Thứ 5, 25/04/2024, 19:15[GMT+7]

Thế giới có thêm hơn 141 nghìn ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ

Thứ 7, 27/02/2021 | 17:16:05
2,038 lượt xem
Tính đến sáng nay (27/2), thế giới đã ghi nhận gần 114 triệu ca nhiễm COVID-19, trong đó có hơn 2,5 triệu ca tử vong.

Nhân viên y tế được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Trung tâm giải trí Ritchie Valens tại TP Los Angeles, bang California, Mỹ. Ảnh: AP

Hiện các nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch vẫn là Mỹ, Ấn Độ và Brazil. Trong 24 giờ qua, thế giới đã có thêm 141.695 ca mắc mới và 3.309 trường hợp tử vong.

Trong 24 giờ qua, Iran ghi nhận 94 tử vong mới do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 59.830 ca. Ngoài ra, nước này cũng ghi nhận thêm 8.206 ca mắc, nâng tổng số ca mắc lên 1.607.081 người. Hiện 11 khu vực đang ở mức báo động đỏ - mức cao nhất trong thang xếp hạng nguy cơ theo màu của Iran. Trong khi đó, 31 khu vực duy trì mức báo động cam và 406 khu vực khác ở mức màu vàng hoặc xanh lam - mức nguy cơ thấp.

Hàn Quốc sẽ gia hạn các biện pháp giãn cách xã hội thêm 2 tuần trong bối cảnh các ổ dịch COVID-19 vẫn xuất hiện rải rác trên khắp cả nước. Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun nhận định các ổ dịch rải rác đang liên tục bùng phát, đồng thời lưu ý nguy cơ lây nhiễm ngày càng tăng khi các trường học chuẩn bị mở cửa trở lại vào tuần tới. Ông kêu gọi người dân tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội của chính phủ, bày tỏ lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn lực y tế trong trường hợp nước này lại đối mặt với làn sóng dịch mới.

Thế giới có thêm hơn 141 nghìn ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ - Ảnh 1.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Mumbai, Ấn Độ, ngày 22/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo Bộ Y tế Campuchia, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 44 ca nhiễm mới, trong đó có 40 trường hợp liên quan tới "Sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2". Trong số các ca lây nhiễm trong cộng đồng, ngoài công dân Campuchia, còn có công dân Malaysia và Việt Nam ở độ tuổi từ 19 đến 39. Đến nay, Campuchia đã có tổng số 741 ca mắc COVID-19, trong đó có 477 trường hợp đã bình phục và không có ca tử vong.

Các quốc gia Đông Nam Á khác cũng ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm mới. Thái Lan ngày 26/2 thông báo có thêm 45 ca nhiễm mới, trong đó 37 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Theo Trung tâm xử lý tình hình COVID-19 (CCSA), Thái Lan hiện có tổng cộng 25.809 ca nhiễm, trong đó 23.056 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, còn lại là các ca nhập cảnh. Đến nay, 24.952 người đã bình phục và 774 ca đang được điều trị tại các bệnh viện. Số người không qua khỏi do COVID-19 tại Thái Lan là 83 người.

Trong khi đó, Bộ Y tế Philippines cùng ngày cho biết nước này có thêm 2.651 ca nhiễm mới, mức tăng theo ngày cao nhất trong hơn 4 tháng qua, và 46 ca tử vong do COVID-19. Theo cơ quan này, hiện tổng số ca nhiễm và tử vong tại Philippines đã tăng lên lần lượt là 571.327 ca và 12.247 ca.

Philippines, quốc gia có số ca bệnh cao thứ hai ở khu vực Đông Nam Á, dự kiến sẽ nhận được lô vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên vào cuối tuần này, theo đó cho phép khởi động chiến dịch tiêm chủng quốc gia từ tuần tới.

Thế giới có thêm hơn 141 nghìn ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ - Ảnh 2.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Nagykata, Hungary, ngày 24/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 được dự báo sẽ tăng mạnh trong 2 tuần tới, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết nước này có thể xem xét siết chặt các biện pháp hạn chế.Với dân số khoảng 10 triệu người, Hungary đã ghi nhận 414.514 ca nhiễm kể từ khi đại dịch bùng phát, trong đó có 14.672 ca tử vong do COVID-19. Số ca nhiễm mới trong ngày đã tăng thêm 4.385 ca vào ngày 25/2, mức cao nhất theo ngày trong năm nay. Chính phủ Hungary đã kéo dài lệnh phong tỏa một phần cho đến ngày 15/3 tới. Toàn bộ các trường trung học, khách sạn đã đóng cửa kể từ ngày 11/11/2020, trong khi các nhà hàng chỉ phục vụ đồ ăn mang về.

Pháp cũng đang xem xét đề xuất áp đặt lệnh phong tỏa kéo dài 3 tuần nhằm hạn chế dịch COVID-19 lây lan. Phát biểu trên kênh phát thanh France Inter ngày 26/2, người phát ngôn Chính phủ Pháp Gabriel Attal khẳng định chính phủ sẽ cân nhắc kế hoạch này, dù bày tỏ hoài nghi về tính hiệu quả của việc áp đặt lệnh phong tỏa trong thời gian ngắn như vậy. Giới chuyên gia y tế đánh giá Pháp sẽ không thể tránh được việc áp đặt các biện pháp phong tỏa mới do số ca mắc COVID-19 đang tăng lên và tình hình bệnh viện tại Paris đang rất căng thẳng.

Trái ngược với Hungary và Pháp, giới chức Anh đã hạ mức cảnh báo về virus SARS-CoV-2 từ mức 5 xuống mức 4 do số ca mắc giảm đã phần nào giảm thiểu mối đe dọa đối với Cơ quan Y tế quốc gia (NHS). Các quan chức y tế hàng đầu của Vương quốc Anh và Giám đốc Y tế NHS vùng England cho biết, đã nhất trí thực hiện sự điều chỉnh trên trong bối cảnh các ca mắc "đã liên tục giảm" và không còn nguy cơ cao NHS "bị quá tải trong vòng 21 ngày".

Theo vtv.vn