách, ngày 28/4/2020 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 45 về triển khai hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó:

+ Cấp tỉnh, kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, Tiểu ban thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Thành lập 6 tổ công tác giúp việc cho Tiểu ban, trong đó mỗi tổ phụ trách một nhóm đối tượng hỗ trợ. Tiểu ban và các tổ công tác có nhiệm vụ tuyên truyền, triển khai kế hoạch thực hiện bảo đảm đúng quy định và tổ chức kiểm tra, thẩm định, giám sát việc thực hiện kế hoạch tại các địa phương.

+ Tại các huyện, thành phố thành lập ban chỉ đạo hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; quán triệt, tuyên truyền sâu rộng đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị và nhân dân về các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ và Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ. Chỉ đạo rà soát, xác nhận, thẩm định số liệu đối tượng hỗ trợ; kiểm tra việc thực hiện chi trả các chính sách trên địa bàn.

+ Các xã, phường, thị trấn thành lập ban chỉ đạo; phân công nhiệm vụ các thành viên, tổ chức rà soát danh sách các đối tượng xác nhận các điều kiện thuộc diện hỗ trợ, tránh trùng lặp, bảo đảm nguyên tắc mỗi người chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ cao nhất và hỗ trợ đúng đối tượng, bảo đảm công khai, minh bạch, tránh trục lợi chính sách. Đồng thời niêm yết, công khai danh sách hỗ trợ tại xã, nhà văn hóa thôn, tổ dân phố để người dân giám sát. Tăng cường công tác tuyên truyền về cơ chế, chính sách hỗ trợ, thông báo công khai đối tượng được hỗ trợ, mức hỗ trợ, hướng dẫn quy trình, thủ tục làm hồ sơ để toàn dân biết.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Cường

(thực hiện)

Trần Thị Phương - 4 năm trước

Xin hỏi nay tôi có mang giấy quyết định chấm dứt hợp đồng của công ty do ảnh hưởng của dich bệnh không đủ việc làm cho người lao động tới UBND xã. Nhưng xã nói chưa có văn bản giải quyết và yêu cầu mang đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp về. Vậy trường hợp của tôi có được giải quyết không

Tải thêm