Chủ nhật, 11/08/2024, 08:07[GMT+7]

An toàn thực phẩm những ngày Tết

Thứ 3, 21/01/2014 | 08:37:20
684 lượt xem
Tết là khoảng thời gian để thư giãn, vui chơi và sum họp gia đình. Chúng tôi mong muốn chia sẻ một số thông tin cần thiết về vệ sinh an toàn thực phẩm để mọi người phòng tránh ngộ độc thực phẩm cũng như tránh các bệnh lây truyền qua thực phẩm giúp bảo vệ sức khỏe bản thân, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức. Ảnh: Thành Tâm

Ai cũng biết rằng, Tết là dịp để mọi người quây quần vui vẻ bên nhau để thưởng thức hương vị vài món ăn và một ly rượu; thế nhưng, cũng cần phải quan tâm đến sức khỏe của mình thông qua việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thực trạng tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm thời gian qua đáng được báo động, đã được rất nhiều các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh. Trước tiên, thực phẩm có chứa chất độc hoặc được sử dụng chất bảo quản, phụ gia, phẩm màu công nghiệp có hại cho sức khỏe. Chúng ta không thể quên rất nhiều loại thực phẩm có chứa chất độc hại như nước tương có 3-MCPD, nước mắm có phân U-rê, hải sản tươi được ướp với U-rê để bảo quản, trứng gà và sữa có chứa melamine, da heo được tẩy trắng bằng thuốc tẩy, hạt dưa nhuộm phẩm màu công nghiệp có chứa Rhodamin B và tẩm nhớt thải của xe cho bóng, bột ớt và bột điều cũng có Rhodamin B, trái cây khô từ Trung Quốc bị nhiễm độc chì, xúc xích có chứa chất Polychlorobifenyls - một chất tương tự dioxin, bánh phở có tẩm formol, chả giò chứa hàn the, rau củ quả có dư lượng chất bảo vệ thực vật; rượu tự nấu hoặc tự pha chế, thậm chí làm giả rất có hại cho sức khỏe.

Tiếp đến là việc sản xuất, chế biến thực phẩm mất vệ sinh. Một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm cạnh cống rãnh hoặc gần ao tù, nước đọng rất mất vệ sinh; hoặc sử dụng dụng cụ lưu trữ, chế biến vô cùng dơ, bẩn. Chúng ta cũng nghe qua các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra đã phát hiện trong mứt có dòi; hàng nghìn tấn thịt đông lạnh hôi thối (từ thịt trâu, bò, heo, gà, dê, cừu...) hết hạn sử dụng vẫn được tái chế để tiêu thụ trên thị trường (thay vì bị tiêu hủy), chân gà bị phát hiện có mủ xanh...

Thêm vào đó, khi đã có thực phẩm đạt các tiêu chuẩn vệ sinh, nhưng quá trình chế biến, bảo quản dài ngày tại gia đình trong những ngày Tết nếu không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm thì cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.

Từ những cơ sở trên, để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, chúng tôi khuyên mọi người cần quan tâm hơn nữa với chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trong những ngày Tết với những điều thiết thực như sau:
1. Khi chọn mua thực phẩm, nên chọn mua loại thực phẩm an toàn. Chọn các loại rau quả tươi, giữ nguyên trạng thái tự nhiên, không dập nát, không có mùi lạ. Chọn các loại phủ tạng, thịt và thủy sản còn tươi: thịt đã qua kiểm dịch thú y, chọn cá đang sống hay vừa mới chết, đặc biệt lưu ý đến cá ngừ. Các thực phẩm đóng hộp, đóng gói sẵn phải có nhãn ghi đầy đủ nội dung. Không sử dụng các thực phẩm khô đã bị mốc, đặc biệt là ngũ cốc, hạt có dầu có chứa độc tố vi nấm rất nguy hiểm. Không dùng thực phẩm còn nghi ngờ, chưa biết rõ nguồn gốc.

2. Chọn mua thực phẩm ở những nơi bán sạch sẽ, ngăn nắp, có uy tín, biết rõ nguồn gốc, xuất xứ nơi cung cấp để an tâm tiêu thụ hoặc cần thiết thì liên hệ, khiếu nại nếu có vấn đề liên quan. Chú ý đến những loại thực phẩm nhạy cảm, có vấn đề như đã nêu ở phần trên.

3. Không nên mua trữ quá nhiều trong những ngày Tết vừa không bảo đảm chất lượng, vừa không thuận tiện, vì hiện nay các chợ chỉ nghỉ bán 1-2 ngày nên sẽ không thiếu thực phẩm như trước đây. Thức ăn phải nấu chín, để trong tủ kính hoặc đậy kỹ, ăn ngay hoặc hâm nóng lại trước khi ăn. Nên nấu với số lượng vừa phải để không hâm đi, hâm lại nhiều lần sẽ giảm chất lượng và không bảo đảm hoàn toàn yêu cầu về vệ sinh. Sử dụng nước sạch, dụng cụ sạch để chế biến, nấu nướng, lưu trữ, bảo quản thức ăn. Chú ý vệ sinh cá nhân (cắt ngắn móng tay, rửa tay sạch bằng xà phòng và nước sạch trước khi ăn, chế biến, sau khi đi vệ sinh...).

4. Không nên ăn quá nhiều, nhất là những loại thức ăn có dầu mỡ vì tết chất lượng bữa ăn những ngày này khá cao, dễ tích tụ năng lượng dư thừa gây tăng cân và béo phì. Những người có bệnh, cần được cán bộ y tế tư vấn về chế độ ăn uống thích hợp. Kết hợp ăn uống hợp lý với vận động, tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên, ngay cả trong những ngày Tết.

5. Không nên uống rượu quá nhiều trong những ngày Tết để vừa bảo đảm sức khỏe, vừa bảo đảm về an toàn giao thông. Chú ý trong việc chọn loại rượu để sử dụng (rượu đã đăng ký và được chứng nhận chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm).

6. Nếu phải đi ăn ngoài thì chọn nơi sạch sẽ, chất lượng, uy tín, không gần nơi cống rãnh, bụi bặm. Ăn uống vừa phải để bảo đảm cung cấp đủ năng lượng, vừa ngon miệng, vừa không có nguy cơ tăng cân và tất nhiên ít có nguy cơ ngộ độc thực phẩm hơn.

Tết là khoảng thời gian để thư giãn, vui chơi và sum họp gia đình. Chúng tôi mong muốn chia sẻ một số thông tin cần thiết về vệ sinh an toàn thực phẩm để mọi người phòng tránh ngộ độc thực phẩm cũng như tránh các bệnh lây truyền qua thực phẩm giúp bảo vệ sức khỏe bản thân, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trung tâm TTGDSK tỉnh 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày