Thứ 7, 10/08/2024, 20:20[GMT+7]

Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình Phát triển kỹ thuật phẫu thuật sọ não

Thứ 2, 20/09/2010 | 08:39:26
2,350 lượt xem
Theo số liệu của Bệnh viện đa khoa tỉnh, mỗi năm Bệnh viện tiếp nhận khoảng 2000 bệnh nhân chấn thương sọ não, trong đó có 500 bệnh nhân máu tụ nội sọ cần phẫu thuật cấp cứu. Trước năm 2005, Bệnh viện chưa được trang bị máy chụp cắt lớp vi tính, các trường hợp máu tụ nội sọ phải đưa lên tuyến trên điều trị.

Từ khi triển khai kỹ thuật, trong số bệnh nhân được phẫu thuật, tỷ lệ khỏi không để lại di chứng đạt 88,5%, di chứng thần kinh nhẹ 6,9%; di chứng thần kinh nặng 2,3%, đời sống thực vật 1,5% và tỷ lệ tử vong 1,5%. Trong ảnh: Các bác sĩ, kỹ thuật viên thực hiện ca mổ. Ảnh: Thành Tâm

Chấn thương sọ não là một cấp cứu thường gặp trong ngoại khoa, chiếm khoảng 25-30% tổng số bệnh nhân bị chấn thương nói chung, trong đó có 2/3 số bệnh nhân tử vong sau chấn thương là do chấn thương sọ não.

 

Nguyên nhân chính của chấn thương sọ não ở Việt Namon> là do tai nạn giao thông chiếm 80%, tai nạn lao động 10%, tai nạn sinh hoạt 10%. Tử vong do chấn thương sọ não hiện nay còn rất cao.

 

Trong chấn thương sọ não, một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu là do máu tụ nội sọ (đây là khối máu tụ hình thành trong sọ não sau quá trình sọ não bị va đập mạnh). Bởi khối máu tụ nội sọ gây chèn ép não ngăn cản quá trình vận chuyển oxy đến các tế bào não, tế bào não sẽ chết khi thiếu oxy 5 phút.

 

Khi chấn thương sọ não có máu tụ nội sọ, nếu không tử vong, người bệnh cũng sẽ rơi vào tình trạng sống thực vật. Chính vì vậy, nếu khối máu tụ nội sọ được phát hiện sớm, phẫu thuật kịp thời sẽ cho kết quả tốt đến 70-80%, ít để lại di chứng cho người bệnh.

 

Theo số liệu của Bệnh viện đa khoa tỉnh, mỗi năm Bệnh viện tiếp nhận khoảng 2000 bệnh nhân chấn thương sọ não, trong đó có 500 bệnh nhân  máu tụ nội sọ cần phẫu thuật cấp cứu. Trước năm 2005, Bệnh viện chưa được trang bị máy chụp cắt lớp vi tính, các trường hợp máu tụ nội sọ phải đưa lên tuyến trên điều trị.

 

Để bệnh nhân chuyển viện, cái chết và sự sống phó mặc cho sự may rủi của số phận, làm gì để tận dụng “thời gian vàng” cứu sống người bệnh? Đây không chỉ là điều trăn trở của các bác sĩ khoa chấn thương, những người trực tiếp cứu chữa người bệnh mà còn là trăn trở của cả đội ngũ lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa và lãnh đạo ngành y tế.

 

Phải triển khai kỹ thuật phẫu thuật máu tụ nội sọ đã trở thành quyết tâm của ngành. Năm 2004, lãnh đạo Sở, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa đã quyết định cử một kíp bác sĩ đi học về kỹ thuật tại Bệnh viện Việt Đức. Năm 2005, Bệnh viện đa khoa trang bị máy chụp cắt lớp vi tính.

 

Các bệnh nhân chấn thương sọ não được chẩn đoán lâm sàng kết hợp với chẩn đoán xác định qua kỹ thuật chụp cắt lớp. Hy vọng để triển khai một kỹ thuật ngoại khoa phức tạp đã có cơ sở.

 

Bác sĩ Giang Hoài Nam, Phó trưởng khoa chấn thương, một trong ba bác sĩ đầu tiên của Bệnh viện được cử đi học về kỹ thuật phẫu thuật nội sọ, cũng là kíp trưởng của ca phẫu thuật máu tụ nội sọ đầu tiên tại Bệnh viện nhớ lại: “Bệnh nhân là một học sinh 17 tuổi, bị tai nạn giao thông, nhập viện trong tình trạng hôn mê, sau khi chụp cắt lớp vi tính xác định máu tụ nội sọ ngoài màng cứng vùng trán.

 

Chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ để tiến hành ca phẫu thuật song vẫn không thoát khỏi hồi hộp và lo lắng, không biết người bệnh có được cứu sống và có để lại di chứng. Ca phẫu thuật ấy trải qua 1,5 giờ mới hoàn thành, kết hợp với hồi sức tích cực, sau 10 ngày điều trị, bệnh nhân đã phục hồi sức khỏe, không để lại di chứng.

 

Sự thành công ban đầu ấy đã khích lệ chúng tôi rất nhiều trên con đường nghiên cứu và ứng dụng mở rộng việc triển khai kỹ thuật”. “Vạn sự khởi đầu nan”, thời gian khó khăn ban đầu đã qua. Trong suốt hai năm đầu, toàn khoa chỉ có bác sĩ Giang Hoài Nam là bác sĩ phẫu thuật chính đảm nhận kỹ thuật, đến nay, số bác sĩ có khả năng tiến hành phẫu thật này đã tăng lên 5 người, kỹ thuật cũng được thực hiện thường xuyên với trung bình 10- 15 ca/tháng.

 

Sau hơn 5 năm triển khai kỹ thuật, theo một nghiên cứu của khoa, nếu như giai đoạn trước 2005, việc điều trị là không hiệu quả đối với bệnh nhân chấn thương máu tụ nội sọ, từ khi triển khai kỹ thuật này, trong số bệnh nhân được phẫu thuật, tỷ lệ khỏi không để lại di chứng đạt 88,5%, di chứng thần kinh nhẹ 6,9%; di chứng thần kinh nặng 2,3%, đời sống thực vật 1,5% và tỷ lệ tử vong 1,5%.

 

Nếu so với kết quả tại Bệnh viện Việt Đức là tỷ lệ bệnh nhân khỏi 70,1%; di chứng thần kinh nhẹ 18,8%, tử vong 8,1% thì hiệu quả của việc triển khai kỹ thuật tại Bệnh viện đa khoa tỉnh là rõ ràng. Bác sĩ Giang Hoài Namon> cho biết thêm sở dĩ có sự khác biệt lớn về kết quả điều trị là do các bệnh nhân máu tụ nội sọ được mổ sớm hơn và hồi sức tích cực ngay từ đầu.

 

Bởi khi tiến hành phẫu thuật nội sọ tại Thái Bình sẽ nhanh hơn khi đưa lên tuyến trên ít nhất 5 tiếng. Khoảng thời gian đó có thể bệnh nhân đã tử vong hoặc nếu sống cũng để lại di chứng nặng nề. Đây chính là khoảng “thời gian vàng” để cứu sống người bệnh.

 

Không chỉ mang lại hiệu quả lớn trong điều trị, việc các bệnh nhân chấn thương máu tụ nội sọ được phẫu thuật cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh còn góp phần làm giảm gánh nặng kinh phí điều trị cho người bệnh, Theo tính toán, mỗi năm có khoảng 500 ca máu tụ nội sọ được phẫu thuật tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, chỉ tính riêng chi phí đi lại và chi phí phẫu thuật cũng đã tiết kiệm được 1 tỷ đồng/năm.

 

Việc nghiên cứu và triển khai thành công phẫu thuật máu tụ nội sọ ngoài màng cứng đã tiếp tục được áp dụng để điều trị các trường hợp máu tụ nội sọ khác. Không dừng lại ở phẫu thuật ngoài màng cứng, hiện nay, khoa chấn thương còn triển khai các kỹ thuật như phẫu thuật máu tụ dưới màng cứng, máu tụ trong nhu mô não, máu tụ mạn tính, vết thương sọ hở. 

 

Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã có máy chụp cắt lớp vi tính đa lát cắt, máy cộng hưởng từ, đồng thời khả năng gây mê hồi sức có thể đáp ứng. Theo kế hoạch, thời gian tới, bệnh viện sẽ mở rộng triển khai phẫu thuật các bệnh lý thần kinh trung ương như u não các loại, u tủy, chấn thương cột sống và tủy sống...

 

Thành công của kỹ thuật phẫu thuật máu tụ nội sọ đem lại những giá trị to lớn. Không chỉ cứu sống hàng trăm người bệnh, tiết kiệm cho gia đình và xã hội, điều này còn khẳng định trình độ của đội ngũ cán bộ y tế trong tỉnh có thể hội nhập với các trung tâm phẫu thuật lớn của Việt Nam và các nước trong khu vực trong chuyên ngành phẫu thuật thần kinh góp phần nâng cao vị thế của Bệnh viện Đa khoa tỉnh và ngành y tế Thái Bình.

Trần Thu Hương

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày