Thứ 5, 09/05/2024, 04:57[GMT+7]

Giá xăng tăng đẩy doanh nghiệp vận tải vào thế khó

Thứ 6, 25/02/2022 | 08:47:44
1,356 lượt xem
Giá xăng dầu liên tục tăng trong tháng 2 đang khiến các doanh nghiệp vận tải khách vốn đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 lại thêm khó. Không chỉ doanh nghiệp làm ăn thua lỗ mà hàng nghìn người lao động đứng trước tình cảnh thiếu việc làm, giảm thu nhập ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình.

Mỗi chuyến xe chạy chỉ có vài ba hành khách là tình trạng chung của các xe chạy tuyến cố định.

Gia đình anh Trần Văn Tàu, nhân viên lái xe buýt Hoàng Hà tuyến thành phố Thái Bình - Tiền Hải có 6 người. Cuộc sống của cả nhà phụ thuộc vào thu nhập của anh và đồng lương công nhân của vợ anh. Từ tháng 4/2021 đến nay, thu nhập của anh giảm còn 1/3 nên cuộc sống, sinh hoạt trong gia đình gặp nhiều khó khăn. Anh Tàu chia sẻ: Bố mẹ già thường xuyên đau yếu, hai con nhỏ tuổi ăn tuổi học nên chi phí tốn kém đè nặng lên đôi vai hai vợ chồng. Do dịch bệnh nhu cầu đi lại của người dân giảm, có chuyến xe chỉ 2 - 3 người đi nên thu không đủ bù chi, tần suất xe chạy giảm nên thu nhập của anh em lái xe cũng giảm theo. Dù cố gắng bám trụ hơn 2 năm qua song nếu tình trạng này còn kéo dài, chắc tôi cũng phải nghỉ nghề lái xe, tìm một công việc khác có thu nhập khá hơn để gánh đỡ cùng vợ lo cho cuộc sống gia đình. 

Nỗi khó khăn của gia đình anh Tàu cũng là hoàn cảnh chung của nhiều gia đình lái xe, phụ xe đang làm việc cho các doanh nghiệp vận tải khách trong thời gian qua. Tại Công ty Cổ phần Hoàng Hà, thu nhập của hơn 300 cán bộ, nhân viên cũng bị suy giảm vì thiếu việc làm và doanh nghiệp kinh doanh lỗ sâu. Ông Lê Văn Sinh, Giám đốc điều hành Công ty cho biết: Hơn 2 năm qua, hoạt động dịch vụ vận tải của Công ty gặp vô vàn khó khăn. Doanh nghiệp chỉ duy trì 120/220 xe hoạt động, tần suất hoạt động mỗi xe giảm 60%, số lượng hành khách đi xe thì gần như không có. Trong khi đó, dù hoạt động cầm chừng nhưng gánh nặng chi phí về lãi suất ngân hàng, khấu hao phương tiện, tài sản, lương của nhân viên, chi phí phòng, chống dịch Covid-19, rồi giá xăng dầu liên tục tăng doanh nghiệp vẫn phải chịu, càng cố duy trì hoạt động càng thua lỗ. Nếu doanh thu của Công ty năm 2019 đạt hơn 222 tỷ đồng thì năm 2020 giảm còn hơn 112 tỷ đồng và năm 2021 chỉ còn hơn 94 tỷ đồng. Qua hạch toán, năm 2020 Công ty lỗ 46 tỷ đồng, năm 2021 lỗ 56 tỷ đồng. 

Cũng như nhiều doanh nghiệp vận tải khách trong tỉnh, gần 1 năm qua, Công ty Cổ phần Xe khách Thái Bình rơi vào tình cảnh “sống lay lắt” do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Từ đầu năm đến nay, thông lệ đây là quãng thời gian hoạt động dịch vụ vận tải khách nhộn nhịp nhất trong năm bởi nhu cầu đi lại tăng cao do tết và nhiều lễ hội, thế nhưng hàng trăm xe khách của Công ty vẫn nằm dài chờ khách ở bến. Bà Bùi Thị Tâm, Phó Giám đốc Công ty cho biết: Sau hơn 2 năm “thắt lưng buộc bụng” tìm đủ mọi cách cắt giảm chi phí song lợi nhuận luôn ở mức âm, gây áp lực rất lớn cho doanh nghiệp. Khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 còn chưa biết khắc phục thế nào thì giá xăng dầu liên tục tăng càng làm cho doanh nghiệp rơi vào trạng thái như xe lao xuống dốc không phanh. 

Từ 15 giờ ngày 21/2, giá xăng E5 Ron 92 có giá 25.530 đồng/lít (tăng 960 đồng), Ron 95 là 26.280 đồng/lít (tăng 960 đồng), dầu hỏa là 19.500 đồng/ lít (tăng 750 đồng), dầu diesel là 20.800 đồng/lít (tăng 940 đồng) so với giá điều hành trước đó 10 ngày. Như vậy, chỉ từ giữa tháng 12/2021 đến nay, giá xăng dầu đã 5 lần tăng và lập đỉnh. Giá xăng Ron 95 đã tăng thêm 3.480 đồng/lít, xăng E5 Ron 92 tăng thêm 3.450 đồng/lít, dầu diesel tăng thêm 3.470 đồng/lít so với thời điểm giữa tháng 12/2021. “Cơn lốc” tăng giá đã làm cho các doanh nghiệp vận tải lao đao vì chi phí nhiêu liệu quá cao. Ông Nguyễn Hữu Hoan, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hoàng Hà cho biết: Với giá xăng dầu như hiện nay, chi phí nhiên liệu chiếm tới hơn 50% tổng chi phí dịch vụ vận tải khách, vượt ngưỡng chịu đựng. Trong bối cảnh khách thưa vắng, giá cước dịch vụ khó có thể tăng ngay, doanh nghiệp chỉ còn biết “tự trói mình chịu trận” lỗ ròng. 

Ông Vũ Quang, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải tỉnh cho biết: Thời gian qua, các doanh nghiệp vận tải nói chung, vận tải khách nói riêng đã gặp quá nhiều khó khăn, từ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến tình trạng xe dù, bến cóc cạnh tranh không lành mạnh. Nay thêm giá xăng dầu liên tục tăng lên mức cao chưa từng có đang đẩy doanh nghiệp vận tải vào bế tắc. Dịch vụ vận tải khách không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân mà còn hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh đóng góp tích cực cho nền kinh tế. Để tháo gỡ khó khăn giúp các doanh nghiệp vận tải tồn tại được qua giai đoạn khắc nghiệt này rất cần có sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ vận tải, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và chính quyền các cấp sớm có cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực, kịp thời cho doanh nghiệp. Đặc biệt, việc điều hành giá xăng dầu cần được nghiên cứu kỹ sức chịu đựng của thị trường, tránh lạm phát tăng cao, không để đổ vỡ ngành vận tải ảnh hưởng đến sự phát triển của các ngành nghề kinh tế khác.

Đầu tư mới hàng trăm xe khách, xe taxi chất lượng cao nhưng Công ty Cổ phần Xe khách Thái Bình vẫn không có khách đi vì ảnh hưởng của Covid-19 nên hoạt động cầm chừng gần 1 năm qua.

Khắc Duẩn