Thứ 6, 02/08/2024, 05:27[GMT+7]

Chào mừng Đại hội đại biểu Hội Sinh vật cảnh tỉnh Thái Bình nhiệm kỳ 2021 - 2026 Phong trào sinh vật cảnh ngày càng phát triển

Thứ 3, 19/10/2021 | 10:13:46
1,615 lượt xem
Thành lập năm 1993, trải qua 5 kỳ đại hội, Hội Sinh vật cảnh (SVC) tỉnh không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động, đẩy mạnh phát triển phong trào SVC vừa thỏa mãn thú chơi của hội viên vừa đáp ứng nhu cầu thưởng thức SVC của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, SVC từ thú vui cá nhân đã dần hình thành một nghề mang lại thu nhập ổn định cho các hội viên.

Nhà vườn tiêu biểu của nghệ nhân Nguyễn Văn Oai, xã Tân Lập (Vũ Thư).

Toàn tỉnh hiện có 199 xã, phường, thị trấn có tổ chức hội SVC, trong đó 176 hội SVC xã, phường, thị trấn được thành lập theo Nghị định số 45, có tư cách pháp nhân. 

Ông Lại Quang Miên, Chủ tịch Hội SVC tỉnh chia sẻ: Cơ cấu thành phần hội viên rất đa dạng, ở đủ mọi lứa tuổi, ngành nghề. Hiện nay, tỷ lệ hội viên đã được phát thẻ đạt gần 90% tổng số hội viên toàn tỉnh, trong đó 176 hội viên được phong tặng nghệ nhân SVC Thái Bình, 12 hội viên là nghệ nhân SVC Việt Nam. Trong nhiệm kỳ qua, thiết thực động viên, khích lệ lòng say mê sáng tạo nghệ thuật, thúc đẩy phong trào SVC ngày càng phát triển, các cấp hội đã tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, dạy nghề cho hàng nghìn hội viên. Đồng thời, trên 300 đoàn với 7.000 lượt hội viên đã được đi tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm tại các mô hình SVC trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, tháng 3/2018, Tỉnh hội đã tổ chức đoàn công tác tham quan, học tập, trao đổi thương mại với Hiệp hội Bonsai Nhật Bản và năm 2019 đón đoàn đại biểu Hiệp hội Bonsai Nhật Bản sang thăm, làm việc với Hội. Năm 2019, Hội SVC tỉnh có 10 tác phẩm dự triển lãm Bonsai châu Á Thái Bình Dương lần thứ 15 tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó bộ ba cây sanh cổ của nghệ nhân SVC Trần Văn Mạnh, xã Đông Hoàng (Tiền Hải) đạt giải phong cách.

Xác định phát triển kinh tế SVC là nhiệm vụ trọng tâm, toàn tỉnh hiện có 3.223 hội viên làm kinh tế SVC dưới nhiều hình thức khác nhau. Hàng năm, các hội viên đẩy mạnh sản xuất nhiều sản phẩm như: đào, quất, hoa các loại, tạo dáng các loại cây cảnh nghệ thuật, giao lưu thương mại tiêu thụ sản phẩm để SVC sớm trở thành ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao. Trong đó, 12 hội viên đã thành lập công ty chuyên sản xuất, kinh doanh về SVC, 715 hội viên xây dựng trang trại, nhà vườn có giá trị hàng tỷ đồng, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Trung tâm SVC tỉnh do nghệ nhân SVC Việt Nam Trần Thanh Phúc quản lý có doanh thu mỗi năm hàng chục tỷ đồng, chuyên sản xuất mẫu mã, khuôn chậu độc đáo, được nhiều địa phương trong và ngoài nước đặt hàng tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm cho 20 công nhân. Trước thách thức, khó khăn do dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, Hội SVC tỉnh khuyến khích hội viên chuyển đổi mô hình sản xuất, hướng vào những cây truyền thống đặc trưng của Thái Bình như sanh cổ, sanh Nam Điền, mộc hương, tùng la hán... Bên cạnh đó, chú trọng thay đổi, cải tiến loại hình, phát triển cây cảnh nghệ thuật tầm trung, mini, đa dạng hóa các chất liệu cây phối.

Tham gia bảo tồn giá trị văn hóa trong lĩnh vực SVC, Hội SVC tỉnh chú trọng phối hợp chăm sóc, bảo vệ cây cổ thụ, giữ gìn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa với tinh thần “Nông thôn mới - hồn quê Việt”; đồng thời, động viên, hướng dẫn các tổ chức xã hội và hội viên phát triển SVC ở nơi công cộng như trung tâm văn hóa xã, nhà văn hóa thôn, trường học, đài tưởng niệm, nghĩa trang liệt sĩ... 

Ông Lại Quang Miên cho biết: Đến nay, các cấp hội đã phối hợp chăm sóc, bảo vệ 754 cây cổ thụ, trong đó có 50 cây được Trung ương Hội công nhận cây di tích lịch sử văn hóa Việt Nam. Nhiều địa phương đã tổ chức lễ đón bằng công nhận rất trang trọng, gắn với các lễ hội, thu hút hàng nghìn người dân địa phương và con em xa quê tham gia.

Là hoạt động diễn ra thường niên, triển lãm SVC tại hội chợ nông nghiệp quốc tế đồng bằng Bắc Bộ tổ chức tại công viên Kỳ Bá (thành phố Thái Bình) luôn thu hút hàng trăm hội viên, mỗi năm trung bình có trên 500 tác phẩm SVC tiêu biểu trưng bày. Năm 2020, triển lãm SVC tại đây được xem là sân chơi quy mô nhất từ trước đến nay cho những người yêu thích cây cảnh trên địa bàn tỉnh Thái Bình với trên 1.000 cây cảnh các loại được giới thiệu, trong đó có nhiều cây độc về thế dáng, lâu niên...trị giá hàng tỷ đồng đã thu hút người dân và du khách đến thưởng thức. 

Ông Trần Văn Việt, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cây cảnh nghệ thuật chùa Keo, huyện Vũ Thư chia sẻ: Các tác phẩm đem đến trưng bày tại triển lãm luôn có sự đầu tư công phu, kỹ lưỡng, đạt đến trình độ cao, chuyên nghiệp. Nhiều tác phẩm đạt các tiêu chí “cổ - kỳ - mỹ”, thể hiện tâm huyết của tác giả, bởi vậy đã đạt giải qua các triển lãm. Thông thường, chúng tôi đem đến triển lãm những cây có giá trị cao và cây cổ cũng mong học hỏi, giao lưu với các câu lạc bộ khác và người chơi cây cảnh.

Bên cạnh đó, Hội SVC tỉnh đã tham gia nhiều cuộc triển lãm, lễ hội, festival SVC tại các tỉnh, thành phố trong cả nước với nhiều tác phẩm nghệ thuật độc đáo đạt giải, được đánh giá cao. Các triển lãm SVC không chỉ tạo niềm hứng khởi cho hội viên mà còn là cơ hội để giới thiệu những nét đẹp văn hóa, đưa SVC phát triển trong quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững, xây dựng nông thôn mới nhưng vẫn giữ hồn quê Việt.

Với những thành tích đã đạt được, nhiệm kỳ qua, Hội SVC tỉnh được tặng 4 bằng khen của Trung ương Hội SVC Việt Nam; 90 lượt tổ chức hội và 436 lượt hội viên được các cấp, ngành, tổ chức khen thưởng. Nhiệm kỳ tới, các cấp hội nỗ lực đưa SVC trở thành ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao, góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và đô thị văn minh. Từ đó, tạo thêm việc làm và thu nhập, góp phần giữ gìn, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái.

Du khách tham quan triển lãm SVC tại Hội chợ nông nghiệp quốc tế khu vực đồng bằng Bắc Bộ năm 2020. Ảnh tư liệu.

Ông Nguyễn Văn Mừng, Chủ tịch Hội SVC huyện Quỳnh Phụ
Với trên 1.900 hội viên, Hội SVC huyện Quỳnh Phụ luôn phát huy tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn, gắn việc phát triển SVC với xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, đóng góp, ủng hộ tích cực vào phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Nhiều gia đình hội viên đã hiến tặng cây cổ thụ, hòn non bộ cho các công trình công cộng trị giá hàng trăm triệu đồng. Không chỉ là thú chơi, kinh tế SVC toàn huyện hàng năm ước đạt trên 30 tỷ đồng, trong đó 21 nhà vườn SVC được Tỉnh hội vinh danh nhà vườn tiêu biểu, 2 nhà vườn được Trung ương Hội công nhận nhà vườn tiêu biểu cấp quốc gia.

Ông Lê Thế Triền, Chủ tịch Hội SVC xã Đông Xá (Đông Hưng)
Phần đông hội viên SVC xã Đông Xá coi SVC là một nghề có tính đặc thù, đã phát huy được giá trị kinh tế cho gia đình và tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Hiện nay, trong xã 6 hội viên đã có nhà vườn trồng hoa, ươm cây giống; 14 hội viên trồng, chăm sóc và chế tác cây cảnh nghệ thuật; 9 hội viên trồng hoa lan; 5 hội viên nuôi chim, cá cảnh... Trong đó, hội viên Nguyễn Thế Tiến đã chế tác hàng trăm tác phẩm nghệ thuật. Thời gian tới, tổ chức hội tiếp tục nâng cao hơn nữa vai trò tập hợp những người yêu SVC, góp phần xây dựng nông thôn mới văn minh, giàu đẹp.
Ông Tạ Quốc Đại, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ chim họa mi hót
Sinh hoạt trong Hội SVC tỉnh có 3 câu lạc bộ chim cảnh. Các thành viên trong mỗi câu lạc bộ luôn đoàn kết, gắn bó, tích cực học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm theo đúng tôn chỉ, Điều lệ Hội. Với 108 hội viên sinh hoạt trong toàn tỉnh, Câu lạc bộ chim họa mi hót đã có nhiều hoạt động thiết thực gây dựng đam mê như thường xuyên tổ chức dượt chim, tổ chức các cuộc thi nội bộ và giao lưu mở rộng với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Vì vậy, nhiều hội viên đã đạt giải thưởng cao trong các cuộc thi toàn quốc, Câu lạc bộ được đánh giá là một trong những đơn vị mạnh ở khu vực phía Bắc.  

Tú Anh