Thứ 4, 24/07/2024, 03:24[GMT+7]

Dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu hạ nhiệt tại nhiều quốc gia Đông Nam Á

Thứ 5, 27/05/2021 | 08:14:17
1,234 lượt xem
Tính đến 6h ngày 27/5, thế giới đã có 169.015.188 ca mắc Covid-19, trong đó 3.510.402 trường hợp tử vong. Làn sóng dịch mới chưa có dấu hiệu hạ nhiệt tại nhiều quốc gia Đông Nam Á.

Châu Á

Tại Philippines, dịch đang quay trở lại và bùng phát nghiêm trọng, biến nước này thành ổ dịch “nóng” nhất khu vực. Số ca mắc mới/ngày lên tới hơn 5.300 người, cao hơn cả ổ dịch nghiêm trọng nhất là Indonesia và cao thứ ba trong số các nước Đông Nam Á. 

Tình hình dịch Covid-19 tại Malaysia cũng vô cùng đáng quan ngại. Xu thế dịch leo thang trở lại do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh 3 ngày gần đây. Trong 24 giờ qua, Malaysia ghi nhận số ca bệnh mới cao nhất khu vực, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức đáng ngại với 63 trường hợp không qua khỏi (đứng thứ ba trong khối ASEAN).

Malaysia đang đối mặt với làn sóng dịch Covid-19 mới, buộc chính phủ phải áp dụng biện pháp hạn chế đi lại trên toàn quốc cho tới hết tháng 6 để ngăn chặn vi rút tiếp tục lây lan.

Đáng chú ý, số liệu gần đây cho thấy, số ca mắc ở trẻ em và trẻ sơ sinh đang gia tăng một cách đáng lo ngại. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ismail Sabri Yaakob, trẻ em và trẻ sơ sinh hiện trở thành nhóm có nguy cơ cao thứ hai, chỉ sau nhóm người cao tuổi. Đã có 48.261 trẻ em tại Malaysia bị nhiễm Covid-19, trong đó có 6.290 là trẻ dưới 18 tháng tuổi.

Trước thực tế này, đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Malaysia, Tiến sĩ Rashed Mustafa Sarwar kêu gọi tìm ra những cách thức mới và sáng tạo để bảo vệ trẻ em ở Malaysia. Ông Rashed cảnh báo, những hành động thiếu sót trong đảm bảo các biện pháp phòng, chống Covid-19 đang gây hại cho trẻ em.

Ông Rashed Mustafa Sarwar nhấn mạnh: "Tương lai của hàng triệu trẻ em phụ thuộc vào hành động mà chúng ta thực hiện hôm nay. Hãy cùng nhau hợp tác để giữ an toàn cho con em của chúng ta”.

Ngày 27-5, số bệnh nhân mắc Covid-19 tại Thái Lan đã tăng thêm 2.455 ca. Số người tử vong trong ngày cũng tăng lên cao nhất từ trước tới nay với 41 trường hợp. Chính phủ nước này vừa ra quyết định phát hành trái phiếu để vay thêm 500 tỷ baht (khoảng 16 tỷ USD) nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế và xã hội gây ra do đại dịch Covid-19. Thái Lan cũng sẽ sửa đổi chiến lược tiêm chủng quốc gia, đặt trọng tâm vào các vùng, lĩnh vực bị ảnh hưởng nhất và nơi các ổ dịch có nhiều khả năng xuất hiện nhất.

Lực lượng phản ứng nhanh chống Covid-19 của Chính phủ Thái Lan cho biết, chiến lược tiêm chủng sẽ ưu tiên "tâm dịch" Bangkok và các tỉnh lân cận, các điểm nóng du lịch, các công trình xây dựng và những người có nguy cơ lây lan vi rút, như các nhân viên vận tải công cộng.

Chính phủ Thái Lan mới đây cũng đã quyết định kéo dài thời gian tiêm liều thứ hai của vắc xin AstraZeneca lên 16 tuần, thay vì 10 tuần như trước đây, nhưng khẳng định, việc trì hoãn sẽ không gây bất kỳ ảnh hưởng tiêu cực nào đến phản ứng miễn dịch với Covid-19.

Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh, thành. Tỷ lệ tiêm phòng tại nước này đang được đẩy mạnh, đạt gần 23%, tương đương với 2.280.875 người trên tổng số 10 triệu người dự kiến sẽ được tiêm.

Theo số liệu của Ủy ban quốc gia về tiêm phòng Covid-19 của Campuchia, có 1.646.994 người đã tiêm mũi thứ hai, trong đó có thành viên các ngoại giao đoàn, cán bộ, nhân viên các tổ chức quốc tế, cơ quan Liên hợp quốc và gia đình của họ.

Châu Âu

Chính phủ Bỉ đã thông báo tạm ngừng sử dụng loại vắc xin 1 liều của hãng Johnson&Johnson cho người dưới 41 tuổi liên quan đến 1 trường hợp tử vong do phản ứng phụ nghiêm trọng sau khi tiêm chủng. Chính phủ Bỉ sẽ chờ khuyến cáo cụ thể của Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) về những lợi ích và nguy cơ của loại vắc xin này trước khi đưa ra quyết định tiếp theo.

Hiện tại, trong số 11,5 triệu dân tại Bỉ, có trên 1,7 triệu người được tiêm đủ liều vắc xin (chiếm 15,3% dân số) và hơn 4,4 triệu người đã được tiêm liều vắc xin thứ nhất (38,5%). Bỉ đặt mục tiêu 70% dân số nước này được tiêm phòng đầy đủ vào cuối mùa hè năm nay.

Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) đang muốn AstraZeneca phải trả mức phạt 10 euro/liều/ngày nếu hãng này không cung cấp cho EU 20 triệu liều vắc xin bổ sung vào cuối tháng 6. Ngoài ra, AstraZeneca phải bồi thường thêm ít nhất 10 triệu euro mỗi lần vi phạm hợp đồng. 

Yêu cầu bồi thường này là một phần trong vụ kiện của EC nhằm buộc AstraZeneca phải cung cấp 90 triệu liều vắc xin trong quý II năm nay thay vì 70 triệu liều theo kế hoạch hiện tại. Đây là diễn biến mới nhất trong cuộc chiến giữa EU và AstraZeneca xung quanh việc chậm thực hiện hợp đồng cung cấp 300 triệu liều vắc xin giữa hai bên.

Trong đơn kiện, EC cho biết, AstraZeneca phải giao thêm 90 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 trước tháng 7, song hãng dược phẩm này không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng, khi chỉ giao 1/4 tổng số liều đã cam kết chuyển giao trong quý đầu tiên của năm 2021. EU đặt thời hạn chót việc thực hiện hợp đồng này là vào giữa tháng 6 và nếu không đáp ứng được thời hạn trên, AstraZeneca sẽ phải đối mặt với các án phạt tài chính

EU cũng cho rằng, AstraZeneca lẽ ra phải bù đắp việc thiếu nguồn cung bằng cách sử dụng 50 triệu liều vắc xin từ các cơ sở sản xuất khác. Gần 40 triệu liều vắc xin của AstraZeneca hiện được sản xuất tại Anh và phần lớn còn lại được sản xuất tại Mỹ.

Để tăng cường chống dịch, Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) đang xem xét sử dụng vắc xin ngừa Covid-19 cho trẻ em từ 12 đến 15 tuổi. Quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra vào ngày 28-5. Vắc xin ngừa Covid-19 dành cho trẻ em có tên Comirnaty, do công ty dược phẩm Mỹ Pfizer và công ty nghiên cứu của Đức BioNTech phối hợp phát triển.

Nếu được EMA phê chuẩn, đây sẽ là loại vắc xin đầu tiên được "bật đèn xanh" sử dụng cho trẻ em tại Liên minh châu Âu (EU) gồm 27 nước. 

Theo hanoimoi.com.vn