Thứ 5, 02/05/2024, 15:56[GMT+7]

Tổ chức Hội thảo khoa học cấp Quốc gia kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Tây Bắc

Thứ 6, 07/10/2022 | 08:05:12
528 lượt xem
Kết quả của Hội thảo khoa học cấp Quốc gia kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Tây Bắc (1952 – 2022) nhằm tri ân công lao to lớn và sự đóng góp của quân, dân Tây Bắc; trong đó có quân và dân Yên Bái đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc nói chung và trong chiến dịch tiến công Tây Bắc nói chung.

Họp báo giới thiệu Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Chiến thắng Tây Bắc 1952 – Tầm vóc lịch sử và bài học kinh nghiệm”. (Ảnh: ĐT).

Ngày 6/10, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy Yên Bái tổ chức họp báo giới thiệu Hội thảo khoa học cấp Quốc gia kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Tây Bắc (1952 – 2022) với chủ đề “Chiến thắng Tây Bắc 1952 – Tầm vóc lịch sử và bài học kinh nghiệm”.

Phát biểu tại buổi họp báo, Đại tá Trần Ngọc Anh, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, với chủ đề “Chiến thắng Tây Bắc 1952 – Tầm vóc lịch sử và bài học kinh nghiệm”, Hội thảo  khoa học cấp Quốc gia kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Tây Bắc (1952 – 2022) sẽ được tổ chức vào ngày 14/10/2022, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Yên Bái.

Hội thảo được tổ chức nhằm khẳng định và làm rõ tầm nhìn chiến lược, chủ trương lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, khả năng điều hành chiến tranh linh hoạt, sáng tạo của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh khi quyết định mở chiến dịch giải phóng Tây Bắc 1952; vai trò, đóng góp của lực lượng vũ trang, nhân dân cả nước, của đồng bào và nhân dân các dân tộc trên địa bàn Tây Bắc, trực tiếp là quân và dân tỉnh Yên Bái; tầm vóc, ý nghĩa, nguyên nhân thắng lợi, đúc rút những bài học kinh nghiệm và bài học lịch sử về lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược, sự phát triển của nghệ thuật quân sự; vận dụng, phát huy vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay.

Cùng với đó, Hội thảo cũng nhìn nhận, đánh giá những thành tựu đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh của Đảng bộ, quân và dân các tỉnh Tây Bắc nói chung, của tỉnh Yên Bái nói riêng sau 70 năm Chiến thắng Tây Bắc. Qua đó, góp phần củng cố, nâng cao lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc; giáo dục truyền thống cách mạng, ý chí tự lực, tự cường và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, bồi đắp niềm tin của nhân dân vào sự nghiệp đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.

“Kết quả của Hội thảo nhằm tri ân công lao to lớn và sự đóng góp của quân, dân Tây Bắc; trong đó có quân và dân Yên Bái đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc nói chung và trong chiến dịch tiến công Tây Bắc nói chung”- Đại tá Trần Ngọc Anh nhấn mạnh.

Giới thiệu về một số số nội dung chính của Hội thảo, Đại tá Nguyễn Văn Sáu, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự cho hay, Hội thảo tập trung làm rõ bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước; phân tích âm mưu, thủ đoạn, ý đồ của thực dân Pháp trong chiến dịch Thu - Đông 1952, đặc biệt là âm mưu tập trung lực lượng, đẩy mạnh càn quét, bình định quyết liệt, hòng mở rộng và kìm kẹp chặt vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng.

Đồng thời khẳng định đường lối, chủ trương, sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh. Phân tích, làm rõ quá trình chuẩn bị và tổ chức sử dụng lực lượng, tạo sức mạnh tổng hợp để giành thắng lợi; nghệ thuật tác chiến chiến dịch, công tác bảo đảm vũ khí, trang bị, hậu cần và sự tham gia phục vụ chiến đấu của quân và dân ta trong chiến dịch.

Bên cạnh đó, Hội thảo cũng tập trung tái hiện cuộc chiến đấu kiên cường, anh dũng, mưu trí, sáng tạo của quân và dân ta; quá trình thực hành phương châm “tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu”, “vây điểm, diệt viện, phá điểm”, “đánh dài ngày, đánh liên tục, tiến từng bước chắc, sẵn sàng nắm thời cơ thuận lợi để phát triển nhanh chóng”. Làm rõ các cách đánh linh hoạt của quân và dân ta trong chiến dịch như: Phục kích, tập kích, truy kích, công kiên, kỳ tập; nghiên cứu sự kết hợp chặt chẽ giữa vận động chiến và du kích chiến, sự kết hợp giữa tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng để giành thắng lợi. Đặc biệt, cần đánh giá, nhìn nhận những hạn chế, khuyết điểm trong vận dụng phương châm tác chiến, trong tổ chức, chỉ huy chiến đấu của cán bộ các cấp.

Thông qua kết quả công tác xây dựng Đảng bộ, chính quyền; công tác phát triển kinh tế - xã hội, củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội của các tỉnh Tây Bắc nói chung, của tỉnh Yên Bái nói riêng từ sau Chiến thắng Tây Bắc 1952 đến nay, tiếp tục đúc rút kinh nghiệm và xác định những định hướng chiến lược cho tương lai.

Cuối cùng, Hội thảo tập trung đánh giá tầm vóc, ý nghĩa, nguyên nhân thắng lợi và những bài học lịch sử, kinh nghiệm về nghệ thuật chỉ đạo xây dựng, tổ chức chuẩn bị và thực hành tác chiến chiến dịch để vận dụng, phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Đến nay, Ban Tổ chức đã nhận được tổng số 93 bài, trong đó có 6 bài khung, 84 bài báo cáo tham luận và 3 ý kiến nhân chứng lịch sử để biên tập, xuất bản sách phục vụ Hội thảo. Các tham luận được nghiên cứu công phu, nghiêm túc, đảm bảo chất lượng, khoa học, bám sát nội dung chủ đề Hội thảo.

Nội dung các tham luận đã đánh giá, phân tích và làm rõ về chủ trương, sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo, nhạy bén, kịp thời của Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy trong Chiến dịch tiến công Tây Bắc năm 1952 và tinh thần chiến đấu mưu trí, dũng cảm, khắc phục khó khăn của các lực lượng tham gia chiến dịch; vai trò của quân và dân trên địa bàn chiến dịch cũng như cả nước, góp phần làm rõ tư liệu, sự kiện khai thác có cách nhìn nhận mới, phong phú, tin cậy; phương pháp tiếp cận, giải quyết vấn đề có tính khoa học và thuyết phục. Nhiều bài viết đã cung cấp thêm tư liệu, tài liệu mới, với nhãn quan chính trị và tư duy mới; có sự phân tích sâu, góp phần khẳng định thắng lợi trong lãnh đạo, chỉ đạo Chiến dịch tiến công Tây Bắc năm 1952 trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954).

Ban tổ chức cho biết, bên lề Hội thảo sẽ diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực: Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia Lễ đài Sân vận động thành phố Yên Bái; viếng nghĩa trang liệt sĩ; thăm và tặng quà gia đình chính sách…/.

Theo: dangcongsan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày