Thứ 6, 03/05/2024, 00:17[GMT+7]

Thành công từ mô hình nuôi cá lồng trên sông Hồng

Thứ 6, 22/04/2022 | 08:37:26
2,483 lượt xem
Là một trong những hội viên nông dân đi đầu trong nuôi thủy sản của xã, anh Phan Tiến Hùng ở thôn Nguyệt Lâm 3, xã Vũ Bình (Kiến Xương) đã xây dựng thành công mô hình nuôi cá lồng trên sông Hồng đem lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững.

Cán bộ hội nông dân các xã trong cụm tham quan mô hình nuôi cá lồng của anh Phan Tiến Hùng.

Bao năm vất vả mưu sinh, anh Hùng đã đi nhiều nơi, học hỏi nhiều kinh nghiệm để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Năm 2014, thấy quê nhà có con sông Hồng rộng lớn, dòng nước lưu thông tốt, là điều kiện rất thuận lợi để phát triển nghề nuôi thủy sản, anh đã bàn với gia đình và quyết định đầu tư nuôi cá lồng. Để bảo đảm an toàn, lúc đầu anh nuôi ít lồng, vừa nuôi vừa học hỏi thêm từ các hộ nuôi lớn bên Hải Dương. Vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, cộng với tìm kiếm được thị trường tiêu thụ ổn định tại chợ cá Yên Sở (Hà Nội) và các chợ đầu mối lớn khác, đến nay gia đình anh đã đầu tư 10 lồng cá, nuôi đa dạng các loại cá như: cá lăng, trắm, trôi, chép giòn... đến kỳ cho thu hoạch trên 10 tấn cá/lồng, trừ chi phí gia đình anh thu lãi trên 500 triệu đồng/năm.

Anh Hùng cho biết: Nuôi cá quan trọng nhất là nguồn nước sạch. Nhờ lợi thế từ dòng nước sông Hồng lưu thông nên không phải lo xử lý lượng thức ăn thừa chìm lắng và phân cá thải ra; hơn nữa, do được cung cấp lượng oxy thường xuyên nên có thể nuôi với mật độ dày hơn trong ao, giảm được nhiều chi phí. Tuy nhiên, là dòng chảy nên cũng có lúc nguồn nước bị ô nhiễm tạm thời, cần phải thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý ngay để giữ môi trường nước sạch cho cá. Để bảo đảm cá phát triển tốt, không có bệnh dịch, anh thường xuyên sử dụng tỏi nghiền nhỏ ủ chua trong 1 tuần rồi trộn cùng thức ăn cho cá ăn, cá phát triển tốt và hầu như không có dịch bệnh.

Nói về khó khăn trong quá trình nuôi cá lồng, anh Hùng chia sẻ: Khó khăn nhất là chịu ảnh hưởng lớn vào mùa mưa bão. Năm đầu nuôi cá lồng, do chưa có kinh nghiệm, lại đúng vào năm bão to, mưa nhiều, toàn bộ lồng cá của tôi bị hư hỏng, cá bị cuốn trôi hết, thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Sau thất bại, tôi đầu tư kinh phí thiết kế các lồng nuôi chặt chẽ hơn để bảo đảm ít thiệt hại nhất sau các đợt mưa bão.

Năm 2021, thấy nhiều diện tích ruộng nông dân bỏ không cấy, anh Hùng lại đi học hỏi thêm kinh nghiệm về xây dựng ao nổi và đầu tư thuê lại 4 mẫu ruộng bỏ không cấy để đào ao nổi nuôi các loại cá truyền thống. Với diện tích ao nổi rộng nên khi vào mùa mưa bão, để chủ động phòng, chống, anh chuyển bớt cá truyền thống đang nuôi ở các lồng trên sông vào trong ao cho an toàn. Ngoài ra, xác định gắn bó lâu dài với nghề, anh còn đầu tư cho con theo học Khoa Thủy sản của Học viện Nông nghiệp Việt Nam để tương lai phát triển nghề nuôi thủy sản với quy mô lớn và bền vững hơn. Không chỉ chú tâm phát triển kinh tế, bản thân anh Hùng và gia đình luôn tích cực tham gia các hoạt động của địa phương và Hội Nông dân xã tổ chức, nhất là trong công tác phổ biến, chia sẻ kinh nghiệm về kỹ thuật nuôi thủy sản, cung ứng con giống, thức ăn và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các hộ nông dân nuôi cá trong xã.

Nhờ sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, sự nỗ lực vượt khó vươn lên trong sản xuất, kinh doanh đã đem lại thành công cho gia đình anh Hùng. Cộng với sự nhiệt tình tham gia các hoạt động của tổ chức hội và địa phương, nhiều năm liền anh được UBND xã, hội nông dân các cấp khen thưởng. Đặc biệt, năm 2021 anh vinh dự được nhận bằng khen của UBND tỉnh cho hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh.

Lại Phượng

( Hội Nông dân tỉnh)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày