Chủ nhật, 28/04/2024, 07:36[GMT+7]

Đôi điều suy ngẫm về tục đốt vàng mã

Thứ 2, 10/03/2014 | 10:58:01
2,199 lượt xem
Ngày nay, cùng với sự phát triển của kinh tế, cuộc sống của người dân cũng ngày càng được nâng cao, “phú quý sinh lễ nghĩa”, đời sống tâm linh có nhiều thay đổi. Đốt vàng mã từ lâu đã trở thành một tục lệ không thể thiếu của người Việt Nam mỗi dịp tết, lễ, như một cách bày tỏ lòng thành kính với người đã khuất. Nhưng ngày nay, tập tục ấy đã bị mất dần đi ý nghĩa vốn có của nó.

Chị Đỗ Thị Lý đang gấp giấy làm “áo” cho ngựa

Những ngày đầu năm này, thị trường vàng mã sôi động hẳn lên với hàng trăm mặt hàng đủ kiểu dáng, mẫu mã. Người bán, kẻ mua tấp nập.

“Cúng cả năm không bằng rằm tháng giêng”, rằm tháng giêng hay còn gọi là Tết Nguyên tiêu là một trong những ngày lễ quan trọng với người Việt. Ai ai cũng mong muốn một năm mới nhiều may mắn với bản thân và gia đình mình. Cùng với quan niệm “sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn”, “trần sao âm vậy”, nhiều người đã không tiếc bỏ ra tiền triệu, lỉnh kỉnh mua về từ quần áo, mũ nón, giày dép… đến cả ô tô, nhà lầu những mong rằng từng ấy thứ khi “hóa” đi sẽ mang lại vạn sự như ý.

Đến thăm cơ sở sản xuất hàng mã của gia đình bà Lĩnh (Đông Hòa, Thành phố Thái Bình) vào một ngày đầu năm mới, bà Lĩnh cho biết, gia đình đã “khai xuân” từ chiều mùng 1 Tết. Vừa “đẹp ngày” nhưng cũng do lượng hàng khách đặt nhiều, phải làm sớm mới kịp giao cho khách như đã hẹn. Vào ngày thường, hai vợ chồng vừa bán vừa làm hàng để gom bán các dịp lễ lớn: đầu năm, rằm tháng 7, lễ ông Công, ông Táo. Những ngày khách mua đông, lượng hàng tăng từ 2 – 3 lần so với ngày thường, bà phải thuê thêm 2 – 3 lao động.

Bên cạnh các mặt hàng truyền thống: quần áo, mũ nón, giày dép, ngựa… gia đình bà cũng làm các mặt hàng hiện đại: xe máy, ô tô, điện thoại, nhà lầu… thậm chí tới cả kem đánh răng, bàn chải, dao cạo râu. Khi chúng tôi tỏ vẻ ngạc nhiên trước nhiều mặt hàng rất “thời thượng”: Iphone, Ipad thì bà Lĩnh cười và bảo: “Trần sao âm vậy mà cháu. Khách hàng đặt thế nào tôi làm thế”. Được biết giá cả các mặt hàng này giao động từ vài nghìn đồng tới cả trăm nghìn đồng, tùy độ to nhỏ, chất lượng giấy, tre và độ tỷ mỷ mà giá cả khác nhau.

Chị Đỗ Thị Lý (xã Vũ Lạc, Thành phố Thái Bình), một chủ cửa hàng sản xuất và buôn bán vàng mã cho biết: Đầu năm, người dân đi cúng lễ đông, nhiều gia đình còn làm lễ giải hạn… nên sức mua tăng cao. Tiêu thụ mạnh trong dịp này chủ yếu là tiền vàng, quần áo, mũ, ngựa, hình nhân thế mạng. Các mặt hàng đắt tiền: ô tô, nhà lầu sức mua kém hơn, chủ yếu lấy theo đơn đặt hàng từ trước. Cẩn thận lựa từng bộ “quần áo”, chị Trần Thị Hảo, phường Hoàng Diệu, Thành phố Thái Bình cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp đầu năm gia đình tôi lại sắm sửa lễ vật cúng giải hạn. Cũng không biết là các cụ có nhận được không nhưng vẫn làm cho tâm thảnh thơi, an lạc, cầu mong một năm bình an, thuận lợi”.

Tục lệ đốt vàng mã có từ lâu đời và đã bén rễ, ăn sâu vào tâm thức của mỗi người dân. Song cùng với sự phát triển của xã hội, tục lệ này đã dần trở nên lệch lạc. Dẫu biết rằng “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” nhưng đâu phải mua càng nhiều đồ hàng mã càng tốt, đốt càng nhiều đồ đắt tiền càng có nhiều lộc, nhiều may mắn hay chỉ là sự lãng phí không đáng có.

Hà Linh

  • Từ khóa