Thứ 5, 09/05/2024, 21:40[GMT+7]

Để bảo đảm cho độc lập dân tộc gắn liền với CNXH ở Việt Nam, điều kiện tiên quyết là phải xác lập, củng cố, giữ vững và phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng

Thứ 5, 07/05/2020 | 08:49:00
35,423 lượt xem

Ảnh minh họa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1969) - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất. Hành trình 30 năm bôn ba nước ngoài đã giúp Người tìm ra con đường đúng đắn để cứu nước, giải phóng dân tộc Việt Nam. Một trong những tư tưởng lý luận quan trọng, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, có tác dụng định hướng to lớn cho cách mạng Việt Nam là tư tưởng về mối quan hệ biện chứng giữa độc lập dân tộc (ĐLDT) và Chủ nghĩa xã hội (CNXH) cũng như ý nghĩa to lớn của mối quan hệ này. Song để đảm bảo ĐLDT gắn liền với CNXH thì vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là điều kiện tiên quyết, là vấn đề mang tính nguyên tắc của cách mạng Việt Nam.

Thực tiễn lịch sử Việt Nam cũng cho thấy, các phong trào đấu tranh chống thực dân, phong kiến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX theo ngọn cờ phong kiến hay theo hệ tư tưởng dân chủ tư sản đều lần lượt thất bại vì không có lý luận khoa học soi đường với một đảng cách mạng chân chính lãnh đạo. Do đó, Hồ Chí Minh quan niệm: để đảm bảo cho ĐLDT gắn liền với CNXH ở Việt Nam, điều kiện tiên quyết là phải xác lập, củng cố, giữ vững và phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng. Đây là sự vận dụng sáng tạo học thuyết Mác-Lênin về đảng cộng sản phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của nước ta. Cụ thể:

* Thứ nhất: Về việc xác lập vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam
Trong tác phẩm Đường cách mệnh, Bác đặt câu hỏi: “Cách mệnh trước hết phải có cái gì?" rồi Người khẳng định: "Trước hết phải có đảng cách mệnh” (1) để: “Trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi" (2).

Từ việc xác định như thế, Hồ Chí Minh đã xúc tiến xây dựng thành công một đảng kiểu mới ở Việt Nam. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là sự sáng tạo độc đáo của Hồ Chí Minh trong việc vận dụng học thuyết Mác-Lênin về đảng cộng sản. Nếu học thuyết của chủ nghĩa Mác-Lênin chỉ ra quy luật ra đời của đảng cộng sản là chủ nghĩa xã hội khoa học kết hợp với phong trào công nhân thì Hồ Chí Minh chỉ rõ: chủ nghĩa Mác-Lênin, phong trào công nhân và phong trào yêu nước là ba yếu tố cơ bản dẫn đến sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây chính là đảng cầm quyền cao nhất và duy nhất ở nước ta, đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc. Người quan niệm: "Đảng ta là Đảng của giai cấp, đồng thời cũng là của dân tộc, không thiên tư, thiên vị" (3).

Sự ra đời của Đảng ta là kết quả của quá trình chuẩn bị đầy đủ về chính trị, tư tưởng và tổ chức bởi những chiến sĩ cách mạng kiên trung, quả cảm, đứng đầu là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là một dấu mốc lớn đánh dấu bước ngoặt trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, chấm dứt sự  khủng hoảng, bế tắc về đường lối cứu nước và cũng đồng thời chứng tỏ giai cấp công nhân Việt Nam đã trưởng thành, đủ điều kiện nắm giữ sứ mệnh lãnh đạo cách mạng. Năm 1930, tại Việt Nam, một chính đảng kiểu mới đã chính thức bước lên vũ đài chính trị, gánh vác sứ mệnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Từ đó đến nay, Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân tộc đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược bảo vệ ĐLDT và xây dựng CNXH với nhiều thành tựu trên mọi lĩnh vực. Vị thế, danh dự, uy tín của đất nước và con người Việt Nam không ngừng gia tăng trên trường quốc tế. Qua đây cho thấy, vì sao chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới là đảng duy nhất lãnh đạo cách mạng như đã được hiến định trong Khoản 1, Điều 4 của Hiến pháp Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: "Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội"(4).

* Thứ hai: Về vấn đề củng cố, giữ vững và phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam

Đây là việc làm thường xuyên của Đảng để giúp cho ĐLDT gắn liền với CNXH. Theo Hồ Chí Minh, để lãnh đạo thắng lợi các cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do, giữ vững toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia, bảo vệ hòa bình và xây dựng, phát triển các lĩnh vực của đời sống xã hội, bản thân Đảng phải vững mạnh thực sự. Bởi lẽ, một Đảng tiêu biểu cho trí tuệ, danh dự, lương tâm của dân tộc và thời đại thì Đảng đó phải vững mạnh mới có sức sống trường tồn, mới đủ sức đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua những khó khăn, thử thách. Người cho rằng: "Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”(5). Đảng muốn vững thì phải lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm cốt, vì đó là bàn chỉ nam cho hành động của Đảng. Để giữ vững và phát huy cao độ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, Hồ Chí Minh luôn lưu ý và đòi hỏi Đảng phải đưa ra được đường lối đúng, đồng thời phải thường xuyên hoàn chỉnh đường lối của mình. Đảng phải lãnh đạo toàn dân tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng đi đôi với bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.

Hơn nữa, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, bên cạnh những ưu điểm, tiến bộ, trong Đảng cũng sẽ xuất hiện những hạn chế, tiêu cực do sự thoái hóa biến chất của một số cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng. Vì vậy, Đảng phải thường xuyên chỉnh đốn, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự gương mẫu, trong sạch, vững mạnh. Bác yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên cần nâng cao bản lĩnh, trình độ, trí tuệ và năng lực lãnh đạo; rèn luyện đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân. Củng cố Đảng về tổ chức, đoàn kết thống nhất có sức chiến đấu cao. Tăng cường mối liên hệ giữa Đảng với nhân dân. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ toàn diện vững mạnh. Trước lúc đi xa, Người đã căn dặn trong "Di chúc": "Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân" (6).

Điều kiện xác lập, củng cố, giữ vững và phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng để bảo đảm cho ĐLDT gắn liền với CNXH nêu trên chính là bài học lớn mà mỗi cán bộ và đảng viên cần khắc ghi sâu sắc. Sự sụp đổ mô hình XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu là minh chứng xác thực của việc họ đã lãng quên, xem nhẹ, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Ở nước ta, không phải ngẫu nhiên mà mỗi khi Đảng ta chuẩn bị tổ chức đại hội nhiệm kỳ thì các thế lực phản động, thù địch và kẻ xấu lại nảy nở như nấm độc sau mưa. Chúng xuyên tạc, bịa đặt, công kích Đảng từ nhiều phía. Không chỉ dừng lại ở âm mưu "diễn biến hòa bình", chúng còn tìm cách mua chuộc, dụ dỗ hoặc "giăng bẫy" khiến cho cán bộ, đảng viên của Đảng "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Mưu đồ của chúng không gì ngoài mục tiêu hòng chia rẽ Đảng và cán bộ, đảng viên với nhân dân, làm cho Đảng suy yếu tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng. Nếu người cán bộ, đảng viên không giữ vững bản lĩnh, lập trường, tư tưởng hoặc bị lợi ích vật chất làm mờ mắt sẽ dễ dàng mắc mưu kẻ xấu. Do đó, 27 biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" mà Đảng ta đã chỉ ra trong Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XII năm 2018 luôn là những lời nhắc nhở, cảnh tỉnh để mỗi cán bộ, đảng viên luôn phòng, chống, không để mình vi phạm. Có như vậy Đảng ta mới luôn vững mạnh, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”(7).

Trong giai đoạn đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế, Đảng ta quan niệm ĐLDT phải được chú ý toàn diện từ độc lập về lãnh thổ, chủ quyền an ninh quốc gia đến độc lập về kinh tế, chính trị, văn hóa, lối sống và đạo đức xã hội. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã nêu một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2016-2020 là:“Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước” (8). Những quan điểm như: "đặt lợi ích của quốc gia dân tộc lên trên hết", "không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà đánh đổi lợi ích quốc gia, dân tộc", "không đánh đổi độc lập chủ quyền lãnh thổ lấy tình hữu nghị viển vông"...đã thể hiện bản lĩnh, ý chí, quyết tâm của Đảng ta. Về xây dựng CNXH, Đảng ta cũng yêu cầu phải kiên định mục tiêu lý tưởng về xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh đi đôi với việc bảo vệ vững chắc quốc phòng, an ninh Tổ quốc.

Với tất cả những gì mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục mang đến cho cả dân tộc trong suốt quá trình 90 năm lãnh đạo cách mạng, chúng ta tin tưởng vào Đảng ta - một Đảng ra đời từ chân lý và chính nghĩa và bởi lãnh tụ kính yêu Hồ Chí Minh. Một đảng đại diện cho ý chí, quyền và lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động cùng toàn thể dân tộc - đảng đó là đảng chân chính. Mọi lời lẽ, hành vi xúc phạm đến Đảng tức là xúc phạm đến lợi ích chân chính của nhân dân, của dân tộc.

Tin tưởng rằng, với những thành tựu cùng kinh nghiệm của hơn 30 năm đổi mới và những kết quả khả quan đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, Đảng ta sẽ tiếp tục lãnh đạo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong nhiệm kỳ tới để tiếp tục “nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - ngọn cờ vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lại cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau" (9).

                 Nguyễn Thị Hồng Thuận
                                  (Phó trưởng khoa Lý luận cơ sở Trường Chính trị tỉnh Thái Bình)


TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1), (2), (5). Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.2, tr.289.
(3). Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.13, tr.275.
(4). Hiến pháp Nước CHXHCN Việt Nam (năm 2013).
(6). Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.15, tr.616.
(7). Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG, H. 2011, tr.113.
(8). ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H.2016, tr.218.
(9). ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H.2011, tr.65.


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày