Chủ nhật, 19/05/2024, 05:27[GMT+7]

Thành phố: Nhiều giải pháp phòng, chống ngập úng

Thứ 3, 20/06/2023 | 21:41:48
2,019 lượt xem
Cứ vào mùa mưa bão, nhiều hộ dân trên địa bàn thành phố Thái Bình lại lo lắng sẽ xảy ra ngập úng, ảnh hưởng đến việc đi lại, cuộc sống và sinh hoạt. Để hạn chế thấp nhất tình trạng này, UBND thành phố đã và đang tập trung xử lý những “điểm nóng” về ngập úng, đồng thời tăng cường duy tu, bảo dưỡng hệ thống thoát nước.

Thi công hạ tầng giao thông tuyến đường Lê Đại Hành.

Những năm qua, thành phố Thái Bình đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa và mở rộng nhiều tuyến đường, góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị. Trong quá trình nâng cấp các tuyến đường, hệ thống thoát nước trên các tuyến phố dần được đầu tư hoàn chỉnh, cơ bản bảo đảm thoát nước vào mùa mưa. Tuy nhiên, vẫn còn một số vị trí, tuyến đường thường xảy ra ngập cục bộ. Một số vị trí tại đường Lê Quý Đôn, Bùi Sĩ Tiêm, Kỳ Đồng, Hoàng Hoa Thám, Hoàng Diệu có cao độ thấp hơn so với khu vực xung quanh. Cống thoát nước một số tuyến đường chưa được nạo vét bùn, rác triệt để đoạn giữa các hố ga. Hệ thống cống thoát nước tại một số vị trí nhỏ hẹp, chưa bảo đảm nên mỗi khi có mưa lớn, nước không tiêu thoát được ngay dẫn đến quá tải gây ngập kéo dài. Ngoài ra, nhiều hộ dân làm dốc lên xuống chắn ngang rãnh vét thoát nước, bịt cửa thu nước các tuyến phố. Hoặc do nhu cầu xây dựng các công trình công cộng, nhà ở của các tổ chức và người dân ngày càng tăng cao, trong quá trình xây dựng đã để nguyên vật liệu như cát, đất, đá rơi xuống hệ thống cống thoát nước gây ra tình trạng tắc cống, hạn chế dòng chảy. 

Trước tình hình đó, ngay từ cuối năm 2022, UBND thành phố đã phê duyệt công trình cải tạo, sửa chữa hệ thống thoát nước, giao Ban Quản lý dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thành phố làm chủ đầu tư, với mục tiêu đầu tư xây dựng: khắc phục tình trạng ngập úng cục bộ một số vị trí, khu vực trên địa bàn thành phố, bảo đảm tiêu thoát nước, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị. Theo đó, thực hiện xây dựng, cải tạo, sửa chữa hệ thống thoát nước, khắc phục tình trạng ngập úng cục bộ tại khu vực nút giao đường Đốc Đen và đường Nguyễn Đình Chính, đường Lý Thường Kiệt đoạn trước Quảng trường 14/10, nút giao đường Trần Hưng Đạo và đường Kim Đồng, đường 31 Trần Lãm, mương thoát nước từ đường Lê Quý Đôn sang đường Lý Bôn (giáp tường dậu nhà máy đay).

Cùng với đó, ngay từ tháng 3/2023 Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thái Bình thực hiện kế hoạch và triển khai nạo vét, tu sửa hệ thống tiêu thoát nước tại 16 tuyến ngập cục bộ như khu vực Quảng trường 14/10, đường Đốc Đen, Hoàng Diệu, Lý Thường Kiệt, Lý Bôn, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Thái Học, Lê Quý Đôn, Quang Trung... 

Ông Nguyễn Ngọc Tùng, Đội trưởng Đội cống cho biết: Ngoài việc triển khai kế hoạch nạo vét hệ thống tiêu thoát nước theo kế hoạch, Đội thường xuyên chỉ đạo công nhân kiểm tra, phát hiện các tuyến cống tiêu thoát nước kém, hố ga có nhiều bùn ứ đọng, các tấm đan bị sập hỏng để kịp thời nạo vét, sửa chữa, bảo đảm cho việc tiêu thoát nước được thuận lợi. Đặc biệt, vào những thời điểm xảy ra mưa to kéo dài, 100% công nhân túc trực ở những tuyến đường có nguy cơ ngập úng cao, trực tiếp lật các tấm đan trên miệng cống để nước tiêu thoát nhanh, khắc phục tình trạng ngập úng.

Là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh, thành phố, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường tỉnh 454 (đoạn từ đường Trần Thái Tông đến nút giao với quốc lộ 10 tại khu công nghiệp TBS Sông Trà) đến nay đã cơ bản hoàn thành. Từ ngày tuyến đường hoàn thành, khu vực này không còn tình trạng ùn tắc cục bộ, tai nạn giao thông nghiêm trọng nào xảy ra. Dự án này không chỉ góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông của thành phố mà còn góp phần giải quyết bài toán ngập úng từ bao năm qua. Sau những trận mưa lớn cuối tháng 5, đầu tháng 6 vừa qua, người dân nhiều khu vực trên địa bàn thành phố rất phấn khởi bởi các tuyến đường không còn tình trạng ngập úng nặng như những năm trước đây. 

Là người dân sinh sống tại tuyến đường Lý Bôn, phường Tiền Phong hơn 20 năm nay chị Đặng Thu Hương chia sẻ: Trước đây cứ mưa to là ngập, nước tràn vào nhà, đồ đạc và các vật dụng đều phải đưa lên cao để tránh hư hỏng. Cuộc sống vẫn đảo lộn nhiều ngày sau khi trời hết mưa, nhưng 2 năm nay tình trạng này đã cơ bản được khắc phục. Vợ chồng tôi không phải lo dọn dẹp đồ đạc lên cao như trước nữa. 

Còn với ông Nguyễn Văn Hạnh, tổ 12, phường Kỳ Bá, tuyến đường Lê Đại Hành đã hoàn thành hệ thống cống rãnh, vỉa hè nên tình trạng ngập lụt đã được khắc phục. Người dân sống quanh khu vực Bệnh viện Y học cổ truyền không còn phải sống trong cảnh ô nhiễm môi trường từ nước thải cống rãnh ứ đọng trên đường do mưa lớn.

Hiện trên địa bàn thành phố còn tuyến đường Lê Quý Đôn đoạn từ ngã tư Trần Thái Tông đến ngã ba đường Trần Thủ Độ, đường Bùi Sĩ Tiêm cứ mưa to là ngập lụt. Bà Phạm Thị Hạnh, tổ 15, phường Tiền Phong cho biết: Gia đình tôi sinh sống ở đây gần 20 năm qua, nhà đã sửa chữa, nâng cấp, đôn nền 3 lần mà vẫn ngập. Mỗi trận mưa, gia đình luôn chủ động chèn tôn phía trước cửa để chặn nước không chảy vào nhà nhưng không hiệu quả. Rất mong các cấp chính quyền quan tâm, sớm có giải pháp chống ngập cho người dân xung quanh khu vực này.

Ngập lụt là vấn đề nan giải, do nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, đặc biệt là do tác động bất thường của biến đổi khí hậu. Giải quyết vấn đề ngập lụt đô thị cần phải có những giải pháp đồng bộ, có lộ trình, đòi hỏi sự quyết tâm của các cấp chính quyền và sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, xã hội và người dân.

 Công nhân Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thái Bình nạo vét hệ thống cống thoát nước tại đường Lý Bôn. 

Minh Nguyệt