Thứ 6, 17/05/2024, 11:43[GMT+7]

Công tác khuyến học ở Quỳnh Phụ

Thứ 4, 31/10/2012 | 10:45:18
1,711 lượt xem
Những năm qua, nhận thức được tầm quan trọng của công tác giáo dục và đào tạo, trong đó có công tác khuyến học, khuyến tài, cấp ủy, chính quyền huyện Quỳnh Phụ thường xuyên chỉ đạo các địa phương, cơ quan chuyên môn không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, tham gia xây dựng xã hội học tập, coi đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, nòng cốt là Hội Khuyến học các cấp.

Giờ ra chơi của học sinh Trường Tiểu học Thị trấn An Bài (Quỳnh Phụ). Ảnh: Ngọc Trâm

Sau khi tiếp thu Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị (khóa X) và Thông tri số 05 của  Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”, các cấp ủy, chính quyền huyện Quỳnh Phụ đều xác định rõ trách nhiệm, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, phát huy truyền thống hiếu học. Nhất là đưa nội dung công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập vào trong hoạt động của cơ quan, đơn vị mình. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tổ chức, đơn vị và nhân dân tham gia đóng góp, vận động các nguồn lực chăm lo cho sự nghiệp giáo dục.

Theo đó, mạng lưới tổ chức Hội Khuyến học các địa phương từng bước được hình thành, phát triển và hoạt động đạt hiệu quả cao. Nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, thiết thực như: các cuộc tọa đàm, hội nghị nêu gương gia đình tiêu biểu… đã giúp mọi người nhận thức rõ về sự cần thiết, ý nghĩa, lợi ích của việc học tập nên đã nhiệt tình ủng hộ phong trào, nhiều cá nhân, doanh nghiệp, đơn vị, nhà hảo tâm, các cơ quan đã tích cực đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của huyện trong việc xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị trường học, khen thưởng, xây dựng quỹ khuyến học.

Đến nay, 100% các xã, thị trấn đã xây dựng và duy trì hoạt động của Hội Khuyến học; hầu hết các thôn làng, tổ dân phố, các trường học đều có chi hội Khuyến học; nhiều cơ quan, xí nghiệp cũng thành lập Chi hội Khuyến học; đặc biệt, các Ban khuyến học dòng họ ngày càng phát triển mạnh. Số gia đình đạt tiêu chuẩn danh hiệu gia đình hiếu học ngày càng tăng, với trên 20.100 gia đình, trong đó gần 800 gia đình hiếu học tiêu biểu xuất sắc. Trong tổng số 421 dòng họ có tới 29 tiến sĩ, 81 thạc sĩ, gần 100 bác sĩ chuyên khoa, 1.800 cử nhân, cao đẳng…Đến nay, toàn huyện có 70 cơ sở Hội Khuyến học, 123 chi hội trường học, 761 ban khuyến học họ tộc, 207 chi hội thôn, xóm, tổ dân phố. 100% các cơ sở hội, chi hội đều xây dựng quy chế, quy ước hoạt động, cụ thể hóa tiêu chí danh hiệu gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học. Hàng năm, các địa phương, đơn vị, chi hội đều tổ chức khen thưởng, biểu dương, động viên kịp thời các học sinh vượt khó học giỏi, các cán bộ, giáo viên đạt nhiều thành tích trong công tác giáo dục.

Một trong những điều đáng ghi nhận ở Quỳnh Phụ đó là công tác khuyến học, khuyến tài đã thật sự được xã hội hóa cao, mọi người, mọi gia đình, dòng họ, thôn xóm, cơ quan, xí nghiệp, trường học, các lực lượng vũ trang, nhà chùa, nhà thờ, các chức sắc tôn giáo… đều làm khuyến học, với nhiều loại quỹ khuyến học, như: Quỹ khuyến học của Hội Khuyến học huyện, quỹ khuyến học gia đình, dòng họ, chi họ, xã, phường, thị trấn, thôn, xóm, khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp… với số tiền gần 2,6 tỷ đồng. 5 năm qua, toàn huyện đã khen thưởng, cấp học bổng gần 3 tỷ đồng cho 67.000 học sinh, giáo viên dạy giỏi; hỗ trợ 6.300 học sinh nghèo vượt khó; cấp trên 1.000 suất học bổng. Đây là nguồn động viên rất lớn, giúp các em vươn lên trong học tập; đồng thời góp phần tạo sự chung tay của cả cộng đồng chăm lo sự nghiệp “trồng người”.

Để công tác khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ngày càng đi vào chiều sâu, thời gian tới các địa phương trong huyện cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với tổ chức Hội Khuyến học các cấp. Đặc biệt, tập trung củng cố, xây dựng phát triển hội tăng nhanh về số lượng, nâng cao về chất lượng hoạt động. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nhiều nguồn lực của xã hội đầu tư cho các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Đồng thời, biểu dương, nhân rộng các gương cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến trong công tác này ở các địa phương… Qua đó, thực hiện thắng lợi 3 mục tiêu giáo dục - đào tạo: Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài nhằm đáp ứng nguồn nhân lực của địa phương, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới. 

Minh Nguyệt

  • Từ khóa