Thứ 4, 03/07/2024, 18:21[GMT+7]

Tiền Hải: Bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn

Thứ 4, 16/09/2020 | 08:31:51
2,664 lượt xem
Để ứng phó với biến đổi khí hậu, những năm qua huyện Tiền Hải đã tích cực bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn, tạo thành “vành đai xanh” góp phần phát triển kinh tế kết hợp với phát triển du lịch sinh thái đồng thời bảo đảm an ninh tuyến biên phòng biển của địa phương.

Rừng ngập mặn xã Đông Hoàng (Tiền Hải).

Đông Hoàng là xã thuộc tuyến biên phòng biển với chiều dài đê biển 2km, hàng trăm héc-ta bãi bồi. Năm 2009, rừng ngập mặn của xã chỉ có khoảng 100ha, đến nay mở rộng lên gần 500ha. Từ ngày rừng được trồng, chăm sóc, bảo vệ và phát triển đã giữ lại phù sa, trở thành những bãi bồi rất màu mỡ, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. 

Ông Đỗ Xuân Hiển, thôn Hải Long chia sẻ: Những năm qua, chính quyền xã thường xuyên duy trì công tác chăm sóc, bảo vệ rừng và theo dõi, đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển và thích ứng của các loại cây trồng nhằm mở rộng diện tích, tạo điều kiện cho các loài sinh vật biển trú ngụ, sinh trưởng. Hiện nay, người dân đã ý thức, hiểu rõ những lợi ích của rừng ngập mặn đối với công tác phòng, chống thiên tai và bảo vệ diện tích nuôi trồng thủy sản của địa phương.

Không chỉ có Đông Hoàng các xã Đông Long, Nam Phú, Nam Thịnh, Nam Hưng những năm gần đây cũng có nhiều giải pháp thiết thực bảo vệ rừng và tham gia trồng mới rừng. Để bảo vệ rừng, UBND xã Đông Hoàng đã thành lập đội bảo vệ rừng gồm 7 thành viên, chia làm 2 tổ phụ trách kiểm tra, giám sát 2 khu vực theo từng ngày. Mỗi tuần đội tổ chức họp giao ban, đánh giá hoạt động, từ đó tham mưu cho chính quyền trong việc nắm bắt tình hình, tuyên truyền, vận động, quản lý, điều hành công tác bảo vệ rừng. Đội bảo vệ rừng tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vai trò của rừng ngập mặn ven biển cũng như trách nhiệm đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. 

Ông Hồ Xuân Phương, thành viên đội bảo vệ rừng cho biết: Đội bảo vệ rừng đã tham mưu UBND xã lựa chọn những loại cây phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương như sú, vẹt, bần, thông có rễ dày đặc trên mặt đất để trồng, góp phần giảm tốc độ dòng chảy của thủy triều, giảm sự xói lở chân đê do sóng biển gây ra. Nhờ bảo vệ tốt rừng ngập mặn nên hệ thống đê của địa phương được bảo đảm an toàn hơn. Đồng thời, góp phần để việc nuôi trồng thủy sản của nhân dân ổn định, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Phạm Văn Vang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Tiền Hải có 23km bờ biển, đất đai phì nhiêu, điều kiện tự nhiên thuận lợi, có nhiều thế mạnh để nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, Tiền Hải những năm gần đây cũng gặp không ít khó khăn do biến đổi khí hậu gây ra như bão, lụt, đặc biệt là nước biển dâng dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân một số xã ven biển. Trước tình hình đó, huyện đã triển khai nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là dự án trồng rừng ven biển. Trong đó, huyện đã làm tốt công tác tuyên truyền đến nhân dân tích cực tham gia trồng rừng, phủ xanh rừng ngập mặn và rừng ven các tuyến đê biển. Nhấn mạnh vai trò của rừng phòng hộ trong bảo vệ sản xuất, chống xâm thực, từ đó giúp người dân nâng cao ý thức trách nhiệm, tích cực tham gia trồng và bảo vệ rừng. Đến nay, rừng phòng hộ ven biển đang phát triển rất tốt, các bãi bồi được phủ xanh, góp phần bảo vệ khu vực nuôi trồng thủy sản và các tuyến đê biển được an toàn. Diện tích rừng hiện có trên 3.768ha, chủ yếu là rừng ngập mặn và rừng phòng hộ ven biển. Trung bình hàng năm người dân các địa phương ven biển trồng mới được từ 30 - 40ha rừng. Đi đôi với phát triển diện tích rừng ngập mặn, Tiền Hải còn phối hợp với cơ quan chức năng, các tổ chức để hỗ trợ sinh kế, tạo điều kiện để nhân dân phát triển kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng thành công các mô hình sinh kế như mô hình trồng lúa, sử dụng giống lúa với các đặc điểm: chống đổ tốt, ít sâu bệnh, chịu mặn tốt; mô hình nuôi trồng thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu... Đồng thời, xây dựng thành công các tổ quản lý, bảo vệ rừng ngập mặn với sự tham gia của công an xã và người dân thường xuyên đi rừng để nắm bắt thông tin, phát hiện và xử lý tình trạng xâm hại rừng ngập mặn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.

Mạnh Thắng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày