Thứ 6, 22/11/2024, 05:24[GMT+7]

Vượt lên nỗi đau da cam

Thứ 3, 09/08/2022 | 08:48:37
3,559 lượt xem
Mặc dù chịu nhiều thiệt thòi do di chứng của chất đọc da cam nhưng cựu chiến binh Nguyễn Như Truy, thôn Chiến Thắng, xã Bách Thuận (Vũ Thư) luôn nỗ lực vươn lên, tích cực phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Cựu chiến binh Nguyễn Như Truy vượt lên nỗi đau da cam, tích cực phát triển kinh tế gia đình.

Năm 1974, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Truy lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu ở chiến trường B2. 8 năm sau ông xuất ngũ trở về quê hương. Phục viên rồi lấy vợ, cuộc sống của ông vô cùng gian khổ, sinh được 5 người con thì 1 người mất sớm, 1 người bị não úng thủy do hậu quả của chất độc da cam. Thời điểm đó, bản thân ông không biết mình đã nhiễm loại chất độc đáng sợ từ chiến trường, dân làng cũng chưa hiểu nên một số người còn dị nghị, đàm tiếu. Nhưng những tháng ngày trong quân ngũ đã cho ông nghị lực vượt lên khó khăn, nỗ lực phát triển kinh tế để có điều kiện nuôi dạy các con, trong đó chăm lo cho cô con gái sinh năm 1982 bị não úng thủy, thường xuyên bị co giật. Năm 2007 ông Truy đi giám định, phát hiện bị nhiễm chất độc hóa học, giảm sức lao động 61%; cô con gái bị não úng thủy được xác nhận là nạn nhân chất độc da cam gián tiếp.

Vợ chồng ông bắt đầu từ hai bàn tay trắng, tích góp mua được mảnh đất hơn 4 sào, vừa làm nhà ở vừa lấp trũng làm vườn. Với gần 3 sào vườn, những năm qua ông chia làm hai phần, một phần diện tích trồng hòe, bên dưới gốc hòe trồng xen cây cảnh hàng lá như tứ quý, thiết mộc lan; phần còn lại ông trồng các loại cây cảnh như tùng la hán, mộc hương. Ông Truy chia sẻ: Cây tùng la hán ưa đất khô hạn, vì thế cứ một vài năm tôi lại phải khoanh vùng, nâng gốc cây, thêm chất dinh dưỡng, đắp đất thành ụ để cây sinh trưởng tốt. Vườn trồng phải tiêu thoát nước tốt, nếu không sẽ gây thối rễ, chết cây, loại cây này thường bị rệp lá, phải thường xuyên phun thuốc, cắt tỉa cành lá để hạn chế sâu bệnh tấn công cây. Đặc biệt, mỗi năm vào cuối mùa thu phải kiên trì tìm, bứt toàn bộ quả la hán bỏ đi để tránh làm hỏng bộ cành, lá của cây.

Hiện trong vườn nhà ông Truy còn hơn 20 cây tùng la hán quý có độ tuổi trên 20 năm và một số cây mộc hương đẹp có giá trị từ 20 - 50 triệu đồng/cây. Ngoài cây cảnh, mỗi năm ông có nguồn thu cố định từ 35 - 50 triệu đồng từ vườn hòe và cây cảnh hàng lá trồng dưới tán hòe. Mặc dù chịu ảnh hưởng của chất độc hóa học sức khỏe không được như người bình thường nhưng ông luôn tự động viên mình phải cố gắng vượt khó, chiến thắng bệnh tật, nỗ lực sản xuất, nâng cao thu nhập để có điều kiện chăm lo cuộc sống gia đình tốt hơn, đặc biệt là có thêm kinh phí chăm sóc, thuốc men, điều trị bệnh cho cô con gái đã chịu thiệt thòi do ảnh hưởng của chất độc da cam.

Ngoài đẩy mạnh phát triển kinh tế, ông Truy còn hăng hái tham gia công tác xã hội; hiện ông là Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin xã Bách Thuận. Hội có 35 hội viên, trong đó có 29 hội viên là nạn nhân trực tiếp, 6 hội viên là nạn nhân gián tiếp. “Không thù lao, chẳng thu nhập nhưng ông luôn nhiệt tình với các phong trào thi đua của Hội và quy tụ, vận động hội viên chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo vệ quyền lợi chính đáng cho hội viên và góp phần xây dựng phong trào của Huyện hội ngày càng phát triển” - bà Trần Thị Minh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin huyện Vũ Thư chia sẻ.

Ông Nguyễn Kim Sáu, Chủ tịch UBND xã Bách Thuận nhận xét: Không chỉ cần cù, phát triển kinh tế gia đình, bản thân ông Truy luôn gương mẫu, tích cực trong các phong trào thi đua tại địa phương. Tuy mang trong mình chất độc dam cam nhưng ông đã nỗ lực vượt lên, chiến thắng bệnh tật, trở thành tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.


Quỳnh Lưu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày