Thứ 5, 09/05/2024, 08:41[GMT+7]

Trường THCS Thụy Tân Gieo chữ trên vùng đất mặn

Thứ 5, 29/11/2012 | 09:04:00
1,354 lượt xem
Lâu lắm rồi tôi mới lại về Thụy Tân – một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Thái Thụy. Nếu địa đầu Móng Cái là mỏm đầu của đất nước, thì Thụy Tân giống như cái “mỏm” cuối của tỉnh Thái Bình. Thụy Tân đang chuẩn bị cho kỷ niệm 50 năm thành lập xã. Trở lại Thụy Tân, không phải để viết về nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, mà để cảm nhận các thầy, cô giáo của trường THCS gieo chữ thế nào ở vùng đất mặn mòi này.

Cô giáo Nguyễn Thị Muôn giáo viên dạy giỏi trong giờ lên lớp.

Ðến trường vào lúc các em học sinh có giờ ra chơi. Quan sát sân trường mới thấy không khí ở trường vùng xa, vùng sâu này cũng rất khác. Học sinh không nô đùa ồn  ã, không đuổi, bắt nhau trên sân trường… sự yên tĩnh đến nao lòng. Sau cái bắt tay rất chặt và nụ cười thật hiền, thầy hiệu trưởng Vũ Viết Toản nói rằng: Trường THCS Thụy Tân không có gì để nói đâu anh ạ, trường luôn nằm ở tốp giữa của huyện. Nghĩa là khen thì không tới mà chê cũng chẳng đến phần. Cái cách nói lấp lửng ấy càng kích thích trí tò mò của tôi. Ði một vòng quanh trường và cảm nhận không khí ở đây tôi thật sự chia sẻ với anh. Về cơ bản, trường đã kiên cố hóa, với các phòng học cao tầng, các phòng làm việc của Ban giám hiệu, thư viện; bàn ghế, phòng học bộ môn đều được đầu tư đến nơi, đến chốn. Ðội ngũ giáo viên cơ bản ổn định và có chuyên môn khá. Tuy nhiên, trường ở vùng sâu nhất của Thái Thụy, cho dù từ trường lên huyện chỉ chưa đầy 10 cây số. Nhưng đi chặng đường chỉ toàn đê, cánh đồng… thì khoảng cách ấy quả thật có cảm giác rất xa.

 

Trường có 20 giáo viên, quy mô thuộc loại nhỏ, tình trạng dạy chéo ban nhiều, thiếu giáo viên dạy nhạc, tin học… Ðã thiếu cơ cấu nhưng số ít thầy cô lại chưa thật yên tâm công tác do phải đi xa nhà, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Nhằm khắc phục tình trạng trên, nhà trường đành phải tạm “co kéo” để bảo đảm chương trình và chất lượng học tập của học sinh. Giải pháp tích cực là làm cho mọi cán bộ, giáo viên nhận thức đúng tầm quan trọng của đổi mới phương pháp giảng dạy; tham dự đầy đủ  các chuyên đề  của trường, cụm và phòng GD – ÐT tổ chức. Coi đây là cách tốt nhất để tự học, tự nâng cao trình độ chuyên môn. Nhà trường tổ chức nhiều chuyên đề về đổi mới phương pháp dạy ở môn toán, văn, lịch sử… để giáo viên rút kinh nghiệm, học tập; chuyên đề giảm tải chương trình và bản đồ tư duy. Cán bộ quản lý tăng cường dự giờ, thăm lớp, góp ý cho giáo viên để có phương pháp dạy tốt nhất. Giáo viên ngoài thời gian giảng bài còn tích cực tham dự giờ đọc tài liệu, sách tham khảo để bổ sung kiến thức, củng cố phương pháp giảng dạy. Các tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch hoạt động từng tuần, tháng, học kỳ… Tổ chức nhiều buổi chuyên đề, ngoại khóa, có chất lượng… Nhiều giáo viên sử dụng đồ dùng dạy học có hiệu quả cao, chất lượng tốt, học sinh tiếp thu kiến thức nhanh, có chiều sâu.

 

Năm học 2011 – 2012, có 2 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 9 giáo viên giỏi cấp cơ sở, 2 chiến sĩ thi đua. 100% giáo viên được chuẩn hóa, trong đó 8 giáo viên có trình độ đại học. Ðối với học sinh giỏi thì năm học 2011 – 2012 nhà trường đã có sự vươn lên rõ rệt, xếp thứ 29/47 trường. Toàn trường có 12 em học sinh giỏi văn hóa, trong đó: 2 em giỏi cấp tỉnh, 14 em giỏi môn thể dục thể thao. Công tác giáo dục đạo đức, chăm lo bồi dưỡng truyền thống được nhà trường quan tâm. Các buổi học ngoại khóa về kiến thức xã hội, truyền thống đánh giặc của cha ông và quan tâm giáo dục học sinh cá biệt. Do vậy, trường không có học sinh bỏ học, không vi phạm pháp luật. Kết hợp tốt ba môi trường giáo dục: nhà trường – gia đình – xã hội nhà trường đã mời 25 lượt phụ huynh của một số học sinh vi phạm để thông báo tình hình và bàn giải pháp giáo dục.

 

Tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị ở địa phương trong việc giáo dục đạo đức học sinh, tăng cường cơ sở vật chất và các điều kiện cho dạy và học. Ban giám hiệu, các tổ chuyên môn và cán bộ giáo viên tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Hai không” và phong trào “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học” và sáng tạo gắn với học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vì thế, cho dù nằm ở vùng sâu, vùng xa, thiếu nhiều yếu tố hỗ trợ cho giáo dục… nhưng chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục bồi dưỡng học sinh giỏi vẫn được nâng cao và không phải là đơn vị xếp “đội sổ” của giáo dục Thái Thụy. Ðặc biệt là tình người trong hoạn nạn khó khăn của đội ngũ giáo viên và học sinh nhà trường.

 

Chia tay Trường THCS Thụy Tân, trong tôi vẫn nặng một nỗi niềm được sẻ chia với nhà trường  dẫu chỉ “một tấc lòng”

Bài, ảnh: Việt Hải

 

 

  • Từ khóa